Thứ năm, 28/03/2024 15:56 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/5/2019

MTĐT -  Thứ ba, 14/05/2019 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/5/2019. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/5/2019.

Cẩn trọng với những “cơn sốt” ăn theo hạ tầng tương lai

Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với nhau để thống nhất về việc triển khai xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Bước đầu, hai địa phương đã thống nhất các phương án triển khai dự án với quyết tâm sẽ khẩn trương xây dựng nhanh công trình này. Với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong chiến lược kết nối vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP.HCM.

Ngay sau khi thông tin này được truyền thông rộng rãi, thị trường bất động sản Nhơn Trạch một lần nữa lại dậy sóng sau một thời gian dài im ắng. Rất nhiều nhà đầu tư đổ về đây để đón sóng đầu tư, khiến giá đất tại thị trường này một lần nữa tiếp tục tăng chóng mặt.

Theo báo Đầu tư Bất động sản, giá đất tại thị trường Nhơn Trạch đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, những tháng đầu năm 2018, giá đất nền ở đây chỉ 6 - 12 triệu đồng/m2, khu trung tâm thành phố mới cũng dao động khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá đất tại một số khu vực đã tăng từ 40 - 50%. Cụ thể, mức giá giao dịch đất nền ở khu trung tâm Nhơn Trạch đã vượt lên mức 50 - 70 triệu đồng/m2.

Không chỉ tại Nhơn Trạch, mà “cơn sốt” cũng xuất hiện tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) ngay sau khi UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Giờ theo hướng nối đường 15B (Nguyễn Lương Bằng nối dài) với đường Rừng Sác.

Mặc dù đợt sốt này không cao trào như những lần trước, nhưng nhiều cò đất và giới đầu cơ đã lợi dụng thông tin hạ tầng để đẩy giá, khiến thị trường tại những khu vực này lại rục rịch tăng. Ghi nhận thực tế cho thấy, tại những khu vực đô thị hóa cao như xã Bình Khánh, Cần Thạnh, An Thới Đông, Long Hòa…, giá đất tăng bình quân từ 10 - 15%. Cụ thể, tại xã Bình Khánh, đất thổ cư xung quanh UBND xã giá trung trình 15 - 20 triệu đồng/m2; đất thổ vườn, đất nuôi trồng thủy sản giá 2 - 4 triệu đồng/m2.

Còn tại khu vực thị trấn Cần Thạnh, giá đất thổ cư trung bình 25 - 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, hướng về xã Long Hòa chỉ có giá từ 10 - 15 triệu đồng/m2, cao nhất là tại ấp Hòa Hiệp giá đất hiện cũng tăng vọt lên mức 25 - 26 triệu đồng/m2.

Trước đó, năm 2017, Củ Chi cũng đã lên cơn sốt đất sau thông tin về việc Tập đoàn Tuần Châu sẽ đầu tư xây dựng đại lộ ven sông dài 63 km nối trung tâm Thành phố tới Củ Chi đã làm giới đầu tư và người dân địa phương phấn khởi. Đáng chú ý, dù đây chỉ là đề xuất, chưa được UBND TP.HCM chấp thuận, nhưng thị trường bất động sản địa phương này đã tăng lên.

TP.HCM: Rộ tình trạng lừa đảo giao dịch bất động sản

Theo báo Thương gia, tình trạng một căn hộ, một nền đất bán cho nhiều người hay dự án thế chấp ngân hàng vẫn mang ra giao dịch với khách hàng… thời gian qua đang nở rộ nhiều nơi khiến cho người dân đã lỡ trót mua điêu đứng, “sống dở, chết dở”.

Hầu hết các dự án này xảy ra tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn…

Theo phản ánh của một số người dân, tình trạng mua bán, giao dịch BĐS tại khu vực này diễn ra phức tạp, bát nháo. Nhiều trường hợp lừa đảo mua bán đất nông nghiệp, công viên… đã diễn ra công khai.

Mới đây, bà V.T.N (ngụ tại P.15, Q.Tân Bình) phản ánh đã đặt cọc 300 triệu đồng cho bà Phạm Thị Thu Thủy (P.15, Q.5) để mua một phần thửa đất số 641 tại xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn) có giá gần 1,5 tỷ đồng.

Hợp đồng mua bán ghi rõ, trong thời hạn từ 4 - 7 tháng bà Thủy phải có nghĩa vụ đi công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên cho bà N.

Thế nhưng quá thời hạn nêu trong hợp đồng đặt cọc, bà Thủy vẫn không thực hiện hợp đồng theo cam kết. Khi đến xã Đông Thạnh tìm hiểu, bà N mới biết rằng đây chỉ là dự án ảo. Đó là thửa đất 641, diện tích sử dụng gần 10.500 m2 là đất lúa của ông Mai Văn Khỉ (H.Hóc Môn).

Hiện UBND xã đã tiếp nhận và chuyển qua cơ quan công an điều tra. Thửa đất trên, về mặt pháp lý vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Khỉ và chưa chuyển nhượng. Trên phần đất đó cũng không có dự án nào cả. UBND xã đã thông báo thông tin này trên bản tin truyền thanh của địa phương để khuyến cáo người dân khi có nhu cầu cần liên hệ với UBND xã tìm hiểu thông tin cụ thể, tránh bị lừa.

Theo UBND H.Hóc Môn, các khu đất đang có dấu hiệu lừa đảo phân lô, bán nền tập trung tại các xã Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì và Tân Xuân.

Hiếm nguồn cung, BĐS Nam Sài Gòn tăng nhiệt

TP.HCM được xếp vào đô thị có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh so với những thành phố khác trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, dân số TP.HCM đã vượt ngưỡng 13 triệu người. Dân số gia tăng tỉ lệ thuận với nhu cầu về nhà ở, gây sức ép lên quỹ đất thành phố, đặc biệt là khu vực trung tâm.

Trước tình hình đó, TP.HCM có kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông về phía Nam để phân luồng tập trung dân cư, giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Thành phố vừa rót kinh phí hơn 5 tỷ USD để đầu tư, nâng cấp loạt công trình mới như: Hệ thống hầm chui - cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát lên 30m, mở rộng đường trục Bắc - Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh, mở rộng Quốc lộ 50 thành đường 6 làn xe, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và quận 2, dự án tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị cảng Hiệp Phước) có kinh phí đầu tư hơn 97.000 tỷ đồng…

Với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện cùng tin vui loạt dự án mới được xây dựng, khu Nam nhanh chóng trở thành thỏi nam châm với hấp lực lớn thu hút nhà đầu tư và tập trung dân cư trong vài năm trở lại đây. Tuy nhu cầu nhà ở tại khu Nam Sài Gòn tăng nhưng nguồn cung bất động sản khu vực hạn chế do nhiều yếu tố. Theo báo cáo của CBRE Việt Nam về toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2019, do ảnh hưởng của việc cấp giấy phép cho các dự án mới, đẩy nguồn cung tất cả các phân khúc trở nên khan hiếm, giảm đến khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sơn La: 2 dự án khu đô thị hơn 1.400 tỷ không chọn được nhà đầu tư

Sau hơn 3 tháng thông báo mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư Dự án số 1 và Dự án số 2 Khu đô thị Hồ Tuổi Trẻ, TP. Sơn La, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho biết, không có nhà đầu tư vượt qua được bước sơ tuyển của 2 dự án này.

Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho biết, mỗi dự án chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nộp Báo cáo tài chính được kiểm toán; giá trị vốn vay trong Hồ sơ dự sơ tuyển cao hơn giá trị vốn vay trong Hồ sơ mời sơ tuyển được duyệt.

2 dự án có cùng địa điểm xây dựng tại phường Chiềng An và Chiềng Lề, TP. Sơn La. Cụ thể, Dự án số 1 sử dụng quỹ đất 73.694 m2 với tổng chi phí thực hiện dự kiến là 727,532 tỷ đồng; Dự án số 2 sử dụng quỹ đất 71.829,0 m2 với tổng chi phí thực hiện dự kiến là 727,459 tỷ đồng.

Được biết, Liên danh Công ty CP Tập đoàn FLC - Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Chiềng An là nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển cả 2 dự án nêu trên.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.