Thứ sáu, 29/03/2024 06:45 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 20/08/2019 09:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/8/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/8/2019.

Phát triển nhà Thái Hưng trúng dự án hơn 128 tỷ đồng ở Hòa Bình

Kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu dân cư đường Trương Hán Siêu, phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vừa được Sở Xây dựng Hòa Bình (Bên mời thầu) công bố. Theo đó, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Thái Hưng có địa chỉ tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là nhà đầu tư được chỉ định.

Dự án có tổng mức đầu tư (không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) là 128,107 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 10,43 ha. Thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

Bên mời thầu cho biết, việc đầu tư Dự án nhằm xây dựng một khu dân cư đồng bộ, văn minh, hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của TP. Hòa Bình.

Ngày 16/4/2019, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã công bố kết quả sơ tuyển nhà đầu tư Dự án. Theo đó, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Thái Hưng là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển.

Hàng ngàn hộ dân ở TP HCM chờ cấp sổ hồng

Kết quả rà soát của Sở TN-MT thành phố, từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2018, địa phương này tồn đọng đến 1.376 hồ sơ chờ cấp sổ. Trong đó, Sở TN-MT thành phố xác định lượng hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp “sổ hồng” của UBND huyện là 1.339 hồ sơ và sang đến giữa năm nay cũng mới chỉ có khoảng 792 hồ sơ được cấp sổ.

Theo Sở TN-MT, tồn đọng là do “vướng thẩm quyền”. Chờ đến cuối năm 2018, UBND huyện Hóc Môn mới đưa ra được hướng giải quyết hồ sơ cấp “sổ hồng” cho lượng hồ sơ tồn đọng này.

Do sai phạm của chủ đầu tư dự án khu dân cư Đại Hải, việc cấp sổ cũng như thủ tục tách thửa đất cho hàng trăm hộ dân tại đây đã bị ngưng từ năm 2014 đến nay.

Trước tình trạng này, Sở TN-MT đã chỉ rõ trách nhiệm cấp sổ là của UBND huyện Hóc Môn, nhưng đến nay người dân vẫn còn phải chờ đợi. UBND huyện Hóc Môn thông tin, hiện trên địa bàn có đến 17 khu dân cư phân lô hộ lẻ và 62 khu phân lô tự phát.

Do không được cơ quan nào giám sát, nên các đầu nậu đều không làm hệ thống đường giao thông, thoát nước. Do đó nhà, đất của hàng ngàn hộ dân đã sinh sống nhiều năm trong các khu dân cư tự phát này vẫn chưa được xem xét, giải quyết cấp sổ.

Theo nhiều người dân ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, việc giải quyết cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân tại khu dân cư Sông Đà đã được lãnh đạo chính quyền nhiều lần hứa sẽ giải quyết. Nhưng đã nhiều năm qua, người dân vẫn cứ phải chờ.

Phản hồi trước thắc mắc về dự án trên, Sở TN - MT thành phố cho biết, công ty TNHH TV ĐT XD K.N (nay là Công ty CP Đầu tư Đại Hải) được thành phố giao làm chủ đầu tư dự án khu dân cư trên từ năm 2001. Đến nay, chủ đầu tư đã được Sở TN-MT cấp 419 nền, tương ứng với toàn bộ diện tích 58.697 m² của dự án.

Các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đã bị DN đem thế chấp ngân hàng, nên không thể làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nền. Để giải quyết vụ việc, tháng 6-2016 Sở TN-MT cùng đại diện quận Thủ Đức đã làm việc với chủ đầu tư.

Tại buổi làm việc này, công ty Đại Hải cam kết giải quyết dứt điểm trong vòng 1 tháng sau đó. Đến nay chủ đầu tư vẫn không chịu làm thủ tục cấp sổ cho các hộ dân đã mua nền nên Sở TN-MT phải tiến thanh tra việc thực hiện dự án của DN.

Những người dân chưa được cấp “sổ đỏ” tại quận Gò Vấp cho biết, khu dân cư họ sinh sống có vài trăm hộ đã ổn định từ lâu và đã có 90% số hộ dân có sổ, nhưng có 40 hộ còn lại chưa được cấp do vướng quy hoạch. Gần đây đại diện các cơ quan chức năng của quận Gò Vấp đã khảo sát thực tế.

