Thứ tư, 24/04/2024 05:09 (GMT+7)

Hải Phòng đề xuất gán cả đất lịch sử, cần được bảo tồn cho Hoàng Huy

MTĐT -  Thứ tư, 27/05/2020 14:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong 99ha “đất vàng” đổi lấy 2 chung cư, Hải Phòng còn đề xuất lấy cả nhà biệt thự 2 tầng có giá trị lịch sử, văn hóa cần bảo tồn cho Công ty Hoàng Huy.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Hải Phòng “bán” đất công giá bèo cho CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy. Theo đó, để triển khai kế hoạch cải tạo chung cư cũ, từ năm 2017 đến nay TP. Hải Phòng đã thực hiện 4 dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Đặc biệt, Hải Phòng dùng 99 ha đất tại các vị trí đắc địa để thanh toán với giá khá thấp. Cụ thể: 5,1 ha tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Sông Cấm để Hoàng Huy triển khai dự án bất động sản (BĐS) Hoàng Huy Riverside gồm dãy nhà liền kề và biệt thự hiện đại.

Giá nhà ở đây được rao bán khoảng 35 triệu đồng/m2, dao động từ 5 - 18 tỉ đồng/căn. Trong khi giao cho chủ đầu tư, Hải Phòng chỉ định giá khu đất này có 194,378 tỉ đồng, tương đương 3,8 triệu đồng/m2.

Công ty Hoàng Huy cũng được giao hai khu đất khác, gồm khu đất tại trụ sở cũ của UBND Q.Hồng Bàng, số 42 Lê Đại Hành, rộng 0,8 ha (TP Hải Phòng tạm định giá là 64,7 tỉ đồng giá trị tài sản trên đất và 290,58 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ là 36,32 triệu đồng/m2); khu đất tại số 199 Tô Hiệu được tạm định giá tiền tài sản trên đất là 19,57 tỉ đồng và 65,99 tỉ đồng tiền đất, trung bình giá trị đất chỉ xấp xỉ 22 triệu đồng/m2.

Hiện đất tại các khu này có giá dao động từ 150 - 250 triệu đồng/m2, tùy vị trí và diện tích.

Báo cáo rõ với Thủ tướng

Liên quan đến sự việc, theo báo Thanh niên, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến đổi đất vàng thanh toán cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình tại TP.Hải Phòng.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hải Phòng nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ ý kiến của Bộ Tài chính góp ý cho văn bản kiến nghị của địa phương này về việc dùng trụ sở làm việc cũ để thanh toán cho dự án.

Theo đó, trong văn bản góp ý với Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của Hải Phòng, Bộ Tài chính đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng giao TP.Hải Phòng rà soát quỹ đất, trụ sở làm việc dự kiến sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; rà soát cơ sở pháp lý của việc dự kiến sử dụng 3 trụ sở làm việc cũ trong 15 vị trí dự kiến theo Thông báo 255 TB-UB ngày 29.9.2017 của Ban thường vụ Thành uỷ để thanh toán hợp đồng BT dự án cải tạo chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm - chung cư HH3-HH4 phường Đồng Quốc Bình.

Bên cạnh đó Bộ Tài chính đề nghị TP.Hải Phòng cần rà soát việc thực hiện, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với 2 trụ sở làm việc cũ dự kiến báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định (gồm trụ sở Q.Hồng Bàng cũ tại 42 Lê Đại Hành; trụ sở Đài PT-TH Hải Phòng tại 199 Tô Hiệu) theo quy định tại Quyết định 09 năm 2007 của Thủ tướng (nay là Quyết định 167 năm 2017 của Chính phủ).

Đáng chú ý, qua rà soát hồ sơ, Bộ Tài chính thấy có 1 cơ sở nhà, đất tại 22 Phan Bộ Châu, Q.Hồng Bàng; đã được Bộ Tài chính có quyết định từ năm 2016 điều chuyển trụ sở làm việc của Viện Kiểm soát nhân dân TP.Hải Phòng về địa phương quản lý, sử dụng.

Tại quyết định này ghi rõ “để bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước của địa phương”; đồng thời, tại Công văn 1681 ngày 14/9/2016 gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, TP.Hải Phòng nêu do cơ sở nhà đất tại 22 Phan Bội Châu có hạng mục nhà biệt thự 2 tầng thuộc danh mục nhà biệt thự có giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hoá cần được bảo tồn.

