Thứ sáu, 29/03/2024 04:01 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/11/2019

MTĐT -  Thứ bảy, 23/11/2019 10:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/11/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/11/2019.

Hà Nội đang thực hiện theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt

Dự án nghĩa trang Thanh Tước có tên đầy đủ là Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 6,4ha, nằm tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Phía bắc dự án giáp khu đất của trường bắn và nghĩa trang xã Thanh Lâm, phía nam giáp kênh Tam Báo, phía đông giáp nghĩa trang Thanh Tước hiện có, phía tây giáp đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh.

Năm 2014, Quy hoạch phát triển nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, nghĩa trang Thanh Tước sẽ được cải tạo, mở rộng thành công viên nghĩa trang với quy mô 7ha và mở rộng lên 23ha đến năm 2030.

Hồ sơ kỹ thuật của Công ty cổ phần Đầu tư Hoa Sen Vàng cho thấy, Dự án sẽ bao gồm các hạng mục chính: Nhà dịch vụ, nhà thủy tạ, điện Thanh Tước, cổng Đông Quan, cổng Tây Quan, nhà nguyện, vườn mộ...

Tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho biết, trong quá trình lấy ý kiến cộng đồng về việc mở rộng nghĩa trang Thanh Tước trước đây có một bộ phận người dân không đồng ý.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội thông tin tại hội nghị. (Ảnh: NC)

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nghĩa trang này phục vụ chủ yếu cho huyện Mê Linh, chủ yếu cát táng (chỉ chôn sau khi hỏa táng hoặc mộ sau 3 năm), phạm vi ảnh hưởng chỉ trong phạm vi 100m so với quy chuẩn. "Tuy nhiên, dân có rất nhiều kiến nghị là nằm trong vùng ảnh hưởng, chúng tôi đã giải thích rõ; quy hoạch đã rõ, địa điểm đã rõ, các dự án xung quanh rõ", ông Nghĩa nói.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng đã giải thích rõ về các vấn đề quy hoạch, tất cả đều đúng theo quy định và đảm bảo theo quy chuẩn về khoảng cách, nhưng khi triển khai dự án nghĩa trang, bãi rác thì không người dân nơi nào muốn nhận, vậy nó sẽ đi đâu? Các vùng quy hoạch khác ở phía Bắc, Nam, Đông, Tây Thành phố đều có nghĩa trang, kể cả Phú Xuyên, Thạch Thất, Gia Lâm… đều có nghĩa trang tập trung của Thành phố chứ không phải nguyên ở Mê Linh".

Trước thông tin gần 2 nghìn học sinh ở huyện Mê Linh được phụ huynh cho nghỉ học nhằm phản đối dự án này, ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng việc cho con em nghỉ học để phản đối mở rộng nghĩa trang Thanh Tước là rất không nên.

Ông Trần Xuân Hà nhấn mạnh: Các cháu vẫn đang tuổi học, cần được đến trường, đó là quyền lợi chính đáng của các cháu, không gì ngăn cản được. Vì vậy, chúng tôi rất mong người dân chia sẻ, không nên buộc các con nghỉ học để đưa ra yêu cầu gì khác.

TPHCM sẽ có trung tâm giao dịch bất động sản

Khi đó thị trường bất động sản TPHCM sẽ phát triển minh bạch, có sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Dòng tiền đầu tư vào bất động sản cũng sẽ được kiểm soát. Bởi hiện nay, dòng tiền đầu tư vào bất động sản chủ yếu từ ngân hàng – có giá đất, nhưng không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Do đó cần có sự kiểm soát của Nhà nước ở tầm vĩ mô, tránh bong bóng thị trường bất động sản.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện nay, TPHCM được giao nắm giữ 209,5 nghìn ha đất đai, trong đó 114 nghìn ha là đất nông nghiệp, 94,6 nghìn ha đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích nói trên, 162,3 nghìn ha đất đang được sử dụng, 47,3 nghìn ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha. Như vậy có thể thấy, hầu hết đất đai ở TPHCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nêu, cũng như TP. Hà Nội, TPHCM có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi mét vuông đất thuộc bất kể loại nào trên thị trường cũng có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỷ đồng.

Xử lý công trình trái phép tại xã Nhân Trạch (Quảng Bình)

Xã Nhân Trạch đất chật, người đông. Trong quy hoạch phát triển của địa phương, Nhân Trạch dần tiến về phía nam bờ sông Dinh bởi ở đây có quỹ đất tương đối lớn và thuận lợi về giao thông. Tuy nhiên, do buông lỏng trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền xã Nhân Trạch, hàng chục hộ dân đã tự ý lấn chiếm, sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép, ảnh hưởng trật tự, trị an, gây bức xúc trong nhân dân. Trước sự việc nghiêm trọng này, Thường trực Huyện ủy Bố Trạch đã chỉ đạo UBND huyện và các cơ quan liên quan làm rõ để xử lý tập thể, cá nhân vi phạm, góp phần ổn định tình hình tại địa phương.

Theo kết quả kiểm tra của huyện Bố Trạch, giai đoạn 2004 - 2014, tại xã Nhân Trạch có 61 trường hợp vi phạm liên quan đất đai, giai đoạn 2014 - 2018 có thêm bảy trường hợp. Điều đáng nói, phần lớn các trường hợp vi phạm đất đai xảy ra đã lâu và qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm. Đảng ủy, HĐND xã còn thống nhất chủ trương để UBND xã thực hiện các hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, sai quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, UBND xã Nhân Trạch đã cho 38 cá nhân thuê đất trái thẩm quyền. Sau khi thuê đất, nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trái phép các công trình kiên cố. Tất cả hồ sơ, hợp đồng cho thuê đất giữa UBND xã và các hộ dân không còn lưu trữ tại UBND xã mà biến mất một cách khó hiểu. Trong số 68 trường hợp lấn chiếm đất đai và tự ý chuyển mục đích để làm nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép, có 12 trường hợp sai phạm nghiêm trọng buộc phải tháo dỡ công trình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trách nhiệm tập thể thuộc về Đảng ủy, UBND xã Nhân Trạch nhiệm kỳ 2015 - 2020 do đã buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà ở trái phép mà không có biện pháp xử lý. Ban Thường vụ Huyện ủy đã xử lý kỷ luật tập thể Đảng ủy xã Nhân Trạch bằng hình thức khiển trách. Bí thư Đảng ủy Nhân Trạch Nguyễn Khắc Tân bị kỷ luật khiển trách, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nghị bị cảnh cáo; công chức địa chính - xây dựng Nguyễn Bá Chất bị cảnh cáo và hạ một bậc lương.

Ngày 22/11, nhiều hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trước giờ cưỡng chế.

Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Nguyễn Văn Nghị cho biết, trong 56 trường hợp vi phạm về đất đai từ năm 2004 đến trước ngày 1-7-2014 (thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành), có 38 trường hợp được UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền thì xã đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp khắc phục. Thực tế là hầu hết các hộ mà chính quyền xã cho thuê đất trái luật này rất cần nơi để làm nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống. Họ tha thiết đề nghị các ngành chức năng của huyện rà soát, nếu phù hợp với quy hoạch và đúng quy định pháp luật thì tạo điều kiện cho họ thực hiện nghĩa vụ tài chính để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Phạm Văn Khiển, Trưởng thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch cho rằng, phương án xử lý minh bạch, cụ thể từng trường hợp vi phạm như vậy của huyện Bố Trạch là hợp lý và có tình, bởi nhu cầu về đất ở của người dân là có thật. Cái sai ở đây là sai về thẩm quyền cho thuê đất cho nên huyện đã xử lý theo hướng tạo điều kiện cho người dân nộp tiền để làm các thủ tục đất đai. Còn các trường hợp lấn chiếm đất công để làm hàng quán kinh doanh thì phải xử lý nghiêm để làm gương.

UBND huyện Bố Trạch cho biết, trong quá trình vận động, có 10 trong số 12 trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm đất đã tự tháo dỡ, hai hộ còn lại mặc dù bị chính quyền các cấp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ban hành nhiều văn bản, thông báo buộc tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng không chấp hành. Cụ thể, tại các buổi đối thoại với chính quyền, hai hộ Lê Thanh Hoành và Lê Văn Huê thừa nhận sai phạm nhưng không tự nguyện tháo dỡ công trình. Ông Hoành vi phạm khi lấn chiếm 258 m2 đất để xây dựng quán và mái che phục vụ kinh doanh; ông Huê lấn chiếm 298 m2 đất xây quán kinh doanh và các công trình phụ trợ. Ngày 30-9-2019, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ ký quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hai ông Lê Thanh Hoành và Lê Văn Huê. Sáng 22-11, UBND huyện Bố Trạch chỉ đạo lực lượng cưỡng chế hai công trình xây dựng vi phạm của hai ông Lê Thanh Hoành và Lê Văn Huê. Tuy nhiên, trước giờ thực hiện cưỡng chế, hai hộ vi phạm xin tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trước sự chứng kiến của các lực lượng chức năng.

Qua tìm hiểu, được biết, người dân xã Nhân Trạch đồng ý và nhất trí cao với việc xử lý kiên quyết của huyện Bố Trạch, nhất là đối với các cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, chống đối. Người dân mong muốn qua đó, chính quyền các cấp siết chặt hơn nữa việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, không để tái diễn vi phạm.

Từ 5/1/2020, phân lô, bán nền đất khi chưa đủ điều kiện sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định thì sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo diện tích.

Theo đó, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt như sau:

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2020.

- Phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 ha.

- Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha.

- Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 1 ha đến dưới 3 ha.

- Phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 ha trở lên.

Đồng thời, với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện trở lên quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 ha.

- Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha.

- Phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 1 ha đến dưới 3 ha.

- Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 03 ha trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc làm thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 194 của Luật Đất đai; chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với trường hợp không đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp không đủ điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/11/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.