Thứ ba, 23/04/2024 20:05 (GMT+7)

HoREA bác bỏ đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng

MTĐT -  Thứ bảy, 15/06/2019 11:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngay sau đề xuất của BXD, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) đã có văn bản nêu ý kiến liên quan đến việc giao cho chủ đầu tư quản lý, vận hành nhà chung cư hoặc cho đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.

Theo VTC news, tại phiên thảo luận Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay trên cả nước có tổng cộng 4.422 chung cư, trong đó 458 chung cư có tranh chấp, chiếm khoảng 10%.

Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; không thống nhất đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; một số chủ đầu tư không minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì; trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị; chất lượng công trình; phí dịch vụ...

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở để bổ sung hai mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư. Với mô hình thứ nhất, chủ đầu tư sẽ tự quản lý, vận hành nhà chung cư và tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Mô hình thứ hai là giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.

HoREA cho rằng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng bổ sung hai mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư của Bộ Xây dựng là không cần thiết.

Theo Bộ Xây dựng, nếu có hai mô hình này, việc quản lý nhà chung cư sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Việc chọn mô hình nào, chủ đầu tư hay đơn vị chuyên nghiệp thực hiện là do cộng đồng dân cư ở nhà chung cư tự quyết định và vẫn phải có sự giám sát của cộng đồng thông qua Ban quản trị nhà chung cư.

Ngay sau đề xuất này, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản nêu ý kiến về đề xuất của Bộ Xây dựng liên quan đến mô hình giao cho chủ đầu tư quản lý, vận hành nhà chung cư hoặc giao cho đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.

HoREA cho rằng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể được lựa chọn để quản lý, vận hành nhà chung cư, nếu hội đủ 3 điều kiện: có chức năng quản lý, vận hành nhà chung cư; có năng lực quản lý, vận hành nhà chung cư; được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn.

"Do vậy, Hiệp hội đề nghị không cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở để bổ sung mô hình chủ đầu tư tự thực hiện quản lý, vận hành nhà chung cư, vì nếu làm như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc dân chủ cơ sở, có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu chung cư. Vấn đề cần đặt ra là khâu thực thi pháp luật nhà ở và chủ đầu tư tham gia ứng tuyển làm đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư, để Hội nghị nhà chung cư xem xét lựa chọn", đại diện HoREA nhận định.

Cụ thể, khoản 1.a Điều 105 Luật Nhà ở quy định: "Đối với nhà chung cư có thang máy thì do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện".

Khoản 3.d Điều 102 Luật Nhà ở quy định: "Quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chủ đầu tư không có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư hoặc có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhưng không tham gia quản lý vận hành hoặc tham gia quản lý vận hành nhưng không đáp ứng được các yêu cầu như đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với Ban quản trị nhà chung cư".

Khoản 2.a Điều 20 Thông tư 02/2016 quy định: "Trường hợp chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư có thể được hội nghị nhà chung cư bầu làm Trưởng ban quản trị nhà chung cư; trường hợp không được bầu làm Trưởng ban thì được tham gia làm Phó ban quản trị nhà chung cư".

Do đó, HoREA cho rằng không cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở để bổ sung mô hình chủ đầu tư tự thực hiện quản lý, vận hành nhà chung cư. Vì nếu làm như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc dân chủ cơ sở, có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và các chủ sở hữu chung cư.

Nếu phải sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở HoREA cho rằng,cần sửa đổi theo hướng quy định kinh phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư gồm: hệ thống kết cấu chịu lực như khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm. Các phần sở hữu chung còn lại thì sử dụng kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư để bảo trì.

Ngoài ra, nên sửa đổi theo hướng yêu cầu doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư phải chứng minh năng lực tài chính, để có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bên thứ ba trong trường hợp xảy ra sự cố gây thiệt hại về người và tài sản.

Trước đó, Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở để sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể trong đó có việc nghiên cứu Nhà ở xã hội cho cán bộ công chức, viên chức.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015 của Chính phủ đã có nhiều quy định về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển Nhà ở xã hội (miễn tiền đất, giảm các loại thuế, hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, cho vay tín dụng ưu đãi lãi …) nhằm hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở, trong đó đã có các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các quy định, chính sách này đang được triển khai thực hiện, đến nay mới được gần 4 năm.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải quán triệt chủ trương, thể hiện rõ nội dung, quan điểm chỉ đạo của Đảng để có sự thống nhất về nhận thức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của xã hội, tránh tình trạng cho rằng Nhà nước có sự phân biệt, ưu đãi hơn về nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong khi Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị (do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì) đến nay chưa được Bộ Chính trị thông qua.

Mặt khác, chính sách nhà ở, đất ở đối với cán bộ, công chức, viên chức không chỉ liên quan đến Luật Nhà ở mà còn liên quan tới các quy định của Luật Đất đai, cần phải được sửa đổi đồng bộ, thống nhất, trong khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép lùi thời hạn đến sau năm 2020.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức cũng có liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức, cán bộ (Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức), trong khi các Luật này cũng chưa được sửa đổi, bổ sung.

Từ những lý do trên, để việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, có sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, được xã hội đồng tình ủng hộ, tránh tình trạng cho rằng có sự phân biệt về cơ chế, chính sách nhà ở và để thống nhất, đồng bộ với các pháp luật có liên quan.

Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở đến thời điểm sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án nêu trên theo đúng ý kiến đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10531/VPCP-PL ngày 30/10/2018 của Văn phòng Chính phủ.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết HoREA bác bỏ đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới