Thứ ba, 16/04/2024 18:30 (GMT+7)

Hải Phát Invest: Sóng gió vẫn “âm ỉ” đốt cháy niềm tin

MTĐT -  Thứ năm, 19/07/2018 21:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáp nhập các công ty con, công ty liên kết vào hệ thống và tăng vốn điều lệ là một phần trong chiến lược của Hải Phát những năm tới.

Muốn thâu tóm Cienco 5 và Hải Phát Thủ Đô

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) đã tổ chức buổi gặp mặt các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư trước thềm niêm yết cổ phiếu HPX sáng ngày 6/6.

Đại diên của Hải Phát Invest cho biết, dự kiến niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 6. Tuy nhiên mức giá tham chiếu phiên đầu tiên và ngày niêm yết vẫn chưa được chốt. Về kế hoạch kinh doanh, trong ba năm tới Hải Phát Invest đặt mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ với lợi nhuận sau thuế đạt 950 tỷ.

Trong kế hoạch, Hải Phát dự kiến sẽ nâng sở hữu tại một số công ty con, công ty liên kết để hợp nhất kết quả kinh doanh vào công ty mẹ. Theo đó, hai công ty được ưu tiên gia tăng sở hữu thời gian tới là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) và Hải Phát Thủ Đô - đơn vị "hồi sinh" một phần dự án Usilk City.

Theo đại diện công ty, hiện Hải Phát Invest và người có liên quan sở hữu 60% tại Cienco 5 và Hải Phát Thủ Đô, trong đó tỷ lệ sở hữu trực tiếp của Hải Phát Invest chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong thời gian tới, công ty này sẽ mua thêm 40% tại mỗi công ty để nâng sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên 100% vốn.

Nói thêm về việc "thâu tóm" dần Cienco 5, khoảng vài năm trước, Cienco 5 dự kiến IPO 14,2 triệu cổ phần, tương đương 32,38% vốn điều lệ. Kết thúc đợt chào bán, Cienco 5 chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần (tỷ lệ đấu giá thành công là 13,35%) cho 8 nhà đầu tư (chỉ có 1 NĐT tổ chức), thu về cho Nhà nước tổng giá trị 19,2 tỷ đồng.

Kịch bản này không quá bất ngờ khi cùng thời điểm, nhiều doanh nghiệp của Bộ GTVT, đặc biệt là các Cienco "thời ra ở riêng" luôn gặp khó khăn.

Sau phiên IPO, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ phương án bán cổ phần theo lô để giảm tỷ lệ sở hữu về mức 35% theo dự định ban đầu.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2015, phiên đấu giá trọn lô Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 -CTCP (Cienco 5) đã diễn ra suôn sẻ, giá trị lô CP bán được cao gần gấp đôi giá khởi điểm (giá khởi điểm đưa ra là 10.010 đồng/CP). Trong ba nhà đầu tư được lựa chọn kỹ lưỡng theo những tiêu chuẩn cao mà Cienco 5 đưa ra, CTCP Đầu tư Hải Phát đã nhanh tay bỏ giá cao gấp đôi giá khởi điểm để sở hữu 10.176.000 cổ phần – tương ứng 23,18% vốn của Cienco 5.

Việc Hải Phát ôm trọn lô cổ phiếu, vượt mặt cả CTCP Nam Trí – một đại gia đã đánh tiếng thâu tóm mua lại toàn bộ 63,18% vốn Nhà nước trước đó, có thế mạnh là công ty duy nhất của Bộ GTVT hoạt động trên lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông nằm trên địa bàn Miền Trung và Tây Nguyên.

Động thái này khiến phiên đấu giá trọn lô thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi so sánh với Cienco 6 – doanh nghiệp “đồng hạng” và có nhiều điểm chung với Cienco 5 cũng đấu giá theo lô 45,695 triệu cổ phiếu nhưng giá đấu thành công chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm rất ít.

Trước thắc mắc của đại diện VNDirect về nguồn lực để thực hiện dự án, ông Thuận cho biết thông thường chủ đầu tư chỉ cần có phần vốn đối ứng 20-30% tổng mức đầu tư, còn lại sẽ được huy động thông qua nguồn vốn tín dụng hoặc nguồn tài trợ khác. Với Hải Phát, doanh nghiệp này hiện có mối quan hệ tín dụng với VietinBank và SHB để chuẩn bị vốn cho một số dự án sắp triển khai. Bên cạnh đó, sau khi niêm yết, Hải Phát cũng sẽ phát hành trái phiếu và tăng vốn điều lệ.

Tăng vốn lên 2.500 tỷ đồng sau khi lên sàn

Cũng tại buổi gặp mặt nhà đầu tư trước thềm niêm yết, CTCP Đầu tư Hải Phát cho hay, trong năm nay, công ty niêm yết cổ phiếu trên HOSE, sau đó tăng vốn lên 2.500 đồng.

