Thứ sáu, 29/03/2024 16:27 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/4/2019

MTĐT -  Thứ ba, 02/04/2019 11:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/4/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/4/2019.

Tập trung thanh, kiểm tra các dự án có quy mô sử dụng đất lớn

Căn cứ vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Công tác thanh, kiểm tra tập trung vào các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường tại 4 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Cà Mau, Gia Lai và Kon Tum.

Theo kế hoạch, Tổng cục Quản lý đất đai thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo Đề án "Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020" trên địa bàn 5 tỉnh, gồm: Hà Nam, Nghệ An, Bình Dương, Tây Ninh, Hải Dương.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung Đề án tại 14 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Hải Phòng.

Đặc biệt là thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án FDI và các dự án khác sử dụng nhiều diện tích đất, mặt nước ven biển nhưng chậm triển khai, hoạt động kém hiệu quả (theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận.

Mặt khác, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trọng tâm là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn 5 tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bạc Liêu, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

Kiểm tra việc quản lý sử dụng đất sắp xếp lại cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, do các đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp sử dụng theo Quyết định 09/2007 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn.

Đồng Nai rà soát lại quy hoạch đô thị Long Hưng

Ngày 1/4, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai cho biết UBND tỉnh này đã chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát lại quy hoạch khu đô thị Long Hưng ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo đó, tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ hạ tầng bên trong dự án, trường hợp chủ đầu tư muốn xin điều chỉnh quy hoạch thì phải có điều kiện phù hợp. Đồng thời, xem xét lại công tác bồi thường giải tỏa và thực hiện nhanh tiến độ để bàn giao đất sạch cho các chủ đầu tư hiện hữu.

Khu đô thị Long Hưng tọa lạc tại TP Biên Hòa, Đồng Nai có tổng diện tích hơn 1.100 ha được chia thành ba dự án gồm: Khu đô thị Long Hưng, dự án Water Front, dự án Aqua City. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang trong quá trình san lấp mặt bằng.

Trong đó, khu dân cư Long Hưng đã thi công xong các tuyến đường trong khu 1, khu 2, khu 3 với tổng chiều dài hơn 13 km; hạng mục kè dọc khu 1, 2, 3 đã thi công được 2 km dài, đã bố trí phần lớn nhà tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư đã và đang san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông nội bộ, đường giao thông kết nối với quốc lộ 51.

Giữa tháng 6/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai sớm trả lời báo chí về dự án khu đô thị kinh tế mở Long Hưng và tổ chức đối thoại với sự tham gia của các cơ quan liên quan.

Hà Nội: Bao che cho vi phạm TTXD sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Đó là một trong những điểm mới tại Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 về quy định quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/4).

Điểm mới của quyết định trên là ngoài quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn, quyết định còn nêu cao vai trò của người đứng đầu.

UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND cấp huyện về tình hình quản lý TTXD trên địa bàn.

UBND cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP về tình hình quản lý TTXD trên địa bàn.

UBND cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đội quản lý TTXD, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý TTXD.

Sở Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện trong kiểm tra, xử lý các vi phạm TTXD; đề xuất Chủ tịch UBND TP xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm TTXD nghiêm trọng; đăng tải lên trang thông tin điện tử của Sở tên của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; nội dung vi phạm; hình thức xử phạt…

Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Xây dựng trong việc kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện, đội quản lý TTXD đô thị cấp huyện và UBND cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý TTXD trên địa bàn.

Công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh; đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM xem xét về hệ số điều chỉnh giá đất

Ngày 1/4, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 của UBND TP.HCM.

Chỉ đạo nêu rõ: Báo điện tử Thanh Niên ngày 6/3/2019 có nêu về việc phản đối tăng hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất) quá cao của UBND TP.HCM khi đề xuất điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.

Về việc này, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ Tài chính có đề xuất hợp lý, bảo đảm theo quy định của pháp luật, không gây xáo trộn tâm lý người dân, doanh nghiệp khi điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019.

Trước đó, UBND TP.HCM mới có tờ trình gửi HĐND TP.HCM điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP (hệ số K), với mức đề xuất tăng từ 19 đến 30,7% so với năm 2018.

Theo thống kê của Sở Tài chính TP.HCM, trong 2 năm gần đây, tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP có xu hướng sụt giảm. Cụ thể năm 2017 thu ngân sách từ đất là 27.170 tỉ đồng, chiếm 11,75% trong tổng thu thì qua 2018 con số này chỉ còn khoảng 22.600 tỉ đồng, giảm khoảng 4.570 tỉ đồng, tương đương 2,43%. Xu hướng này đang được dự báo có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Còn UBND TP.HCM thì cho rằng hiện giá đất để tính bồi thường hỗ trợ tái định cư cao gấp 4,75 lần bảng giá đất năm 2018 mà TP quy định. Riêng giá chuyển nhượng theo kê khai để đóng lệ phí trước bạ từ các hợp đồng chuyển nhượng của người dân cao hơn 3 lần so với bảng giá đất. Giá đất chuyển nhượng trên thị trường hiện cao hơn từ 4 đến 6 lần so với bảng giá đất. Đây là các căn cứ quan trọng để UBND TP.HCM xem xét, quyết định trình HĐND TP.HCM tăng hệ số K so với năm 2018.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.