Thứ tư, 24/04/2024 16:02 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/10/2019

MTĐT -  Thứ hai, 21/10/2019 10:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/10/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/10/2019.

Dùng quỹ đất công xây nhà ở xã hội

Trong 6 tháng cuối năm 2019, phấn đấu hoàn thành 6 dự án với quy mô 3.810 căn hộ. Năm 2020 phấn đấu hoàn thành 3 dự án có quy mô 3.879 căn hộ. Lũy kế giai đoạn 2016-2020 hoàn thành 17.944 căn hộ.

Báo cáo với Bộ Xây dựng về tình hình cũng như hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển NƠXH, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha, mặc dù theo quy định, các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất xây dựng NƠXH, nhưng một số chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây NƠXH.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng dưới 10ha, hầu hết chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ NƠXH theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất). Về nguồn vốn dài hạn hỗ trợ các chủ đầu tư vay để thực hiện dự án NƠXH, các đối tượng được hưởng chính sách vay mua nhà chưa ổn định; nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng chưa được bố trí.

Để việc phát triển NƠXH đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Xây dựng  kiến nghị ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý (do DN đang sử dụng làm nhà xưởng sản xuất tại các quận huyện, thuộc diện phải di dời vào khu công nghiệp), quỹ đất do các cơ quan nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại, để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước, đảm bảo đúng quy định của Nghị định 167/2017 về sắp xếp, xử lý tài sản công.

Về nguồn vốn, thành phố đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ NƠXH theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất) để đầu tư xây dựng các dự án NƠXH sử dụng vốn ngân sách, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM để đầu tư phát triển NƠXH trên địa bàn thành phố và giải quyết cho các hộ gia đình chính sách vay mua NƠXH.

Đồng thời, xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ triển khai việc cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách NƠXH theo Luật Nhà ở, cũng như chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện cho vay ưu đãi và chính sách tiết kiệm NƠXH theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 100/2015, tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình NƠXH và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng NƠXH. Ngoài ra, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án NƠXH sử dụng quỹ đất công; cải cách hành chính các thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH.

Thanh Hóa sơ tuyển nhà dầu tư dự án khu dân cư 136 tỷ đồng

Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (Bên mời thầu) vừa cho biết, từ ngày 25/9 đến 25/11/2019 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Khu dân cư phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa.

Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích là 16.825 m2 (gồm diện tích đất nhà ở chia lô là 5.926 m2, diện tích đất nhà ở tái định cư là 1.671 m2, diện tích đất văn hóa - cây xanh là 333 m2, diện tích đất bãi đỗ xe là 402 m2); tổng chi phí thực hiện Dự án dự kiến 136 tỷ đồng.

Hình thức sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án là rộng rãi quốc tế; địa điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển là Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa, phố Lê Hoàn I, phường Điện Biên, TP. Thanh Hoá.

Các dự án bất động sản lớn phát triển bùng nổ tại Đông Nam Á

Khi mà những dự án mang tính quyết định này bắt đầu hình thành, người ta bắt đầu lo sợ về khả năng nguồn cung bất động sản nhà ở, văn phòng quá dư thừa.

Các dự án xây dựng quy mô lớn đang phát triển bùng nổ khắp Đông Nam Á, nhiều dự án hạ tầng lớn đang được thực hiện tại Thái Lan và Indonesia nhờ vào nguồn tiền từ nước ngoài.

Một dự án ở trung tâm Bangkok dự kiến hoàn thành năm 2026 sẽ trở thành dự án bất động sản lớn nhất Thái Lan với tổng vốn đầu tư ước chừng khoảng 120 tỷ bath tức khoảng 3,95 tỷ USD. Chỉ ngay bên ngoài Jakarta, một dự án khác đang được xây dựng với tổng vốn đầu tư 278 triệu rupiah tức khoảng 19,6 tỷ USD, đây là dự án bất động sản lớn chưa từng có tại Indonesia.

Thế nhưng khi mà những dự án mang tính quyết định này bắt đầu hình thành, người ta bắt đầu lo sợ về khả năng nguồn cung bất động sản nhà ở, văn phòng quá dư thừa cũng như khả năng thiếu đi khoản đầu tư nước ngoài đã từng mang đến nguồn tài chính quan trọng cho hoạt động xây dựng. Việc quá thừa bất động sản trong khi thiếu vốn có thể cản trở nỗ lực phát triển lĩnh vực bất động sản khắp khu vực.

Tập đoàn TCC của Thái Lan đặt nhiều hy vọng vào dự án One Bangkok ở trung tâm thành phố. Ít nhất 60 nghìn người sẽ làm việc trong thành phố nhỏ này khi nó được hoàn thiện, theo một nhà điều hành của TCC.