Nay, UBND TP.Hải Phòng báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hải Phòng đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới và dự kiến sử dụng cơ sở nhà đất tại 22 Phan Bội Châu để thanh toán hợp đồng BT xây dựng chung cư cũ nhưng không đưa vào danh mục báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Việc này, đề nghị Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP.Hải Phòng bổ sung báo cáo rõ với Thủ tướng để được xem xét, xử lý đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính bày tỏ.

Căn cứ vào đâu bán đất “giá bèo”?

Cho ý kiến về vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng có rất nhiều điều khuất tất, mờ ám trong vụ việc này.

“Hỏi người dân ai cũng rõ, mức giá mà Hải Phòng bán cho nhà đầu tư là quá rẻ. Trong khi nhà đầu tư lại bán ra với giá cao gấp hàng chục lần. Vậy Hải Phòng căn cứ vào đâu, định giá như thế nào để ra mức 3,8 triệu đồng/m2? Ở đây phải công khai, minh bạch, phải trả lời cho người dân, vì đất là đất công, tài sản nhà nước. Giá đó tôi có thể khẳng định không đúng với nguyên tắc của thị trường”, ông Long nói.

Theo ông Long, các cơ quan chức năng cần phải cuộc để làm rõ có lợi ích nhóm trong đó không. Vì theo quy định, kể cả khi được phép chỉ định thầu, chủ đầu tư và doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật về quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước.

Theo PGS - TS Nguyễn Đình Hòa, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, bản chất dự án BT là hoạt động mua - bán, nhưng không theo cơ chế thị trường. Giá cả dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường.

“Con số cuối cùng luôn luôn phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phê duyệt. Đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng”, ông Hòa bày tỏ.

Đấu thầu "quân xanh, quân đỏ"?

Liên quan đến câu chuyện Công ty Hoàng Huy trúng thầu cả 3 dự án cải tạo chung cư cũ dưới hợp đồng BT của Hải Phòng, chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, có một thực tiễn trong câu chuyện đấu thầu ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, đó là đấu thầu "quân xanh, quân đỏ". Bằng cách nào đó, buộc những người muốn tham gia đấu thầu không đến đấu thầu hoặc loại bỏ hồ sơ của họ.

Do vậy, ông Thịnh cho rằng, nếu đã tổ chức đấu thầu thì cần làm rõ có thực trạng thông thầu, khống chế thầu nhằm thâu tóm dự án ở đây hay không, hay chính quyền địa phương lại triển khai theo hình thức chỉ định thầu.

“Rõ ràng, đối với việc lựa chọn chủ đầu tư để ký kết hợp đồng BT thì việc công khai, minh bạch phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không công khai, minh bạch thì đấu thầu cũng như không”, ông Thịnh nói thêm.

Theo vị chuyên gia kinh tế, câu chuyện định giá đất đai hay những tài sản công cũng phải công khai, minh bạch, để xác định giá thực tế của khu đất đó là bao nhiêu. Chứ không thể có chuyện, tiền đền bù chỉ có vài trăm nghìn/m2 nhưng doanh nghiệp lại ăn chênh cả trăm lần khi bán lại với giá thị trường.

“Và rõ ràng, để minh bạch thì các khu đất đối ứng đó cũng phải được mang ra đấu giá, có như vậy thì mới không làm thất thoát đất đai, giá mới theo thị trường được.

Và nếu 99ha đất đó được mang ra đấu giá thì có thể cải tạo thêm hàng chục căn chung cư và các hạ tầng khác nữa chứ không chỉ mỗi hai tòa chung cư như hợp đồng BT này.

Còn nếu không đấu giá, mà áp giá Nhà nước vào chẳng hạn thì không thể chấp nhận được. Thực tế, nếu dùng 99ha đất để đổi lấy việc cải tạo hai tòa chung cư cũ thì ai cũng có thể nhìn thấy việc định giá đất ở đây là quá bèo”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Theo ông Thịnh, cũng phải đặt ra câu hỏi, ai là người đưa ra đề xuất cải tạo chung cư này, và ai là người xác định giá trị đầu tư hay là chính chủ đầu tư đề xuất và “đề nghị” luôn cả các khu đất đối ứng để “gợi ý” cho chính quyền? Thực tế đã có những trường hợp như vậy nên câu chuyện này cũng cần phải làm rõ.

“Tất cả mọi người dân đều biết cả nên nếu thực tế có chuyện như vậy thì sẽ gây bức xúc trong dân rất lớn”, vị chuyên gia nói thêm.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng đề xuất gán cả đất lịch sử, cần được bảo tồn cho Hoàng Huy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới