Thứ ba, 23/04/2024 22:32 (GMT+7)

Thị trường BĐS “khó chồng khó”, lối thoát nào cho doanh nghiệp?

MTĐT -  Thứ tư, 08/04/2020 17:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cũng như hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư kinh doanh nhà đất… gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường BĐS quý I/2020 của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, COVID-19 có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến các quyết định của doanh nghiệp trong năm 2020, thậm chí lâu hơn.

Một số phân khúc thị trường có dấu hiệu chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng chậm và đối mặt với nhiều thách thức. Với đầu tư BĐS, xu hướng thận trọng được ưu tiên lên hàng đầu trong mùa dịch.

Đơn vị này phân tích, BĐS xếp thứ hai trong 6 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm 12%. Chỉ tính riêng các sàn giao dịch, trong 2 tháng đầu năm, dưới tác động của COVID-19 và sự chậm trễ trong vấn đề pháp lý, 500 sàn (trong tổng số 1.000 sàn) trên cả nước phải đóng cửa một phần, hoặc toàn phần.

JLL dự báo kể từ trung tuần tháng 3, trong 1 - 4 tuần, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào kế hoạch duy trì bộ máy trong mùa dịch. Tuy nhiên trong giai đoạn trên dưới 3 tháng trở đi, các doanh nghiệp sẽ thêm thận trọng khi ra quyết định đầu tư mua bán bất động sản và giảm tương tác trực tiếp với khách hàng.

Thị trường BĐS đang phải đương đầu với nhiều khó khăn.

Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp

Mới đây, chia sẻ Nhịp sống Việt về những khó khăn mà thị trường đang gặp phải, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS đang phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 02 năm qua, nay lại rơi vào tình thế "khó chồng khó".

Ông phân tích, dịch bệnh đã làm đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp địa ốc đều giảm nghiêm trọng doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có thể có doanh nghiệp mất thanh khoản.

Theo Chủ tịch HoREA, thời điểm này, các doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian; Xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu... Điển hình như Vincom hỗ trợ 300 tỷ đồng hay Hưng Thịnh giảm giá thuê mặt bằng 25% cho khách hàng,… đều là những hành động đẹp.

Thị trường BĐS những năm qua đã phát triển mạnh góp phần tăng trưởng kinh tế, nhưng đâu đó vẫn có những dấu hiệu lệch pha cung - cầu.

Vì thế, khoảng lặng này cũng là cơ hội để các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS có quỹ thời gian để rà soát và thực hiện chiến lược "tái cấu trúc doanh nghiệp" theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo bộ phận người dân. Có như thế thị trường BĐS mới có thể phát triển theo hướng bền vững.

"Dù đang cực kỳ khó khăn, nhưng tôi tin tưởng người dân và doanh nghiệp có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả (tương tự như dịch SARS năm 2002 - 2003) và nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch," ông Châu nói.

Tìm lối thoát

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập nhận định, không có nhiều triển vọng lạc quan đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong năm nay hoặc ít nhất là nửa đầu năm 2020 hoặc tới chừng nào khủng hoảng vì dịch bệnh chưa chạm đáy.

Thị trường bất động sản đang “ngưng” lại kéo theo những khó khăn, gánh nặng cho doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh nhà đất là điều dễ hiểu. Nếu không nhanh chóng tìm lối thoát hiểm vào ngay lúc này thì việc chậm trễ và chờ đợi có thể khiến doanh nghiệp phải gánh tổn thất lớn, ông Hiếu khuyến cáo.

Còn kiến trúc sư Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Vietnambuilding cho hay, doanh nghiệp đang phải cân đối lại các dự án và kế hoạch kinh doanh để chuyển hướng đầu tư sang một số lĩnh vực khác. Việc tập trung dồn nguồn lực cho một số dự án, công trình bất động sản đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, khó thu hồi vốn nhất là ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay.

Ông Hiệp nhấn mạnh, trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất và không ít cửa hàng, cửa tiệm… trả mặt bằng thì Vietnambuilding vẫn nỗ lực gồng gánh bộ máy, duy trì công việc và để giữ thu nhập cho người lao động.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường BĐS “khó chồng khó”, lối thoát nào cho doanh nghiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới