Thứ năm, 28/03/2024 21:12 (GMT+7)

'Thị trường bất động sản năm 2020 sẽ tiếp tục giảm tốc'

Cẩm Anh -  Thứ ba, 14/01/2020 14:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Theo ông Đính, năm 2020, bất động sản sẽ thực chất hơn, không xuất hiện 'bong bóng'.

Để có cái nhìn tổng quát về thị trường bất động sản trong năm 2019, đồng thời có những nhận định mang tính dự báo cho năm 2020, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

- Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản năm 2019, đâu là những yếu tố tác động đến thị trường trong năm qua?

- Nhìn chung, năm 2019, thị trường cả nước sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tuy nhiên nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, tỉ lệ hấp thụ ở mức cao. Việt Nam đang là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới. Hoạt động du lịch năm qua đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2019, GPD Việt Nam tăng 7,02%, đây là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Bên cạnh đó vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 10,2%.

Lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 16,7%, tăng nhẹ 4,6% so với năm trước, trong đó hơn 20% lượng kiều hối đổ vào bất động sản.

Năm 2019, thị trường cả nước sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tuy nhiên nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn, tỉ lệ hấp thụ ở mức cao. 

Đồng thời, nhà nước vẫn luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đến nay, trên cả nước đã có gần 997 km đường cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác, kết nối các vùng. Đó là những yếu tố tích cực tác động vào thị trường.

Tuy nhiên, thị trường trong năm qua sụt giảm do nhiều yếu tố hạn chế tác động. Cụ thể, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt nguồn vốn tín dụng vào bất động sản. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thưỡng mại giữa Mỹ - Trung và vấn đề chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn hệ thống thương mại toàn cầu.

Động thái rà soát nhanh, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình giao đất, cấp phép xây dựng cho các dự án phát triển bất động sản. Quá trình phê duyệt đầu tư, phát triển dụ án bất động sản được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ là nguyên nhân khiến thị trường vài năm nữa không có lượng hàng mới.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề bất động sản còn chưa đồng bộ, hàng loạt các dự án không đáp ứng các yêu cầu pháp lý được rao bán công khai trên thị trường trong khi chúng ta thiếu hụt hệ thống thông tin đáng tin cậy về thị trường bất động sản.

Ngoài ra, chi phí đầu tư, phát triển dự án tăng cao, chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng, nhân công, lãi suất, vật liệu… đã làm ảnh hưởng đến giá chào bán sản phẩm. Nhiều dự án tại TP. HCM tăng từ 3%, 5% thậm chí là 10%.

- Với việc sụt giảm mạnh mẽ lượng cung, thị trường nhà ở trong năm 2019 có sự thay đổi về giá như thế nào tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, thưa ông?

- Sự sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch là nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Tại TP. Hà Nội, lượng cung năm 2019 chỉ đạt 61,5% so với năm 2018, lượng giao dịch đạt 64,7%. Trong đó, lượng cung chào bán tại thành phố này đang phát triển mất cân đối giữa các vùng.

Tại Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông… lượng cung rất lớn vượt xa nhu cầu sử dụng của khách hàng. Tuy nhiên, tại một số quận trung tâm, nhu cầu vấn rất lớn nhưng lượng cung hạn chế bởi quỹ đất để phát triển dự án dường như không còn. Sự khan hiếm sản phẩm mới trong thời gian dài đã đẩygiá bán căn hộ trung và cao cấp tại Hà Nội tăng 3-5%.

Tại TP. HCM, từ quý II/2019 dường như không còn căn hộ giá thấp bởi sự tăng giá, giá căn hộ trung cấp tăng 3 – 5% qua các quý, giá bán căn hộ cao cấp tại các dự án có sự chênh lệch rất lớn, một số dự án giá lên tới 250tr/m2.

- Từ thực trạng trên ông nhận định như thế nào về thị trường trong năm 2020, với việc giá cả có thể tiếp tục tăng, liệu có xuất hiện "bong bóng" bất động sản hay không?

- Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc, nhưng thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng.

Nguồn cung tại Hà Nội và TP. HCM có thể không suy giảm so với năm 2019 bởi một vài dự án lớn ở các đô thị này vẫn còn lượng hàng khá lớn chưa tung ra thị trường. Giá nhà ở và đất đai có thể sẽ tiếp tục tăng nhưng lực tăng không mạnh vì sự khan hiếm chỉ là tạm thời.

Động thái siết chặt hơn tín dụng vào bất động sản chắc chắn sẽ làm giảm lực đầu tư từ các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa bởi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dựng từ ngân hàng. Hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ diễn ra sôi động trong năm 2020.

Từ đó, sự thanh lọc thị trường cũng sẽ diễn ra rất mạnh, thị trường chỉ còn tồn tại những doanh nghiệp lớn mạnh, có tiềm năng thật sự. Nghịch lý duy nhất của thị trường Bất động sản 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bạn đang đọc bài viết 'Thị trường bất động sản năm 2020 sẽ tiếp tục giảm tốc'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.