Thứ năm, 28/03/2024 20:54 (GMT+7)

Hà Nội tăng giá đất lên 15%: Lạc hậu và nguy cơ thất thu thuế

MTĐT -  Thứ sáu, 27/12/2019 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhận định về việc giá đất Hà Nội tăng lên 15%, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá đất này sẽ không tác động nhiều thậm chí còn lạc hậu so với thực tế đang diễn ra và sẽ gây thất thu thuế.

Tại kỳ họp 12 của HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra sáng 26/12, 94/94 đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về các loại giá đất trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2024.

Theo khung giá mới, giá đất Hà Nội sẽ tăng lên 15% từ 1/1/2020. Cụ thể, giá đất đô thị trong nội thành tối đa thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) có giá gần 188 triệu đồng/m2; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông hơn 4,5 triệu đồng hơn 4,5 triệu đồng/m2.

Giá đất đô thị trong nội thành tối đa thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ) có giá gần 188 triệu đồng/m2.

Giá đất ở đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây tối đa hơn 19 triệu đồng/m2 và thấp nhất hơn 1,4 triệu đồng/m2. Giá đất ở tại thị trấn thuộc các huyện tối đa hơn 25 triệu đồng/m2, giá tối thiểu là 1,4 triệu đồng/m2.

Giá đất nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội ở các xã giáp ranh quận cao nhất là 32 triệu đồng/m2 và tối thiểu hơn 2,2 triệu đồng/m2. Giá đất ở ven trục đường giao thông chính tối đa hơn 17 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 670.000 đồng/m2. khu dân cư nông thôn còn lại có giá tối đa là 3,2 triệu đồng/m2, tối thiểu là 495.000 đồng/m2.

UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cục Thuế thành phố dự kiến, trong giai đoạn 2020-2024, bảng giá đất điều chỉnh sẽ tăng thu cho ngân sách hơn 3.810 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cũng sẽ làm tăng chi phí đối với người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng làm các dự án của thành phố. Cụ thể như các chủ đầu tư sẽ tranh thủ tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng; các hộ dân nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.

 Tăng giá đất sẽ tăng thu cho ngân sách hơn 3.810 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo Đại đoàn kết đưa tin, nhìn nhận về việc, giá đất Hà Nội tăng lên 15%, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) cho rằng, với mức điều chỉnh tăng này bảng giá đất lần này sẽ không tác động quá lớn đến đời sống của người dân Thủ đô. Song nhìn với góc độ sản xuất kinh doanh, mức giá nhà trên thị trường đang rất cao, cho nên việc điều chỉnh bảng giá đất này sẽ không kỳ vọng sát giá thị trường đất hiện nay.

Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đất ở, theo số liệu báo cáo của Cục Thuế thành phố: Tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369,8 tỷ đồng với mức tăng khoảng 15% tương ứng khoảng 57,70 tỷ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân Thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm 1 hộ dân đóng thêm 44.385 đồng. Đồng thời, theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 01/01/2022 mới phải thực hiện điều chỉnh theo Bảng giá mới, do đó tác động của việc tăng giá đất ở tại bảng giá sẽ không nhiều.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất đai cho rằng, việc tăng giá đất này sẽ không tác động nhiều thậm chí còn lạc hậu so với thực tế đang diễn ra, bởi vì, trước khi chốt về giá khung giá đất mới, HĐND TP. Hà Nội đã từng đề xuất tăng giá đất lên 30%.

Tuy nhiên, ngay cả chốt mức tăng 30% thì vẫn còn lạc hậu và gây thất thu thuế cho nhà nước. Cụ thể, thời gian vừa qua, liên ngành thành phố đã khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương về phương án điều chỉnh giá đất. Kết quả khảo sát cho thấy có những khu vực tại quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Bông, Hàng Bạc có giá chuyển nhượng tới trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt có giá chuyển nhượng hơn 900 triệu đồng/m2. Nếu khung giá đất chỉ tăng 15% so với trước, điều này sẽ khiến ngân sách thất thu một khoản tiền thuế không hề nhỏ.

Trước đó, đánh giá về việc tăng giá đất, các chuyên gia nhận định, sẽ ít nhiều tác động đến thị trường bất động sản, giá nhà ở sẽ cao hơn, cơ hội sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp càng trở nên xa vời hơn.

Những cũng có ý kiến cho rằng, việc thay đổi khung giá đất chỉ là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá bất động sản Hà Nội, và nếu có tăng thì thực chất do yếu tố tâm lý là chủ yếu chứ không phải do thị trường, giá thành.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội tăng giá đất lên 15%: Lạc hậu và nguy cơ thất thu thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.