Quá trình tăng vốn điều lệ được chia làm hai giai đoạn. Bước một, Hải Phát tăng từ 1.500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức, phát hành cho cổ đông. Bước hai, Công ty tăng vốn từ 2.000 lên 2.500 tỷ đồng qua phát hành riêng lẻ.

Cùng với tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, trong năm nay, Công ty còn phát hành trái phiếu quy mô 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm. Năm đầu tiên dự kiến lãi suất dưới 11%, các năm sau mức lãi suất 3,5-3,7% có tài sản đảm bảo để huy động nguồn vốn phục vụ các dự án.

Các phương án huy động vốn kỳ vọng thu về 3.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư, vốn đối ứng của chủ đầu tư khoảng 20 – 30%, còn lại sẽ là các nguồn tài trợ khác.

Cũng phải nhìn nhận thực tế, số lượng doanh nghiệp huy động được vốn trên thị trường chứng khoán vẫn có rất ít so với hơn 1.100 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chủ yếu các doanh nghiệp huy động được vốn là những doanh nghiệp chất lượng và minh bạch.

Đặc biệt với lĩnh vực hoạt động kinh doanh đặc thù như bất động sản, câu chuyện huy động vốn thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, không chỉ về mặt hình ảnh thương hiệu, mà còn cả câu chuyện giao tiếp với cổ đông và khách hàng để có được niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng với doanh nghiệp.

Đằng sau mỗi thông số trên báo cáo tài chính của một doanh nghiệp bất động sản luôn là những câu chuyện khác nhau và vì thế cổ đông sẽ rất dị ứng với những doanh nghiệp không có độ minh bạch, nhất là các khoản như tạm ứng, giao dịch với các bên liên quan...

Cách đây không lâu, nhiều cổ đông của FID và MTM đã “chết đứng” khi các công nợ giữa 2 doanh nghiệp này được xác định là "ảo", nhằm tạo ra lợi nhuận ảo để lừa dối khách hàng. Đã không ít doanh nghiệp đã thực hiện các chiêu trò, sử dụng các biện pháp đẩy, đỡ giá cổ phiếu trước thời điểm gọi vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã không còn dễ dàng đặt niềm tin vào đà tăng giá trong ngắn hạn.

Bài học từ quá khứ với những câu chuyện doanh nghiệp vốn huy động rồi sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, khiến nhà đầu tư cẩn trọng hơn khi rót tiền vào doanh nghiệp. Vì vậy, những phương án tăng vốn “lạ”, những doanh nghiệp kém minh bạch khó có cửa gọi vốn qua thị trường chứng khoán. Đó cũng là bài học với các doanh nghiệp bất động sản đã và sắp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Những "lùm xùm" trong thời khắc quan trọng

Trong thời điểm nhạy cảm và quan trọng này, Hải Phát Invest lại xuất hiện nhiều thông tin khiến lòng tin của khách hàng bị ảnh hưởng bởi các sự cố tại các dự án liên tiếp nổ ra.

The Pride được coi là biểu tượng của Hải Phát Invest, đánh dấu cho sự hồi sinh của doanh nghiệp sau quãng thời gian khó khăn.

Dự án Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội). Ảnh: Internet.

Nhưng vào ngày 3/6/2018, hàng chục người dân sống tại The Pride đã không quản ngại thức đêm ngồi đối thoại với đại diện Hải Phát Invest về những bất cập như tháng máy rơi tự do, phí bảo trì "mất tích" nhiều năm, phí dịch vụ đắt đỏ, bể phốt vỡ bốc mùi hôi thối...

Còn tại dự án Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội), bức xúc của người dân đã nhiều lần đẩy lên tới đỉnh điểm. Các vấn đề về hệ thống PCCC, thiết kế, thang máy, diện tích sử dụng chung - riêng, hạ tầng kém... liên tục được đưa ra nhưng không có biến chuyển.

Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra những tố cáo vi phạm nghiêm trọng tại dự án này của Hải Phát.

Dự án Roman Plaza (Lê Văn Lương, TP. Hà Nội) cũng một quãng thời gian lùm xùm về việc Hải Phát nợ hàng trăm tỷ đồng tiền quỹ đất khiến dự án bị ảnh hưởng tiến độ.

Tại dự án Shophouse 24h (quận Hà Đông) mới đây được Hải Phát bán, những điều tiếng về pháp lý sử dụng đất, việc bán hàng với giá chênh. Trong khi tại dự án CT2-105 Hải Phát mua lại từ Sông Đà Thăng Long, những mâu thuẫn với khách hàng đã ký hợp đồng mua bán trước đó cũng chưa được giải quyết dứt điểm...

Dù các sự cố này do yếu tố khách quan hay chủ quan thì cũng khiến cho lòng tin của khách hàng vào Hải Phát bị sụt giảm nghiêm trọng.

Chính vì thế, quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Hải Phát Invest được coi là bước đi táo bạo, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đã từng thực hiện điều này nhưng không phải ai cũng thành công.

Theo An ninh tiền tệ

Bạn đang đọc bài viết Hải Phát Invest: Sóng gió vẫn “âm ỉ” đốt cháy niềm tin. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.