Thứ sáu, 19/04/2024 11:38 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/4/2019

MTĐT -  Thứ tư, 17/04/2019 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/4/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/4/2019.

Dự án chậm tiến độ, hàng nghìn hécta đất bỏ hoang

Kết quả thống kê mới đây của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, chỉ tính riêng 38 dự án có sử dụng đất đai tại tỉnh này thì hầu hết các dự án đều chậm tiến độ với diện tích đất lãng phí gần 6.500ha.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã có hàng loạt dự án chậm tiến độ, có dự án kéo dài gần 10 năm không được triển khai, gây lãng phí vô cùng lớn cho địa phương.

Điển hình như: dự án văn phòng làm việc, cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Thái Phúc; dự án xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm ôtô của Công ty TNHH Ôtô FORD Đắk Lắk... dự án Trung tâm văn hóa và dịch vụ tổng hợp của Công ty CP Đầu tư Cao Nguyên, dự án Trung tâm thương mại của Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân… đã xây dựng phần khung nhiều năm nay rồi bỏ hoang.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra 38 dự án, với tổng diện tích gần 6.500ha đất thì UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 14 dự án với diện tích với gần 5.200ha.

Trong số các dự án bị thu hồi có dự án Trường Mầm non tư thục quốc tế Việt Mỹ của Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ tại TP Buôn Ma Thuột có diện tích 0,9ha. Hai địa phương bị thu hồi nhiều đất nhất là huyện Buôn Đôn (4 dự án, hơn 1.142ha) và Ea Súp (3 dự án, hơn 2.600ha).

Trong số này, nhiều dự án nhận đất rồi bỏ hoang nhiều năm gây bức xúc như dự án trồng rừng kinh tế bằng cây cao su diện tích hơn 361ha của Công ty TNHH Hữu Bích (Buôn Đôn); dự án đầu tư cải tạo trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng trên diện tích gần 800ha của Công ty TNHH Sản xuất - xuất nhập khẩu lương thực Bình Dương (Buôn Đôn).

Tương tự, tại Ea Súp nhiều dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhưng khi nhận đất xong thì bỏ hoang, mặc người dân lấn chiếm, xâm canh. “Tiêu biểu” là dự án của Công ty TNHH Anh Quốc diện tích gần 1.200ha; Công ty CP Cao su Phú Riềng Kratie hơn 750ha, Công ty CP Địa ốc Thái Bình Phát hơn 714ha…

Điều đáng nói, các dự án bị thu hồi quyết định đầu tư, thu hồi đất khi đã bị người dân lấn chiếm, xâm canh trồng cây công nghiệp. Khi tỉnh thu hồi các dự án, thu hồi đất để giao về các huyện nhưng các địa phương không dám nhận vì thực tế chỉ “bàn giao trên giấy”, không còn đất, rừng.

“Sốc” với giá đất tại Đồng Hới

Trong 2 năm trở lại đây, TP. Đồng Hới đã tạo thêm nhiều quỹ đất mới để phát triển các dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc khác nhau, giúp người dân địa phương có cơ hội “an cư lạc nghiệp”, cũng như giúp nhà đầu tư trên cả nước đến với Quảng Bình có thêm nhiều sự lựa chọn. Điều này tạo ra sự hấp dân của thị trường bất động sản Đồng Hới trong năm 2018.

Sự sôi động của thị trường bất động sản Đồng Hới năm 2018 tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, đầu năm 2019, Hana Land phối hợp với đơn vị phát triển dự án là Công ty Đất Xanh Bắc Miền Trung ra mắt 2 dự án đất nền giá rẻ là Eco Garden và EcoLife. Chỉ sau thời gian ngắn, cả hai dự án này nhanh chóng “cháy hàng”.

Tuy nhiên, phiên đấu giá Dự án tạo quỹ đất khu dân cư phía Đông Nam đường Lê Lợi (phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) vào ngày 31/3 vừa qua mới thực sự khiến nhiều người bị sốc.

Theo đó, tại cuộc đấu này, 160 lô đất được thông báo đấu giá, nhưng đã có tới hơn 1.500 bộ hồ sơ tham gia. Đáng chú ý, các lô đất này đã được đấu hết ngay trong phiên đấu giá với mức giá cao gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm.

