Thứ năm, 28/03/2024 18:13 (GMT+7)

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/4/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 12/04/2020 11:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/4/2020. Cập nhật Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/4/2020.

Lập quy hoạch đồng bộ khu công viên nước Hồ Tây và công viên Mặt Trời Mới

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 10-4-2020 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết đồng bộ khu công viên nước Hồ Tây và công viên Mặt Trời Mới tỷ lệ 1/500.

Diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 8,3ha, thuộc địa giới phường Nhật Tân (quận Tây Hồ). Về phạm vi ranh giới, phía Tây Bắc giáp trục đường Lãng Bạc, nhà khách UBND thành phố Hà Nội; phía Đông Bắc giáp khu đầm sen; phía Đông Nam và Tây Nam giáp đường kè hồ Tây.

Mục tiêu của đồ án quy hoạch nhằm phân khu chức năng, hình thành công viên vui chơi, giải trí chuyên đề ngoài trời và trong nhà với hạng mục chính là công viên nước Hồ Tây, các khu phụ trợ, vui chơi giải trí tổng hợp, trục không gian cảnh quan kết nối với hồ Tây...

Ảnh minh họa.

Về chức năng, khu vực nghiên cứu quy hoạch gồm: Công viên nước (cải tạo, nâng cấp trên cơ sở hiện có), khu các trò chơi ngoài trời (cải tạo, nâng cấp trên cơ sở hiện có), khu dịch vụ và vui chơi trong nhà (nghiên cứu bổ sung trong khuôn viên đất được giao), khu dịch vụ phụ trợ trong nhà, khu phụ trợ ngoài trời.

UBND thành phố giao Công ty cổ phần Dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn theo quy định, tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết đồng bộ khu công viên nước Hồ Tây và công viên Mặt Trời Mới tỷ lệ 1/500.

Xử lý vụ doanh nghiệp bạt núi làm nhà trong rừng đặc dụng

Sáng 10-4, UBND Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) chỉ đạo UBND P. Hòa Hiệp Bắc và cơ quan Kiểm lâm tại địa bàn tiến hành kiểm tra, rà soát và báo cáo phương án xử lý các cá nhân, tập thể liên quan đến việc một doanh nghiệp xây dựng lán trại trong rừng đặc dụng sau khi nhận ủy quyền để trồng rừng từ Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân và Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng.

Trong những ngày qua, người dân tại P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) bức xúc phản ánh về việc doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian chính quyền huy động lực lượng chống dịch bệnh, đã ngang nhiên san ủi đất rừng, dựng lán trong khu vực mà họ được ủy quyền giao khoán 54ha. Từ khu vực Suối Lương ngược lên khoảng hơn 2km theo một con đường mòn vào vùng lõi của rừng đặc dụng Nam Hải Vân, dễ dàng nhận thấy một lán được dựng bằng gỗ, lợp ngói xi-măng. Đây là vị trí tập kết, trung chuyển vật liệu, máy móc và có công nhân của doanh nghiệp trồng rừng ở hàng ngày. Cách đó không xa là căn nhà tiền chế xây dựng trên mảnh đất đã được bạt phẳng. Vị trí này trước đó là một quả đồi, có hướng nhìn ra biển, hiện đã được dựng 2 khu nhà sàn bao quanh bằng thép tiền chế có tổng diện tích khoảng hơn 50m2. Ngôi nhà trái phép này là của Cty Định Tài Trí, đơn vị đã được Công đoàn của 2 đơn vị là Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân và Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng ủy quyền sử dụng 54ha đất tại tiểu khu 10 và 11 để cải tạo trồng rừng, gồm các loại cây như lát hoa, dừa, cây ăn quả lâu năm.

Nhà làm bằng thép tiền chế do doanh nghiệp dựng lên trên quả đồi được bạt phẳng, trong rừng đặc dụng Nam Hải Vân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24-3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Truyền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Q. Liên Chiểu đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu về vụ việc. Theo văn bản này, tổ công tác Hạt Kiểm lâm Q. Liên Chiểu phát hiện tại khu vực Bằng Cát (tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân) có 2 lán trại kích thước 3,8x4,6m, nền tráng xi-măng, khung sắt lắp ghép, phên lợp ván, mái tôn. Đây là 2 lán trại của Cty TNHH Định Tài Trí làm với mục đích bảo quản trang thiết bị, phân bón, cây trồng phục vụ cho việc trồng rừng. Tại thời điểm kiểm tra, Cty công nhận việc làm lán trại không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Tổ công tác lập biên bản, đình chỉ, yêu cầu giữ nguyên hiện trường, mời đại diện Cty về làm việc. Tiếp đó, ngày 26-3, Tổ kiểm tra quy tắc đô thị P. Hòa Hiệp Bắc tiến hành kiểm tra hiện trường và lập biên bản vụ việc.

Tại thời điểm này, đại diện chủ rừng chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc giao khoán sử dụng đất rừng. UBND P. Hòa Hiệp Bắc làm văn bản báo cáo UBND Q. Liên Chiểu và các cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Văn Truyền: "Việc Cty TNHH Định Tài Trí tự ý làm lán trại như vậy mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền là sai. Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên do thời gian nghỉ Tết và dịch Covid-19 nên việc tháo dỡ của Cty còn chậm trễ. Hạt đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nay đã tháo dỡ xong một lán trái. Phần còn lại Cty đề nghị xin được giữ lại cho công nhân trồng rừng sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường". Trái với thông tin này, cho đến ngày 9-4 vẫn chưa có lán trại nào được tháo dỡ!

Sau cuộc họp với UBND P. Hòa Hiệp Bắc và cơ quan Kiểm lâm, ông Nguyễn Nhường- Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho biết, trong vòng 48 giờ, Hạt Kiểm lâm quận phải hoàn thành việc tháo dỡ, trả nguyên hiện trạng cho đất rừng tại vị trí công trình. "Nếu phía doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan chức năng quận sẽ báo cáo thành phố tiến hành cưỡng chế. Mọi chi phí doanh nghiệp phải chịu", ông Nhường khẳng định.

Sáng 10-4, ông Trần Viết Phương- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu báo cáo giải trình và đề xuất phương án xử lý vụ việc. Trước mắt, đơn vị phải phối hợp với chính quyền và ngành chức năng thực hiện tháo dỡ dứt điểm công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Tiếp đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm ngay trên đất lâm nghiệp do mình quản lý. "Để xảy ra xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng do mình quản lý thì trách nhiệm đầu tiên phải là của Hạt Kiểm lâm Q. Liên Chiểu. Chúng tôi yêu cầu xử lý nghiêm và báo cáo kết quả trước ngày 20-4", ông Phương cho hay.

Kiên Giang: Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

Cụ thể, UBND huyện Kiên Lương không xây dựng kết hoạch sử dụng đất năm 2014; từ năm 2013 đến nay chưa lập bản đồ địa chính; hàng năm các xã, thị trấn không lập báo cáo tình hình sử dụng đất gửi UBND huyện; cho 59 trường hợp thuê đất không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; có 15 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận vi phạm luật đất đai.

Nhiều dự án lớn trên địa bàn đã tiến hành thu hồi, bồi thường đất nhưng bị dân lấn chiếm. Chủ tịch UBND huyện ban hành các quyết định thu hồi 8 khu đất công ích 5%, diện tích 140,77ha là trái thẩm quyền. Có 9 khu đất công cho thuê sai thẩm quyền, sử dụng sai qui hoạch, gây thất thu ngân sách. Đáng chú ý, huyện cho nhiều hộ thuê đất nằm trong lộ giới, qui hoạch xây dựng công trình công cộng; có 9 hộ xây dựng nhà kiên cố trên đất cho thuê nhưng các cơ quan thẩm quyền không kịp thời xử lý…

Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương tan hoang sau nhiều năm không thực hiện.

Trong những năm qua UBND huyện Kiên Lương đã thu hồi trên 1.000ha đất của 12 tổ chức và 576 hộ gia đình để phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên có đế 7 dự án quản lý sử dụng đất được giao không đúng qui định pháp luật, để dân lấn chiếm.

Năm 1999 tỉnh Kiên Giang chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch Chùa Hang, diện tích 17 ha. Tuy nhiên hiện có 28 hộ dân đã vào chiếm đất cất lều quán buôn bán. Tại Dự án tuyến đường kênh T3 và đường kênh Lung Lớn II, diện tích 185,5ha, đã được bồi thường, hỗ trợ đúng qui định, nhưng chưa xem xét bố trí tái định cư, hiện có 550 hộ tái chiếm cất nhà ở trên diện tích 6,15ha.

Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ có chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương, tổng vốn dự kiến 6,7 tỷ USD. Năm 2009 UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương I.

Đơn vị này được giao 4 khu đất, diện tích hơn 589 ha và đã chi trả bồi thường cho 221 hộ, số tiền 75,93 tỷ đồng; còn 67 hộ chưa nhận bồi thường trên 16 tỷ. Sau đó Cty triển khai một số hạng mục như san lấp, lấn biển khoảng 60 ha… Tuy nhiên từ cuối năm 2011 đến nay dự án đình trện, chủ đầu tư không sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, không đầu tư xây dựng theo tiến độ đã đăng ký, vi phạm luật đất đai.

Đồng Nai sắp làm 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm hơn 7.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 20/3/2020 của HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư một số dự án nhóm A trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư 2 dự án: xây dựng đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản, TP. Biên Hòa) và xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn).

Sắp làm 2 dự án trọng điểm nhóm A tại TP. Biên Hoà

Đồng thời giao UBND TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư 2 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của 2 dự án trên.

Dự án đường ven sông Cái có chiều dài gần 4.600m, điểm đầu giao với đường Hà Huy Giáp thuộc phường Quyết Thắng và điểm cuối giao với đường Trần Quốc Toản ở phường An Bình. Quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường là 32m, trên trục đường này sẽ có 5 cầu gồm: Chìm Tàu, Tân Mai, Bà Bột, Rạch Gió, Suối Linh. Các cầu trên sẽ được xây dựng có bề rộng khoảng 22,7m.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.960 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 527 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng là 3.247 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024, cần di chuyển khoảng 500 hộ dân.

Dự án xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn có chiều dài gần 5.400m chia làm 2 nhánh.

Nhánh 1 có điểm đầu giao với đường Võ Thị Sáu, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn, dài khoảng 3.588m.

Nhánh 2 từ vòng xoay giao với nhánh 1 tại phường Hiệp Hòa, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn (tại nút giao đường đầu cầu Bửu Hòa), dài tuyến khoảng 1.770m.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.131 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 1.985 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng 1.146 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024, cần di chuyển khoảng 131 hộ dân.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa IX, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư đối với 2 dự án nói trên với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện các dự án là nguồn vốn ngân sách nhà nước.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.