Khu vực có diện tích 167 nghìn mét vuông của Bangkok, gấp đôi quy mô của Roppongi Hills của Nhật, sẽ bao gồm 5 tòa tháp văn phòng và 5 khách sạn xa xỉ, trong đó có cả khách sạn Ritz-Carlton cùng với 3 tòa chung cư và nhiều tiện ích khác.

Tập đoàn Lippo của Indonesi cũng có kế hoạch triển khai xây dựng dự án Meikarta gần Jakarta, thủ đô của Indonesia. Dự án này dự kiến sẽ có bổ sung cả không gian dành cho văn phòng và nhà ở, ngoài ra còn bao gồm cả trường học, bệnh viện, giai đoạn đầu của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2021.

Làn sóng phát triển đầu tiên của bất động sản khắp Đông Nam Á có động lực từ nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào nguồn tiền từ chính sách tiền tệ nới lỏng.

Giám đốc nghiên cứu hàng đầu tại công ty bất động sản Colliers International Japan, bà Mari Kumagai, nhận xét: “Khi mà nguồn cung tiền này hướng ra ngoài, các dự án trên khắp thế giới, đặc biệt tại Đông Nam Á, đang ngày một phình to”.

Tuy nhiên thị trường bất động sản nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu trở nên phát triển quá nóng, dấu hiệu thị trường bất động sản đi xuống đang lộ rõ.

Trong cuộc khảo sát các công ty bất động sản quốc tế thực hiện bởi Viện ICS của Anh, 67% người trả lời tại Indonesia nói rằng thị trường đang đi xuống, 54% người tại Singapore có câu trả lời như vậy, tỷ lệ này tại Malaysia và Thái Lan khoảng 51% và 44%. Chỉ duy nhất tại Philippines, số lượng người cho rằng thị trường đang cải thiện cao hơn số người cho rằng thị trường đang suy yếu.

Giá thuê mặt bằng thương mại leo thang

CBRE Việt Nam vừa báo cáo thị trường bán lẻ quý III/2019 tại TP HCM với diễn biến tăng giá thuê ở khu lõi trung tâm và điều chỉnh nhẹ ở các điểm mua sắm ở ngoại thành.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ghi nhận tại khu CBD (Central Business District) TP HCM đạt 135,5 USD mỗi m2 một tháng còn giá chào thuê các vị trí ngoại thành là 35,8 USD mỗi m2 một tháng. Giá thuê bình quân tại khu trung tâm được ghi nhận tăng hơn 3,7% so với quý trước và tăng 5,8% theo năm, trong khi giá ở khu vực ngoài trung tâm giảm nhẹ 0,9% và ít biến động theo năm.

Tỷ lệ trống tăng dưới một điểm phần trăm toàn thị trường mặt bằng bán lẻ. Các trung tâm thương mại ghi nhận tỷ lệ lấp đầy giảm do đang trong quá trình trùng tu và thay đổi khách thuê.

Đơn vị này đánh giá, thị trường bán lẻ TP HCM luôn là miếng bánh hấp dẫn cho các nhà bán lẻ nước ngoài do tăng trưởng dân số trẻ. Đa số các nhà bán lẻ đều chọn TP HCM để mở cửa hàng đầu tiên khi đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Diễn biến thâu tóm, mua bán sáp nhập và thành lập mới tại thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận đầy tích cực trong quý vừa qua. Mới đây doanh nghiệp Nhật Stripe International thâu tóm thương hiệu Vascara, hai năm sau khi mua thương hiệu NEM. Amazon cũng chính thức thành lập công ty tại Việt Nam, nhắm đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh các cá nhân bán hàng trực tuyến. Theo thông tin từ Insider Retail Asia, tập đoàn bán lẻ BGF của Hàn Quốc sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam vào năm 2020, bắt đầu từ mô hình cửa hàng tiện lợi CU.

Về xu hướng người tiêu dùng, các ngành hàng về ăn uống, thời trang và phụ kiện, giải trí, cửa hàng tiện lợi và sức khỏe làm đẹp sẽ tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong thời gian tới. Tại một số trung tâm thương mại, việc tái cơ cấu ngành hàng vẫn đang diễn ra để đáp ứng những thay đổi mang tính xu hướng này.

Tính đến cuối tháng 9/2019, toàn TP HCM có 57 dự án bất động sản bán lẻ đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê là 1.043.000 m2. Trong quý IV/2019, một dự án trung tâm thương mại tại khu Nam TP HCM sẽ được đưa vào hoạt động với tổng diện tích thực thuê khoảng 16.000 m2. Các ngành hàng chủ chốt tại đây gồm F&B (ẩm thực và thức uống), thời trang, phụ kiện và giải trí.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/10/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.