Cụ thể, giá khởi điểm lô đất 160 m2 là 960 triệu đồng, nhưng giá đấu thành công lên tới 1,56 tỷ đồng, tương đương 9,75 triệu đồng/m2. Có lô giá khởi điểm là 4,1 tỷ đồng/lô, nhưng giá đấu trúng lên tới 7,2 tỷ đồng…, cao ngang ngửa các sản phẩm đất biệt thự nghỉ dưỡng khu vực bán đảo Bảo Ninh.

Theo giới “cò đất” tại Đồng Hới, hiện quỹ đất tại TP. Đồng Hới còn rất nhiều, có thể kể đến khu vực chân cầu Nhật Lệ 2, tại mương Phóng Thuỷ, Tây Hữu Nghị và cả trong khu vực đông dân cư trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại khu Đông Nam đường Lê Lợi, các nhà đầu tư lại đẩy giá lên quá cao như vậy.

HoREA đưa nhiều đề xuất giúp giảm giá nhà, đất

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT…, các đơn vị liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.

HoREA chỉ ra bốn hạn chế tồn tại trong luật hiện nay là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; trong quá trình triển khai, điểm yếu nhất là công tác thực thi pháp luật và quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của hệ thống các văn bản dưới luật; thủ tục hành chính còn rườm rà, bất cập; trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn yếu.

Từ đó hiệp hội đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm. Đơn cử như thay đổi phương thức tính tiền sử dụng đất hiện nay để đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu tiêu cực. Về lâu dài, đề nghị xác định khoản thu tiền sử dụng đất là một sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy vừa minh bạch vừa dễ tính toán.

Khi thực hiện cơ chế này cũng là cơ sở để xem xét ban hành luật thuế tài sản, bất động sản, không dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Thuế tài sản - bất động sản sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn. Người tiêu dùng có cơ hội hưởng lợi vì giá nhà ở có điều kiện giảm hơn so với trước. Lý do là hiện nay tiền sử dụng đất đang chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư, trên dưới 30% giá nhà phố và khoảng 50% giá biệt thự trong dự án.

Cạnh đó, hiệp hội đề nghị UBND TP xem xét, điều chỉnh suất đầu tư xây dựng chung cư cao tầng của TP hiện nay, đang thấp hơn khoảng 10%-15% so với suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng. Điều này khiến các doanh nghiệp bị thiệt thòi.

9 năm “đắp chiếu” Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng từ lúc bị đập bỏ hoàn toàn, đến hôm qua vẫn là bãi đất hoang, lặng lẽ nằm giữa 4 mặt đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần sầm uất. Nhìn từ ngoài vào, qua lớp rào đã phai màu, ngoại trừ vài làn bê tông cũ còn sót lại thì tất cả mặt nền đều bị cỏ dại phủ đầy. Ngoài trạm điện vẫn còn giữ nguyên, công trình đáng kể nhất sót lại là một lều giăng bạt tạm bợ cho bảo vệ trú nắng và chòi tôn thép đỏ xập xệ như muốn đổ.

Dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là một trong những dự án được TP.HCM đưa vào danh sách các công trình trọng điểm phục vụ SEA Games 31 năm 2021.

Theo báo Thanh niên, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND TP.HCM được bán nhà, đất tại 257 Trần Hưng Đạo (Q.1) để thanh toán cho dự án xây dựng mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng khi đó có mức đầu tư được công bố là 988 tỉ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá đầu tư lên 1.352,7 tỉ đồng, UBND TP.HCM xin bổ sung thêm khu đất tại 3 - 3 bis Phan Văn Đạt (Q.1) để thanh toán cho nhà đầu tư. Năm 2016, vốn đầu tư khả thi của dự án lên tới 1.953,78 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với ban đầu, TP.HCM tiếp tục xin bổ sung thêm khu đất 3 ha ở khu trường đua Phú Thọ (Q.11) để thanh toán hợp đồng dự án.

Trong quá trình triển khai, đầu năm 2018, UBND TP.HCM cũng đồng ý thay thế nhà đầu tư mới là Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt thay cho Công ty TNHH An Tạo nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Lý do là Chính phủ chưa có ý kiến về kiến nghị của TP.HCM đổi 3 ha đất tại khu trường đua Phú Thọ thanh toán cho nhà đầu tư.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?