Nghệ An siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Tại Công văn số 5724 ngày 13/8/2019 do ông Thái Thanh Quý – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký chỉ rõ các tồn tại, bất cập hiện nay đối với thị trường bất động sản địa phương.

Cụ thể, một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Người đứng đầu tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra rằng, thời gian qua vẫn còn một số tổ chức tiến hành huy động vốn, mua bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện, chưa thực hiện bảo lãnh ngân hàng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước…. Đáng quan tâm là tình trạng huy động vốn “núp bóng” dự án, tổ chức khác vẫn còn diễn ra khiến tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản chưa có.

Tình trạng một số chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, căn hộ chung cư cao tầng trên địa bàn Tp Vinh không cấp bìa đất, giấy chứng nhận nhà ở cho cư dân theo cam kết ban đầu vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều dự án xây dựng căn hộ chung cư cao tầng ở Tp Vinh vẫn còn diễn cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến khách hàng chịu nhiều thiệt thòi.

Chưa kể, nhiều dự án chung cư thiếu bãi đậu xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, không gian cây xanh, vi phạm mật độ xây dựng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, tại chung cư PVNC2-CT02 của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại Thành Vinh trên địa bàn phường Hưng Bình, Tp Vinh chưa nghiệm thu về công tác PCCC nhưng đã cho dân vào ở.

Đến nay, các dự án Tổ hợp Khách sạn, Siêu thị kinh doanh dược thiết bị Y tế và nhà ở tại xã Nghi Phú của Công ty TNHH Minh Khang; Dự án Khu nhà ở tổng hợp Vinhland tại Nghi Kim, Tp Vinh… sau khi đưa vào sử dụng đã bị “bớt xén” không gian sinh hoạt cộng đồng, tầng hầm để xe khiến người dân sinh sống ở đây bức xúc.

Đặc biệt, tình trạng dự án trong quá trình triển khai xây dựng đã cố tình làm sai thiết kế, quy hoạch được phê duyệt cũng được người đứng đầu tỉnh Nghệ An thừa nhận là có tồn tại thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện các giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, thiếu tin cậy, minh bạch… vẫn còn tồn tại.

Giá nhà gấp 20 lần thu nhập, vạn dân nghèo 'vỡ mộng' an cư

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Hiệp hội HoREA) cho hay, 1/4/2019, Dân số TP.HCM là 8.993.082 người thường trú, tăng 1.830.218 người so với 2009 và trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây.

Trong khi đó, thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; Có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; Có 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng trên đều có nhu cầu căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Nhưng họ lại đang gặp nhiều rào cản để tiếp cận nhà ở, nguyên nhân chính là do hệ thống chính sách nhà ở xã hội chưa đầy đủ, chưa sát thực tế; Nguồn cung các sản phẩm nhà ở xã hội quá ít, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội; Giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân, trong khi các nước phát triển chỉ ở mức từ 5-7 lần.

Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng mới hỗ trợ được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm.

Hiện nay, đô thị vệ tinh không còn xa lạ với người dân TP.HCM, như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (khoảng 2.600 ha) với hạt nhân là Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (gần 500 ha); Khu đô thị mới Thủ Thiêm (730 ha); Khu đô thị - Cảng biển Hiệp Phước (khoảng 3.600 ha); Khu đô thị Tây Bắc (khoảng 6.000 ha)...

Việc hình thành các đô thị vệ tinh sẽ tạo động lực phát triển các khu vực kinh doanh, dịch vụ; hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn (metro, monorail, xe buýt), từ đó, hình thành nên các khu nhà ở thương mại cao cấp dành cho tầng lớp thượng lưu, nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau, đồng thời làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Vì thế, để giải quyết bài toán gia tăng dân số như hiện nay, Hiệp hội HoREA đề xuất đưa mô hình nhà ở xã hội kết hợp với mô hình nhà ở thương mại giá thấp để hình thành nên các "khu đô thị, khu nhà ở bình dân" hoặc "khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền" có thể trở thành các đô thị vệ tinh của thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, “việc hình thành các đô thị vệ tinh để giảm áp lực dân số tại các đô thị lớn là giải pháp tốt. Nhưng thực tế quá trình hình thành các đô thị vệ tinh còn đang rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 20/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.