Thứ tư, 24/04/2024 07:01 (GMT+7)

Luật Xây dựng (sửa đổi): Rộng cửa cho doanh nghiệp BĐS

MTĐT -  Thứ ba, 23/06/2020 17:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XIV, với 449/462 đại biểu QH có mặt tán thành (chiếm 97,18% đại biểu biểu quyết), QH đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Ảnh: TTXVN.

Chia sẻ về Luật Xây dựng (sửa đổi), ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cho rằng, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã mở rộng cửa cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến xây dựng, bất động sản khi giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau phần thiết kế cơ sở các công trình xây dựng trong dự án nhà ở.

Cụ thể, trước đây, theo quy định của Luật Xây dựng 2014, trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng), chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định cả hai bước thiết kế: Thứ nhất là bước thẩm định thiết kế cơ sở, thứ hai là bước thẩm định thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở rồi sau đó mới được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Đến nay, theo quy định trong Luật Xây dựng (sửa đổi) thì công tác thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp GPXD.

Một điểm nữa được ông Lê Hoàng Châu hoan nghênh là việc mới đây, Bộ Xây dựng đã cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ này được thực hiện công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 m.

Động thái này đã được các doanh nghiệp bất động sản rất hoan nghênh, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Rất mừng là giờ đây các chủ đầu tư dự án nhà ở có công trình cấp I trên địa bàn TP HCM, TP Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ không còn phải ra tận Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây".

Chia sẻ với báo KTĐT, KTS Lê Hồng Hiếu - Hội KTS Việt Nam cho biết, việc tích hợp các quy trình cấp phép như vậy sẽ giảm đi rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp, đồng thời những chí phí cho hoạt động đầu tư xây dựng cũng sẽ được giảm bớt đáng kể.

“Sự thay đổi này được cho là hết sức tích cực, tuy nhiên trong thời gian tới Bộ Xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu và giảm bớt các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng để đông bộ với các điều, khoản của Luật, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Hiếu nhìn nhận.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho biết để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19, một số quy định của luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020.

Cụ thể, các quy định sẽ có hiệu lực sớm từ 15/8/2020 gồm: Quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; Quy định về miễn GPXD đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật; dự án đầu tư xây dựng đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực...

Luật Xây dựng sửa đổi cũng đã quy định rõ 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm: Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp; các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, và một số cơ quan từ trung ương, tới địa phương quyết định đầu tư...

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Luật Xây dựng (sửa đổi): Rộng cửa cho doanh nghiệp BĐS. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới