Thứ sáu, 29/03/2024 08:35 (GMT+7)

Thủ Thiêm: Hệ quả dây chuyền từ sai phạm 160ha tái định cư

MTĐT -  Thứ hai, 10/02/2020 15:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Nova (Novaland) đã gửi đơn cầu cứu khẩn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, “xin được cứu xét cho tiếp tục thực hiện dự án Water Bay để tránh mất thanh khoản”.

Dự án này thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã bị dừng triển khai, để Bộ xây dựng thực hiện kiểm tra rà soát theo kiến nghị gửi Thủ tướng của Thanh tra Chính phủ.

Những sai phạm tích dồn trong gần hai thập niên phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm dần được vén màn, khiến không chỉ dự án bất động sản này bị tạm dừng triển khai. Từ câu chuyện về Water Bay, lần ngược lại một số văn bản liên quan đến quá trình “hô biến” không chỉ 160ha đất tái định cư của người dân Thủ Thiêm tại Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dấu một lá đơn cầu cứu

Dự án mà Novaland xin Bộ trưởng Bộ Xây dựng cứu xét có quy mô 30,224ha, thuộc phường Bình Khánh (quận 2, TP.HCM). Theo doanh nghiệp này, dự án do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 - thành viên của Novaland triển khai - đã “đủ điều kiện bán hàng” nhưng “bị tạm dừng gần hai năm”. Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan mà Thanh tra Chính phủ nhắc đến trong văn bản 1483/TB-TTCP (Thông báo 1483) ngày 4.9.2018, thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng:

- Kiểm tra, rà soát, hướng dẫn UBND Thành phố hoàn thiện các đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án liên quan đến Khu Đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng quy định pháp luật.

- Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện thẩm định, lưu trữ hồ sơ, bản vẽ và chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng như kết luận đã nêu.

Theo thông tin ban đầu, chủ đầu tư cho biết đã “hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu; đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2... Nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án giữa chủ đầu tư và đại diện Thành phố là Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (Ban Quản lý Thủ Thiêm), tuy nhiên, do ngân sách thành phố có khó khăn nên được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1”.

Thông qua bộ phận truyền thông của Novaland, phóng viên đã đề nghị chủ đầu tư được tiếp cận văn bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư và Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sau khi được tham khảo tài liệu gốc.

Tập đoàn Novaland cầu cứu Bộ Xây dựng cho tiếp tục thực hiện dự án tại quận 2 sau gần hai năm bị tạm dừng. 

Việc Novaland đầu tư xây dựng căn hộ tái định cư trong giai đoạn 1 là manh mối lần giở nguồn gốc dự án. Khu đất được nhắc đến tại Quyết định 684/QĐ-UBND (QĐ684) ngày 21.2.2009 do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (tỷ lệ 1/2000) Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, phường An Phú.

Khoản 2.2 Điều 1 của Quyết định này nêu lý do và sự cần thiết phải lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 là “Khu Nam Rạch Chiếc 90,26ha phường An Phú dự kiến bố trí thành 03 dự án”, trong đó khoảng 30ha giao cho Công ty Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Thế kỷ 21) để đầu tư xây dựng Khu dân cư cao tầng và du lịch - văn hóa - giải trí. Đổi lại, Công ty sẽ đầu tư xây dựng khu tái định cư 30,224ha (4.200 căn hộ) tại phường Bình Khánh.

Nội dung này có thể được hiểu là một hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, Thế kỷ 21 có nghĩa vụ xây dựng 4.200 căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh để nhận lại quyền khai thác thương mại khu đất khoảng 30ha tại phường An Phú. Thông báo kết luận số 1483/TB-TTCP kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM ngày 4.9.2018 cũng hé lộ một số thông tin liên quan, trích: “Việc UBND Thành phố có văn bản số 1122/UBND-ĐTMT ngày 20.2.2008 chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 30,1ha đất của Công ty Thế kỷ 21 tại dự án Khu Du lịch, văn hóa, giải trí thuộc phường Bình Khánh sang xây dựng khoảng 4.000 căn hộ tái định cư và hoán đổi bằng 30,2ha đất sạch thuộc 90,2ha Khu tái định cư Nam Rạch Chiếc; nhưng sau đó, lại chấp thuận cho chuyển khu đất tái định cư này sang mục đích đầu tư kinh doanh nhà ở mà không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất”.

Cũng cần nói thêm rằng tại thời điểm này, Novaland chưa dính dấp đến khu đất 30,2ha Nam Rạch Chiếc. Từ tháng 4.2015 đến 2016, Novaland mới hoàn tất việc sở hữu 99% vốn chủ sở hữu tại Thế kỷ 21. Dự án 30,2ha ở Nam Rạch Chiếc được Novaland đổi tên thành LakeviewCity, còn dự án quy mô 30,224ha đổi tên thành Water Bay.

Đáng tiếc, Thông báo 1483 và đặc biệt là QĐ684 đều chưa đề cập đến quá trình hình thành khu đất 90,2ha Nam Rạch Chiếc tại phường An Phú.

Một quyết định vô hiệu?

Ngày 4.9.2002, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3617/QĐ-UBND (QĐ3617) “thu hồi 902.607m2 đất tại phường An Phú, quận 2 và giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý khu đất, lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư chuẩn bị xây dựng khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm”.

Dự án khu dân cư 30.224 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM có tên thương mại là The Water Bay, trải dài gần 500 m bên đại lộ Mai Chí Thọ, có vị trí bên sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đảo Kim Cương.

Mục đích thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư cho người dân Thủ Thiêm nhưng 7 năm sau, UBND TP.HCM lại ban hành QĐ684, phân lô khu đất 90,2ha thành ba phần. Ngoài Thế kỷ 21 được giao khoảng 30ha để đầu tư xây dựng khu dân cư cao tầng và du lịch - văn hóa - giải trí để đổi lấy 4.200 căn hộ tại phường Bình Khánh như đã nêu, UBND TP.HCM còn giao 30ha cho liên danh Keppel Land - Tiến Phước để xây dựng khu dân cư.

Đổi lại, Liên danh sẽ đầu tư xây dựng khoảng 1.886 căn hộ và khu công viên cây xanh tại khu 17,3ha phường Bình Khánh, An Phú. Đồng thời, Liên danh sẽ bỏ vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong khu 60ha (bàn giao cho quận 2 quản lý định hướng xây dựng cho các hộ dân). Khoảng 30ha còn lại UBND TP.HCM giao cho UBND quận 2 để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khoảng 2.000 nền đất phục vụ tái định cư dự án xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm và các dự án trọng điểm của thành phố trên địa bàn quận 2.

Bằng QĐ684, 2/3 khu đất tái định cư 90,2ha tại phường An Phú trở thành đất thương mại, chưa kể phần còn lại giao cho UBND quận 2 cũng bị bớt xén khi phải gánh thêm “các dự án trọng điểm của thành phố”. Bằng QĐ684, UBND TP.HCM có thêm hơn 6.000 căn hộ tái định cư trong tổng số 12.500 căn. Không muốn bị “lùa” lên căn hộ, nhiều người dân đủ điều kiện tái định cư đương nhiên ưu tiên chọn nền đất. Đương nhiên, QĐ684 không đả động đến QĐ3617.

Hai trong số năm cơ sở pháp lý tại QĐ3617 là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ QĐ367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 4.6.1996 và Công văn hỏa tốc số 190/CP-NN (CV190) của Chính phủ về việc thu hồi đất xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm ngày 22.2.2002. Tuy nhiên, nội dung hai văn bản này không hề đề cập đến việc cho phép UBND TP.HCM thu hồi đất tại phường An Phú, quận 2.

Căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ367 là Tờ trình 1861/TT-UB-QLĐT của UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27.5.1996. Theo tờ trình, 160ha tái định cư chính là phân khu chức năng số 7, giáp Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Bố trí tái định cư liền kề khu đô thị mới Thủ Thiêm cho những hộ dân đã hy sinh nhà cửa, đất đai, di dời mồ mả cha ông là nội hàm nhân văn tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không gạt người dân ra bên lề sự phát triển.

Tiếp tục đối chiếu với nội dung CV190, QĐ3617 còn trái với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ chỉ cho phép UBND TP.HCM thu hồi đất trong phạm vi năm phường gồm An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị mới và xây dựng khu tái định cư. Như vậy, toàn bộ người dân trong khu vực 90,2ha đã bị thu hồi đất oan?! Và như vậy, Quyết định 3617 đã “trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành” quy định tại Điều 2, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 có hiệu lực tại thời điểm UBND TP.HCM ban hành QĐ3617.

Quyết định thu hồi 90,2ha Nam Rạch Chiếc do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Vũ Hùng Việt, ký (thời điểm này ông Lê Thanh Hải đang là Chủ tịch UBND TP.HCM). Liên quan đến những sai phạm tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, ông Vũ Hùng Việt cũng là một trong những cái tên lần đầu được nhắc đến trong Thông cáo báo chí kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, “cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban Cán sự Đảng UBND TP và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công”.

Thêm một ngả đường tới sai phạm 160ha tái định cư ở Thủ Thiêm

Câu hỏi đặt ra là tại sao UBND TP.HCM lại đi thu hồi đất mãi phường An Phú, ngoài phạm vi 5 phường mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại CV190?

Tròn một tháng sau khi nhận được CV190, UBND TP.HCM ban hành Thông báo số 77 ngày 22.3.2002 truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải về tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐTMTT, “giao kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm; đồng thời rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha đất để xây dựng các khu tái định cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm,…”.

Cũng trong ngày 22.3.2002, UBND TP.HCM ra tiếp văn bản số 78/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải, trích: “Xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho KĐTMTT phải đảm bảo đủ 160ha theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2”. Kết luận Thanh tra 445/KL-TTTP-KTI ngày 6.8.2008 xác nhận Thông báo số 78/TB-VP “chưa phù hợp” với nội dung tại CV190 của Thủ tướng Chính phủ.

Mười năm sau, tại Thông báo 1483, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TP.HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu Tái định cư 160ha thuộc 05 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.

Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ367/TTg và Văn số số 190/CP-NN, dẫn đến, làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Thủ Thiêm: Hệ quả dây chuyền từ sai phạm 160ha tái định cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.