Thứ ba, 16/04/2024 14:50 (GMT+7)

Những dự BĐS bỏ hoang nào được Hà Nội đưa vào “tầm ngắm”?

MTĐT -  Thứ năm, 22/03/2018 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 21/3, lãnh đạo TP. Hà Nội đã họp bàn với Bộ TN-MT tìm giải pháp xử lý, thu hồi các dự án bị bỏ hoang trên địa bàn TP.

Kiên quyết thu hồi

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã mời lãnh đạo các Tổng Công ty được cấp đất ở khu vực quận Cầu Giấy nhưng bỏ hoang lên gặp gỡ, đối thoại song đến nay đã quá hạn cam kết của các đơn vị này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung mong muốn Bộ TN-MT hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất này để tránh lãnh phí.

Đồng tình với kiến nghị này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, "Sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng, vi phạm thì dứt khoát trả lại cho thành phố để tạo nguồn lực".

Trước đó, Hà Nội đã tiến hành rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Nhưng đến hạn cuối, mới có  21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ANTĐ.

Kết quả rà soát cho thấy, hiện mới có 1 lô đất đã thực hiện xây dựng trụ sở đúng quy hoạch được duyệt là trụ sở Tổng cục Hải Quan (lô 21 - E3). Có hai đơn vị đang thi công công trình là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam.

Có 9 đơn vị cam kết đầy đủ các yêu cầu của TP và vẫn còn nhu cầu triển khai dự án trong giai đoạn 2018 – 2022, là: Công ty CP Hanel, Công ty CP Đầu tư xây dựng Hưng Hải Thăng Long, Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Agribank…

Có 2 đơn vị cam kết thực hiện, nhưng không ghi cụ thể thời gian là Công ty CP Đầu tư Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Có 8 đơn vị đề nghị tiếp tục thực hiện dự án, nhưng thiếu cam kết, hoặc không có báo cáo tài chính, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Công ty CP Viễn thông Hà Nội, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Công ty CP Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex)…

Có 2 đơn vị không thực hiện việc báo cáo là Công ty TNHH  SBIC - CFTD và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Nhất. Trong đó, với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Nhất, Sở KH&ĐT đã gửi đúng địa chỉ đăng ký hoạt động nhưng bị trả về, tra tìm trên mạng internet không có địa chỉ liên lạc. Ngoài ra, có một doanh nghiệp lớn vẫn đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án nhưng không có cam kết, không nộp báo cáo tài chính là Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam.

Hà Nội vẫn còn tồn tại hàng loạt dự án bỏ hoang. Ảnh minh họa: Internet.

Ủng hộ nhưng cần thận trọng

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng rất hoan nghênh quyết tâm này của lãnh đạo Hà Nội.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng khi thực hiện rà soát, thu hồi Hà Nội cần xác định rõ nguyên nhân, phân loại từng trường hợp để có hướng xử lý thích hợp.

Ông lấy ví dụ, có trường hợp là do đầu tư không gặp thời, chủ đầu tư không vay được vốn, cũng có thể do thị trường biến động, dự án không còn thích hợp triển khai, cũng có trường hợp là do ôm đất chờ thời cơ kiếm lợi... Vì vậy, thành phố phải đánh giá thận trọng.

Ngoài ra, TS Liêm còn lưu tâm tới câu chuyện hậu thu hồi trong quá trình xử lý các dự án.

Mỗi dự án có một hoàn cảnh, nhưng giả sử bây giờ thành phố thu hồi dự án ở trung tâm Thủ đô nói trên, vậy sau thu hồi sẽ làm gì? Chẳng lẽ để không, đắp chiếu hay thành sân vận động?".

TS Liêm cho biết, giải quyết vấn đề hậu thu hồi các dự án ôm đất rất khó. Đất đó Thành phố phải đấu giá hay giải quyết thế nào, để làm gì... tất cả đều phải tính toán kỹ càng. Đặc biệt, khi thu hồi dự án, Hà Nội phải tính đến phương án trả lại tiền vốn cho chủ đầu tư. Chi phí ấy ai trả? lấy tiền ở đâu?...

Quyết định này của Hà Nội nhận được sự ủng hộ từ giới chuyên gia. Ảnh minh họa: Internet.

“Có lợi ích nhóm”?

Thực tế hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn tồn tại hàng ngàn dự án bỏ hoang được giao đất lâu nhưng dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Mặc dù hàng năm TP Hà Nội đều giao kế hoạch cho Sở TN&MT tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn và thanh, kiểm tra đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực trạng các dự án bỏ hoang vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đây là hậu quả của việc quá dễ dãi trong vấn đề cấp đất, phê duyệt cho các dự án. Ở đây sự dễ dãi này bộc lộ 2 vấn đề.

Thứ nhất, là khả năng quản lý của chúng ta kém. Thứ hai là có lợi ích nhóm ở đấy. "Có lợi ích nhóm ở đó nên có nhà đầu tư thậm chí sau khi có đất rồi họ không làm họ sang tay chuyển nhượng kiếm tiền có thể gấp nhiều lần giá trị ban đầu. Thành phố cần khẩn trương thu hồi và xử phạt thật nặng nếu chủ đầu tư không tái khởi động lại dự án. Bởi phạt nặng đảm bảo tính minh bạch trong quản lý đô thị, quản lý đất đai”, ông Tùng nói.

Tổng hợp theo (Tiền Phong, Đất Việt)

Bạn đang đọc bài viết Những dự BĐS bỏ hoang nào được Hà Nội đưa vào “tầm ngắm”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới