Thứ sáu, 19/04/2024 06:33 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/8/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 23/08/2019 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/8/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/8/2019.

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều quy định mới quản lý nhà chung cư

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra hàng loạt quy định mới về quản lý, sử dụng nhà chung cư trong Dự thảo Thông tư về quản lý loại hình nhà ở đang phát triển rất mạnh này.

Các quy định mới có thể kể đến như: điều kiện để thành lập ban quản trị chỉ cần 50% cư dân đến ở, thay vì 75% như hiện hành; hay quy định 3 - 5 thành viên sẽ đứng tên đồng chủ sở hữu tài khoản quỹ bảo trì, để tránh 1 cá nhân biển thủ quỹ. Đây là những giải pháp được kỳ vọng chấn chỉnh hoạt động sử dụng chung cư một cách hợp lý hơn.

Công trình nhà có dấu hiệu xuống cấp chính là một trong những lý do khiến người dân không đồng tình với mức phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra. Hiện nay, hơn 60% cư dân vẫn còn nợ phí dịch vụ, tiền nước khoảng hơn 2 tỷ đồng. Phía chủ đầu tư cho biết, chừng nào chưa thu hồi được công nợ sẽ chưa thành lập ban quản trị.

Trong khi đó, tại chung cư An Lạc, sau một thời gian đi vào hoạt động, một số công trình đã xuống cấp, nhưng người dân ngỡ ngàng khi chung cư không còn quỹ bảo trì để sửa chữa. Nguyên nhân được xác định là do trong nhiệm kỳ năm 2011 - 2013, Ban quản trị chung cư này đã chi hơn 1 tỷ đồng để bảo trì các hạng mục nhưng không để lấy ý kiến cư dân. Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã vào cuộc và kết luận, tất cả số tiền đã chi không có hóa đơn chứng từ và không có tiền lãi suất.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tranh chấp chung cư xảy ra thời gian qua. Trong dự thảo Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến, tiền gửi kinh phí bảo trì của nhà chung cư tại các ngân hàng sẽ có từ 3 - 5 thành viên đứng tên đồng chủ tài khoản và tránh tình trạng chiếm dụng quỹ. Một số ý kiến còn cho rằng nên có thêm vai trò của chính quyền địa phương.

Lạng Sơn chỉ định nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bến Bắc

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Bến Bắc, thành phố Lạng Sơn.

Theo đó, từ nay đến hết năm 2019, Sở Xây dựng Lạng Sơn (bên mời thầu) sẽ tiến hành chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện Dự án; phương thức lựa chọn nhà đầu tư là 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với quy mô 9,94 ha, triển khai tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Dự kiến tổng vốn đầu tư của Dự án là 602,3 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng.

Giá trị bất động sản khu đô thị tăng không ngừng

Sau cái tên khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng đã quá quen thuộc, hiện nay các KĐT mới quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Các chuyên gia cho rằng phát triển mô hình KĐT sẽ là xu hướng tất yếu và chiến lược tại TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ những khu nào được quy hoạch bài bản, đầu tư thực sự nghiêm túc thì mới thu hút được cư dân tới sinh sống, kích thích giá trị bất động sản (BĐS) gia tăng.

TP.HCM là địa phương tiên phong kêu gọi đầu tư các KĐT mới. Sau nhiều năm triển khai, hàng loạt KĐT đã được xây dựng thành công, góp phần thay đổi diện mạo TP, kích thích giãn dân và là động lực quan trọng phát triển kinh tế vùng. Đi kèm theo đó, giá trị BĐS thuộc các khu này được ghi nhận gia tăng theo cấp số nhân và luôn thuộc tốp đầu tại thị trường TP.

Quy luật này tiếp tục lặp lại tại khu Đông, nơi được xem là đại công trường của TP.HCM với hàng loạt công trình nhà ở, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng đã và đang xây dựng. Sau khi liên tiếp xây dựng thành công KĐT An Phú - An Khánh, KĐT Cát Lái và đặc biệt là KĐT Thủ Thiêm, vùng đất quận 2 đã bứt phá để trở thành điểm đến hấp dẫn nhất toàn TP trong suốt năm năm qua.

Tác động của mô hình phát triển KĐT đến thị trường BĐS TP.HCM thể hiện rõ nhất phải kể đến KĐT Phú Mỹ Hưng. Trong khi đó, ở phía đông bắc chính là KĐT Vạn Phúc City. Diện mạo của quận 7 và quận Thủ Đức đã thực sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các KĐT này.

Xu hướng này thậm chí còn lan rộng ra các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương… Sự phát triển của các KĐT bên cạnh phục vụ mục đích giãn dân còn góp phần tạo nên những khu dân cư quy chuẩn, hạn chế lãng phí đất do phát triển các dự án tự phát, rời rạc, thiếu tiện ích sống. Cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, giao thông tốt cũng là nguyên nhân khiến nhà, đất tại đây hấp dẫn người mua hơn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hơn 30 năm trước, TP đã định hướng đúng đắn về phát triển các KĐT vệ tinh như Nam Sài Gòn, Him Lam, Dragon City 65 ha, cảng biển Hiệp Phước, Tây Bắc... Đây là mô hình tối ưu, hình thành các khu dân cư có chung đặc điểm, tạo điều kiện phát triển hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn như metro, monorail, xe buýt, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Luật còn chồng chéo, chậm bổ sung… là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp. Tháo gỡ những khó khăn này là nhiệm vụ chính trị quan trọng được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết liệt triển khai trong thời gian qua.

Nổi cộm nhất trong sự chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của các khái niệm pháp luật đó là ách tắc về thủ tục phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án nhà ở thương mại đã có "Quyết định chủ trương đầu tư". Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh không dám nhận hồ sơ của nhà đầu tư mặc dù những dự án này đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố do "trái" với Khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị quy định chủ đầu tư mới là người đề xuất đồ án quy hoạch chi tiết".

Hậu quả của việc chồng chéo này là khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành "Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư" theo đề nghị của Sở Xây dựng nhưng đang bị coi là vẫn chưa bảo đảm đúng các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các chủ đầu tư dự án. Đang có nhiều cách hiểu khác nhau đối với cụm từ “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư”. Tại cuộc họp liên Sở mới đây do lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, bàn về khái niệm "nhà đầu tư" khi xem xét để phê duyệt quy hoạch 1/500, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân biệt có hai nhóm nhà đầu tư: Nhà đầu tư không có đất và nhà đầu tư các dự án bất động sản đã có đất. Trường hợp nhà đầu tư đã có đất rồi mới xin chủ trương đầu tư dự án thì nhà đầu tư gần như là chủ đầu tư, chỉ là chưa có văn bản công nhận chủ đầu tư của cấp thẩm quyền.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, để thống nhất, dễ hiểu, các cơ quan lập pháp cần sửa đổi, thay thế từ "chủ đầu tư" bằng từ "nhà đầu tư" hoặc cụm từ "chủ đầu tư, nhà đầu tư, người sử dụng đất" vào Khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị, như sau: "Chủ đầu tư, nhà đầu tư, người sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực được giao đầu tư", để bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở.

Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng đang tồn tại tình trạng nhiều dự án nhà ở thương mại bị ách tắc khi xem xét công nhận chủ đầu tư do vướng quy định dự án phải có 100% đất ở hợp pháp. Cụ thể, theo thống kê của Sở Xây dựng, chỉ có khoảng 26% dự án nhà ở thương mại (phần lớn tại các quận nội thành) mới có 100% quỹ đất ở (ngay cả một số dự án tại các quận nội thành mà có xen cài đường hẻm thì cũng không có 100% đất ở).

Còn lại, khoảng 74% dự án nhà ở có quy mô diện tích lớn ở các quận ven và các huyện ngoại thành đều có quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, có xen cài khoảng 10% diện tích đất do Nhà nước quản lý. Phần lớn dự án thuộc diện không có đủ 100% đất ở này đang thuộc dạng chưa đủ điều kiện công nhận chủ đầu tư.

Quảng Ninh thu hồi gần 150.000 m2 đất của Vinacomin

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định thu hồi 149.422,4 m2 của Công ty cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin giao cho UBND TP.Hạ Long quản lý.

Theo quyết định vừa được phê duyệt, trong 149.422 m2 đất bị thu hồi, có 73.224,9 m2 thuộc phường Hà Tu và 76.197,5 m2 thuộc phường Hà Trung của Công ty cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin đã được UBND tỉnh cho thuê. Việc thu hồi để giao TP.Hạ Long quản lý, tạo quỹ đất phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Lý do thu hồi được áp dụng theo qui định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 65, Luật Đất đai 2013 (người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất).

UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi và bàn giao đất tại thực địa cho UBND TP.Hạ Long theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu có và chỉnh lý biến động đất đai theo đúng quy định.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.