Thứ sáu, 29/03/2024 00:12 (GMT+7)

Sức hút “miền đất hứa”, đại gia đổ xô dồn tiền vào BĐS công nghiệp

MTĐT -  Thứ năm, 04/06/2020 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng, đây là thời cơ vàng để bất động sản công nghiệp bứt phá.

Năm 2019 là cột mốc đánh dấu 10 năm liên tục tăng của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cũng trong năm 2019, số lượng các công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam tăng hơn 30%.

Đến tháng 1/2020, Việt Nam đã thu hút FDI lên đến 5,3 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa BĐS công nghiệp trở thành phân khúc đầu tư hấp dẫn.

Xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư hậu Covid-19 càng khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến top đầu Đông Nam Á, thúc đẩy mặt bằng giá thuê BĐS công nghiệp liên tục tăng mạnh.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đầy tích cực. Tính sơ bộ đến giữa năm 2019, Việt Nam có tổng cộng 326 khu công nghiệp được thành lập, 250 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế và vốn tăng thêm đạt trên 8,3 tỉ USD. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt trên 73%.

Nắm bắt được xu thế này, thời gian qua, nhiều đại gia địa ốc đã đua nhau đổ vốn vào “miền đất hứa” - bất động sản công nghiệp.

Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, Công ty CP Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) đã khởi công dự án KCN Việt Phát với diện tích hơn 1.800 ha tại tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Đáng chú ý, trong tổng diện tích hơn 1.800ha, diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha.

Đây được coi là một trong những dự án trọng điểm của Long An triển khai sau dịch COVID-19 đồng thời cũng là dự án góp phần đón đầu "làn sóng" dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 của Việt Nam nói chung.

Vingroup lấn sân sang bất động sản công nghiệp.

Trước đó, hồi tháng 3 Tập đoàn Vingroup thông báo quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes cho các công ty con là Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty Cổ phần Phát triển Thành phố Xanh để tái cơ cấu sở hữu nội bộ.

Sau khi thực hiện giao dịch, Công ty Cổ phần Vinhomes trở thành công mẹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes.

Nhưng động thái lấn sân sang bất động sản công nghiệp của Tập đoàn Vingroup đã được hé lộ ngay từ đầu tháng 2/2020. Theo đó, ngày 27/2/2020, Vingroup Ventures đã đổi tên thành Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes.

Đầu tháng 4, Vinhomes IZ đề xuất đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng) trên diện tích 319 ha, với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Tại phiên họp thường niên tổ chức tuần qua, lãnh đạo Vingroup và Vinhomes lý giải quyết định đầu tư là tận dụng cơ hội từ điều kiện vĩ mô và xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). "Vingroup xác định bất động sản công nghiệp sẽ là mảng kinh doanh chính và quan trọng trong tương lai bởi lĩnh vực này mang lại dòng tiền thường xuyên", ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup nói.

Thời cơ vàng của bất động sản công nghiệp

Có thể nói, đại dịch COVID-19 là chất xúc tác mới thúc đẩy "làn sóng" dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt dòng vốn FDI dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang ngày một rõ nét hơn. Đây cũng chính là thời cơ vàng để bất động sản công nghiệp bứt phá.

Theo TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, có 3 lý do để giải thích cho xu thế này. Thứ nhất sự ổn định về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam từ 6,5 đến 6,8%, tăng tương đối đều trong nhiều năm.

Thứ hai là tốc độ đô thị hóa cũng tương đối lớn, hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công tương đối rẻ so với các nước trong khu vực.

Thứ ba, Việt Nam được xem như là một trong những nước có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Đây có thể coi là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS công nghiệp.

“Thêm nữa, với việc là một quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất…

Trước đây, Trung Quốc là cái nôi và nhà máy của thế giới, nhưng những năm gần đây, xu hướng đang dần được dịch chuyển về phía các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam” - TS Sử Ngọc Khương nhận định.

Theo nghiên cứu mới đây của Tập đoàn Đầu tư và Dịch vụ bất động sản CBRE cho thấy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam đã tăng cao. Tại khu vực phía Nam, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 80%-90% (giai đoạn 2017-2018, tỷ lệ này khoảng 70%-80%).

Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất, đạt gần 100%; Hưng Yên gần 90%, Hải Phòng 80%...

Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung nhận định: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới”.

Theo bà, 3 yếu tố chính mở ra cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 7/2020, tạo sức hấp dẫn với cả các nhà đầu tư châu Âu cũng như nhiều quốc gia khác.  

Thứ hai chính là cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất sau dịch Covid-19 của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Thứ ba là việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo lực kéo thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Sức hút “miền đất hứa”, đại gia đổ xô dồn tiền vào BĐS công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.