Thứ sáu, 29/03/2024 02:43 (GMT+7)

Lo ngại làn sóng 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận sau Cocobay Đà Nẵng

MTĐT -  Thứ tư, 27/11/2019 12:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" về cam kết lợi nhuận đã dấy lên nhiều lo ngại về làn sóng “vỡ trận” Condotel trong khi khi pháp lý của loại hình này chưa rõ ràng.

Cùng với sự phát triển du lịch, những năm qua loại hình condotel ngày càng nở rộ nhất là tại các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Sầm Sơn, Vũng Tàu... Trong đó, tại Đà Nẵng, nguồn cung condotel tăng mạnh nhất, vượt cả tỷ lệ khách sạn, resort ở đây. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, địa phương này có tổng nguồn cung condotel lên đến hơn 6.700 căn.

Do được quảng cáo từ việc cam kết lợi nhuận cao (10-12%) từ các chủ đầu tư nên từ khi ra đời, condotel đã nhanh chóng thu hút được chủ đầu tư. Thế nhưng, sau quãng thời gian phát triển rầm rộ khắp cả nước, các dự án condotel đang dần bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Cụ thể là đến loại hình bất động sản này vẫn chưa được cơ quan quản lý cấp chứng nhận rõ ràng, tính pháp lý vẫn để ngỏ.

Đặc biệt, nếu như hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có căn cứ rất rõ ràng về các điều khoản được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản thì trong hợp đồng mua bán Condotel lại chỉ có thể dựa vào Luật Dân sự trên cơ sở những thoả thuận của hai bên chủ đầu tư và khách hàng nên việc xảy ra "thất hứa" hoặc tranh chấp là khó tránh khỏi.

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) có văn bản gửi khách hàng xin lỗi vì không thể thực hiện chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng ký kết là 12%/năm đối với dự án Cocobay Đà Nẵng.

Cocobay Đà Nẵng cũng là dự án Condotel đầu tiên mà chủ đầu tư thất hứa với khách hàng về cái gọi là "cam kết lợi nhuận" khi hai bên ký hợp đồng mua bán.

Cú sốc với nhà đầu tư

Việc Cocobay Đà Nẵng chấm dứt việc chi trả lợi nhuận 12%/năm như đã cam kết đã tạo nên một “cú sốc” đối với những nhà đầu tư đã đầu tư vào loại hình này. Bởi với họ tin tưởng vào việc chi trả phần lợi nhuận hàng năm mà chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng.

Thực tế, trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng, hàng loạt các dự án BĐS cũng đang được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận như: Dự án nghỉ dưỡng Ohara Lake View tại Lương Sơn, Hoà Bình chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Nghỉ dưỡng Việt Nhật cam kết lợi nhuận 12% mỗi năm trong 15 năm; Dự án Kai Resort tại Kỳ Sơn, Hòa Bình (giá bán 2,6 tỷ đồng mỗi lô biệt thự) được Tập đoàn Zen Group cam kết lợi nhuận 12,5% mỗi năm trong 10-15 năm và cũng thanh toán tiền thuê trước 4 năm, trừ thẳng vào giá bán; Dự án Condotel Sapphire Hạ Long cũng đang áp dụng chính sách cam kết lợi nhuận 10% trong vòng 5 năm...

Gần đây nhất, tại Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né do Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư và có sự góp vốn của Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Apec Group), khách hàng cũng được chủ đầu tư hứa hẹn sở hữu sổ hồng 50 năm và cam kết tỉ lệ lợi nhuận 12%/năm tính theo giá bán căn hộ, thời gian cam kết 5 năm.

Được biết, Apec Mandala Wyndham Mũi Né không phải là dự án căn hộ đầu tiên do Apec group làm chủ đầu tư áp dụng chính sách này. Có thể kể đến dự án Apec Aqua Park Bắc Giang đang được Tập đoàn Apec cam kết mức lợi nhuận 10 - 12%/năm cho khách hàng trong 5 – 10 năm. Tại Dự án Royal Park Bắc Ninh, Apec cũng đang cam kết lợi nhuận 12%/năm. Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng của Apec Group tại Mũi Né, Huế, Ninh Thuận, Lạng Sơn... cũng đang được chủ đầu tư này áp dụng chính sách cam kết lợi nhuận tương tự.

APEC Mandala Wyndham Mũi Né.

Chiêu trò “câu khách” của chủ đầu tư

Nói về mức lợi nhuận mà chủ đầu tư đã cam kết, từng chia sẻ với Vnexpress, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, Châu Á Thái Bình Dương cho rằng mức cam kết lợi nhuận cho thuê lên đến 10%, thậm chí 12%, trong 5 đến 10 năm, như được quảng cáo ở Việt Nam là quá cao. Vị này cho rằng, với condotel, 5% đã là một tỷ lệ sinh lợi từ vận hành cho thuê rất tốt bởi ở các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan và Bali (Indonesia) cũng không thể tới con số 10% như vậy.

"Condotel thường khó đạt tỷ suất sinh lợi cao bởi đặc tính của sản phẩm này đòi hỏi các dự án phải có các tiện ích và khả năng vận hành như một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng thông thường mới cạnh tranh được trên thị trường", chuyên gia này giải thích.

Dù khẳng định mô hình condotel có thể rất hấp dẫn đối với cả người mua và chủ đầu tư nhưng ông Mauro Gasparotti khuyến cáo nếu lựa chọn phát triển mô hình này, chủ đầu tư cần hoạch định tốt cũng như thực hiện nghiên cứu khả thi ngay từ ban đầu để có thể có được một sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường, khả năng tài chính cũng như đảm bảo vận hành tốt trong tương lai.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Savills cũng từng phân tích về câu chuyện lợi nhuận condotel. Theo ông Hiển, thời điểm bùng nổ condotel từ khoảng thời gian 2014-2018, khá nhiều chủ đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng lựa chọn phương thức cam kết lợi nhuận để thu hút NĐT. Hầu hết các dự án trên thị trường đều đưa ra mức cam kết lợi nhuận dao động phổ biến khoảng 8%-12%/năm trong vòng 5-10 năm.

Thế nhưng, thực tế hai năm qua đã có rất nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi đến hạn chủ đầu tư không trả lãi như cam kết, hoặc chậm trả lãi, kéo dài thời gian trả lãi khiến nhà đầu tư bị chôn vốn.

“Việc cam kết lợi nhuận chỉ là hình thức câu khách của chủ đầu tư. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí cam kết lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Đáng nói, những chủ đầu tư cam kết lợi nhuận cao thường là những đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng. Khi ký hợp đồng, họ có thể hứa hẹn rất nhiều nhưng khi đến hạn đều khó thực hiện như đã cam kết”, ông Hiển khẳng định.

Hay bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, cam kết lợi nhuận là con dao hai lưỡi, là công cụ bán hàng giúp chủ đầu tư thu hút người mua. Có một thực tế là cam kết càng cao, có thể càng dễ bán hàng nhưng đồng nghĩa với tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mức lợi nhuận 8-12%/năm chỉ có thể đạt khi thị trường không có sự cạnh tranh. Còn nếu có sự cạnh tranh gay gắt thì mức lợi nhuận chỉ có thể đạt 6%/năm. Đặc biệt, hiện chưa có cơ chế bảo vệ người mua trong trường hợp chủ đầu tư không tuân thủ cam kết.

 Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Lo ngại làn sóng 'vỡ trận' cam kết lợi nhuận sau Cocobay Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.