Thứ tư, 24/04/2024 22:10 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/4/2019

MTĐT -  Thứ tư, 24/04/2019 10:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/4/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/4/2019.

Đề xuất mới của HoREA về phí bảo trì chung cư

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ những bất cập trong vấn đề đóng và thu phí bảo trì (PBT) tại các chung cư.

Cụ thể, về mức thu và thời điểm thu kinh phí bảo trì chung cư, HoREA đưa ra hai phương án:

- Phương án 1 (phương án chọn): Người mua nhà đóng PBT 2% tại thời điểm hội nghị nhà chung cư đã bầu ban quản trị. PBT được chia đều trong 60 tháng, nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của ban quản trị chung cư. Đồng thời, phải xây dựng cơ chế để hỗ trợ ban quản trị thực hiện được nhiệm vụ này.

Vướng mắc lớn nhất của phương án này là làm thế nào để huy động thêm kinh phí bảo trì sau thời điểm kinh phí bảo trì ban đầu đã được sử dụng hết, do Luật Nhà ở 2014 chưa có quy định.

- Phương án 2: Hoặc Công ty Dịch vụ công ích thu, quản lý, sử dụng PBT chung cư trên địa bàn, dưới sự giám sát của ban quản trị chung cư.

Phương án này có ưu điểm là thực hiện công tác bảo trì suốt vòng đời tuổi thọ của chung cư. Bởi lẽ sau khi đã hết PBT, nếu không huy động được thêm thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo trì chung cư như Nhà nước đã làm hiện nay.

Về mục đích sử dụng PBT, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 109 Luật Nhà ở, theo đó cần quy định PBT chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của chung cư bao gồm: hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm.

Đối với các phần sở hữu chung khác của chung cư bao gồm: thang máy, đường thoát hiểm, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp gas, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt... thì đề nghị sử dụng kinh phí quản lý, vận hành chung cư hằng tháng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì.

Đối với tường ngăn chia căn hộ thuộc sở hữu chung của các chủ căn hộ liên quan thì các bên tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác bảo trì (nếu có).

Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở quận Hoàng Mai

Ngày 23/4, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch quận Hoàng Mai, Nguyễn Anh Tuấn, cho biết trong quý I năm 2019, qua kiểm tra 203 công trình xây dựng trên địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện 20 công trình vi phạm, hiện đã hoàn thành xử lý 10 công trình vi phạm và đang tiếp tục xử lý 10 công trình khác.

Ủy ban Nhân dân quận và Ủy ban Nhân dân các phường đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 180 triệu đồng.

Đáng chú ý, song song với việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai đã giao Phòng Nội vụ chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân để xảy ra tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng.

Việc xử lý những cá nhân để xảy ra vi phạm tại phường Hoàng Liệt, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai... cho thấy sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc xử vi phạm trật tự xây dựng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt, giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục vi phạm, lập lại trật tự xây dựng; trong đó tiến hành rà soát, phân loại các dự án, công trình, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết.

Hà Nội xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu liên cơ quan quận Bắc Từ Liêm

Ngày 23/4, quận Bắc Từ Liêm của Hà Nội tổ chức lễ ra quân thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu liên cơ quan.

Dự án được xây dựng nhằm hình thành khu hành chính tập trung của quận, góp phần tiết kiệm quỹ đất và trụ sở làm việc, nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng trụ sở, tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khi đến liên hệ, giải quyết công việc.

Được biết, Khu liên cơ quan quận Bắc Từ Liêm được xây dựng trên địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, với tổng diện tích đất được phê duyệt lên tới 9,59ha.

Dự án có phía Bắc giáp khu dân phố Phúc Lý, phía Đông giáp sông Pheo, phía Tây giáp đường Phú Minh, phía Nam giáp tuyến mương tưới tiêu từ đường Phú Minh ra sông Pheo.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 254 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố chiếm 50% tổng mức đầu tư là khoảng 127 tỷ đồng và nguồn thu từ đấu giá đất, tiền sử dụng đất (thành phố điều tiết lại cho quận) chiếm 50% tổng mức đầu tư là 127 tỷ đồng.

Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, khu liên cơ quan quận Bắc Từ Liêm có 23 đơn vị bao gồm: trụ sở Quận ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận, 21 đơn vị sự nghiệp và văn phòng làm việc của Hội Luật sư Hà Nội.

Doanh nghiệp đề xuất “xén đất” ga Nha Trang làm dự án BT

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo và làm rõ các nội dung liên quan đến đề xuất xin chủ trương nghiên cứu đầu tư cải tạo tuyến đường sắt khu vực ga Nha Trang và xây dựng mới ga hàng hóa Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty Tuấn Dung đã báo cáo về hiện trạng ga Nha Trang, kiến nghị với Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu, khảo sát, đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt tránh thành phố Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), và hoàn vốn bằng quỹ đất của nhà ga hiện tại.

Hiện ga Nha Trang thuộc tuyến đường sắt Bắc – Nam, chức năng hỗn hợp ga khách và hàng hóa. Ga được bố trí nằm trọn trong đường ray vòng hình bóng đèn, với 5 đường ray đón gửi (2 đường chính tuyến và 3 đường xếp dỡ hàng hóa). Ngoài ra còn có đường ray, khu kĩ thuật, trụ sở làm việc tại các đơn vị đầu máy, toa xe; kho hàng diện tích 320m2.

Tổng diện tích đất khu vực ga Nha Trang là 14,8 ha. Theo quy hoạch đã được các cấp phê duyệt thì ga Nha Trang sẽ được cải tạo, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách và diện tích dành cho ga khách là 4,8ha. Cùng đó làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường vòng như hiện nay. Như vậy, quỹ đất còn lại của ga là 10ha.

Tuy nhiên, trong khu vực đường vòng hiện có nhiều cư dân sinh sống xen kẽ, sẽ rất khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng để lấy lại quỹ đất, khai thác.

Đại diện các cơ quan, đơn vị tham dự cuộc họp đều cho rằng, đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung cần được nghiên cứu kĩ, đặc biệt về phương án tài chính cũng như phản ứng dân cư, xã hội. Vì hiện tại, năng lực vận tải nhà ga vẫn đảm bảo nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị áp lực.

Mặt khác, ga hành khách Nha Trang nên ở khu vực trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu thì mới phát triển được vận tải đường sắt. Nếu di dời toàn bộ ga Nha Trang cần phải có phương án giao thông kết nối từ nhà ga mới về khu vực trung tâm.

Hơn nữa, việc di dời đòi hỏi số kinh phí rất lớn vì không chỉ đầu tư phần hạ tầng phục vụ trực tiếp chạy tàu mà còn cả hạ tầng kĩ thuật của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.