Thứ năm, 28/03/2024 16:54 (GMT+7)

Số phận hơn 22ha đất vàng và bài học xương máu từ KĐT Thái Hưng

MTĐT -  Thứ ba, 05/12/2017 09:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi cứu nhà máy thép Gia Sàng, Công ty CP TM Thái Hưng đã phục hồi mẻ thép đầu tiên nhưng chỉ được mấy tháng rồi lại cho dừng sản xuất, tháo dỡ nhà máy.

Đồng thời, Cty Thái Hưng xin chuyển đổi lô đất 22,6ha từ đất công nghiệp sang đất ở để xây dựng khu đô thị phục vụ cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Số phận lô đất vàng 22,6ha của Nhà máy thép Gia Sàng sẽ ra sao? Có thông tin cho rằng, với giá đất từ khoảng 15 triệu đồng/m2 ở trung tâm TP. Thái Nguyên, Cty Thái Hưng có thể sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng nếu chuyển lô đất này sang kinh doanh bất động sản. Nhưng trong quá khứ, công ty này cũng từng để dở dang một dự án khu đô thị kéo theo nhiều hệ luỵ...

Cuộc “cứu vớt” hé lộ lợi nhuận khủng

Trong khi nhiều cổ đông “tháo chạy” khỏi Gang thép Thái Nguyên và thép Gia Sàng thì từ năm 2014 đến nay, Cty Thái Hưng lại liên tục bỏ tiền ra thâu tóm hai doanh nghiệp thép đang khủng hoảng, nợ nần chồng chất.

Riêng nhà máy thép Gia Sàng, chính thức dừng hẳn sản xuất từ năm 2013 do nợ nần hàng trăm tỷ đồng. Sau rất nhiều cuộc thương thảo, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Thái Nguyên, Ban lãnh đạo thép Gia Sàng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên (Vietinbank Thái Nguyên) đã thống nhất về việc giải quyết thi hành án bằng cách thanh lý bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp này với số tiền khởi điểm là gần 56,8 tỷ đồng để trả nợ.

Sau 6 năm, Khu đô thị Thái Hưng vẫn trên giấy

Một yêu cầu được các bên có quyền lợi liên quan đến khối tài sản của thép Gia Sàng thế chấp tại Vietinbank Thái Nguyên đưa ra là: Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất.

Tháng 7/2016, Cty Thái Hưng đã đấu giá thành công khối tài sản trên đất của thép Gia Sàng với giá 56 tỷ đồng.

Tháng 12/2016, công ty này đã đưa thép Gia Sàng hoạt động trở lại theo đúng cam kết. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau, Cty Thái Hưng bất ngờ cho dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà máy cán thép. Có thông tin cho rằng, Thái Hưng đã lập phương án xin chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất 22,6ha của thép Gia Sàng sang đầu tư bất động sản.

Lô đất 22,6ha của thép Gia Sàng nằm trên đường Cách mạng tháng 8 được coi là “đất vàng” tại TP. Thái Nguyên. Theo bảng giá đất ở tại TP. Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2019 được tỉnh này phê duyệt thì, năm 2015 giá đất trên trục đường này có giá cao nhất là 20 triệu đồng/m2. Theo tính toán nếu kinh doanh bất động sản, Thái Hưng sẽ thu về lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

Trái với cam kết

Trong khi chưa rõ quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên ra sao thì điều khiến dư luận đặt câu hỏi là vì sao Cty Thái Hưng lại được nhiều ưu ái sau khi đấu giá tài sản xong?

Cần phải nói rõ rằng, Cty Thái Hưng chỉ đấu giá thành công toàn bộ khối tài sản trên đất của thép Gia Sàng. Khi đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng tỏ rõ quan điểm chỉ tiếp tục cho tổ chức, cá nhân thuê 22,6ha đất đã giao quyền sử dụng cho thép Gia Sàng khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khối tài sản trên cam kết đầu tư tái sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các bên liên quan.

Khu đất vàng nhà máy thép Gia Sàng

Như vậy, lô đất 22,6ha không thuộc sở hữu của Cty Thái Hưng. Thế nhưng, khi bàn giao tài sản, Thái Hưng được giao luôn 4 bìa đỏ của lô đất trên. Và hơn nữa, việc công ty này còn làm trái cam kết với tỉnh Thái Nguyên khi cho tháo dỡ nhà xưởng mà chưa thông tin rõ ràng càng khiến dư luận đặt câu hỏi có điều gì khác thường từ những chủ trương này?

Nếu như khu đất vàng không được tiếp tục sử dụng xây dựng nhà máy thép thì việc định giá tài sản, tiến hành các thủ tục triển khai dự án khác sẽ phải tiến hành như thế nào để không gây thất thoát tài sản Nhà nước? Từ chỗ là đất cho thuê để sản xuất công nghiệp, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, số tiền doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất sẽ là bao nhiêu?

Những bài học xương máu

Trong một diễn biến khác, cũng cần nhắc lại, nếu như Cty Thái Hưng tiếp tục đề xuất phương án kinh doanh bất động sản như dư luận và báo chí từng phản ánh thời gian gần đây, thì thiết nghĩ UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cần xem lại lịch sử không mấy "xuôi chèo mát mái" của công ty này đối với các dự án bất động sản.

Được biết, ngày 27/6/2011, Cty Thái Hưng (chủ đầu tư) và UBND TP Thái Nguyên tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng KĐTM Việt Bắc (sau đó đổi tên là KĐT Thái Hưng) theo Quyết định số 377 ngày 18/2/2011 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo quy hoạch, khu đô thị nằm trên địa phận 2 phường: Tân Lập, Gia Sàng với diện tích quy hoạch gần 95ha, quy mô dân số dự kiến gần 8 nghìn người, gồm những khu chức năng: Công trình công cộng; khu vực dân cư; khu vực các công trình thể thao, cây xanh; khu vực hạ tầng kỹ thuật... Dự án được thực hiện trong 5 năm (2011 - 2016) với tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Suốt một năm, dự án vẫn án binh bất động thì đầu năm 2012, KĐT Thái Hưng lần này được mở rộng thêm, với tổng diện tích đất quy hoạch là 196,8ha, trong đó hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước được liên kết tạo thành mạng lưới không gian xanh, sinh thái, hệ thống dịch vụ thương mại tạo sự nhộn nhịp, sầm uất cho khu đô thị...

Thế nhưng tất cả chỉ là “bánh vẽ”, đầu năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 2332/UBND-QHXD đồng ý chủ trương để UBND TP. Thái Nguyên tổ chức lập điều chỉnh (lần 3) quy hoạch chi tiết KĐT Thái Hưng, TP Thái Nguyên.

Theo dự kiến, diện tích lập điều chỉnh quy hoạch dự án KĐT Thái Hưng lần này là trên 21ha thuộc phường Phú Xá, Tân Lập. Nội dung điều chỉnh quy hoạch gồm điều chỉnh hướng tuyến đường quy hoạch Thanh niên xung phong, giữ nguyên điểm kết nối với đường Việt Bắc và đường 3/2; điều chỉnh lộ giới đường Phú Thái nằm trong khu vực dự án từ 27m lên 48m phù hợp với hiện trạng tuyến điện cao thế 110KV hiện có. Trên cơ sở tính toán lưu lượng thoát nước mưa thực tế để tính toán quy hoạch san nền phù hợp cao độ nền khu dân cư hiện hữu.

Như vậy, KĐT Thái Hưng trước đây được giao cho Cty Thái Hưng làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch là 196,8ha. Sau gần 5 năm do không triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt nên UBND tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi dự án, giao cho TP Thái Nguyên quản lý.

Lần này, nếu như Cty Thái Hưng lại tiếp tục xin đầu tư một dự án mới, lãnh đạo tỉnh và người dân có còn đủ niềm tin vào những dự án đẹp như mơ nữa không hay rồi tất cả vẫn chỉ là trên giấy?

Thái Nguyên từng có bài học nhiều đơn vị, từ doanh nghiệp chuyên khai khoáng, luyện kim, đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước giải khát… cũng tham gia đầu tư xây dựng khu đô thị rồi để đó không triển khai, khiến hàng nghìn héc-ta đất quy hoạch xong bỏ không, gây lãng phí. Trong khi đó, phải nhìn nhận một thực tế, ở Thái Nguyên, nhiều dự án KĐT đã đầu tư nhưng không thể lấp đầy. Theo thống kê, toàn tỉnh vẫn còn cả nghìn lô đất trong các khu dân cư mới vẫn bỏ trống do người dân không có nhu cầu sử dụng.

Vừa qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua quy định siết chặt quản lý đầu tư các KĐT, khu dân cư. Hi vọng rằng với những bài học “xương máu” trong quá trình phát triển, Thái Nguyên sẽ có quyết định đúng với hơn 22ha đất vàng của nhà máy thép Gia Sàng, không để đi vào bánh xe đổ như các dự án khác./.

Bạn đang đọc bài viết Số phận hơn 22ha đất vàng và bài học xương máu từ KĐT Thái Hưng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo reatimes.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới