Thứ sáu, 26/04/2024 02:10 (GMT+7)

Ai hưởng lợi từ việc cho thuê hơn 8.000 m2 mặt đường Phạm Hùng?

MTĐT -  Thứ ba, 02/06/2020 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Điều đáng nói, không chỉ chậm trễ thu hồi diện tích đất cho thuê trái quy định, hiện khu “đất vàng” này tiếp tục bị “biến tướng” khi thời gian qua hàng loạt kiốt, nhà xưởng không phép mọc lên.

Ngày 1/6, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Ngọc Toại - Chánh Văn phòng Liên minh HTX Việt Nam cho biết, đơn vị đang làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc bàn giao lại khu đất rộng khoảng 8.000m2 mặt đường Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

"Hiện chưa chốt được thời gian cụ thể bàn giao khu đất, việc này phụ thuộc phần lớn vào phía UBND TP. Hà Nội" - ông Toại nói.

Được biết, khu "đất vàng" nằm ở mặt đường Phạm Hùng, và Dương Đình Nghệ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thuộc dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã mà Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang cho thuê làm showroom ô tô trái quy định đã diễn ra từ tháng 4/2019 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi.

Khu đất bị xẻ thị cho thuê làm showroom ô tô trái quy định

Điều đáng nói, không chỉ chậm trễ thu hồi diên tích đất cho thuê trái quy định, hiện khu “đất vàng” này tiếp tục bị “biến tướng” khi thời gian qua hàng loạt kiốt, nhà xưởng không phép mọc lên. Với hành vi này, lực lượng chức năng UBND quận Nam Từ Liêm phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đối với khu vực quây tôn làm kiốt, nhà xưởng trái phép, hiện đơn vị đang chờ giải quyết, có quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể sẽ tiếp tục thực hiện dự án trưng bày sản phẩm đúng chức năng, đúng mục đích sử dụng.

“Những kiốt từ đợt Hội chợ Xuân làm cho bà con trưng bày sản phẩm, đợt vừa rồi Liên minh Hợp tác xã đã xử lý, hiện tại giao cho 1 công ty bảo vệ quản lý”, vị này thông tin.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số công dân liên quan đến thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Đây là vụ việc liên quan đến lô đất hơn 8.000 m2 mặt đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang là showroom ô tô mà Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã từng bị Kiểm toán nhà nước kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm.

Lô đất này trước kia được Hà Nội giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống, kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tuy nhiên, sau đó nó đã biến thành showroom ô tô 2 mặt đường là phố Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ.

Tháng 6/2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan thu hồi diện tích xây dựng tòa nhà 6 tầng do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thuê không đúng quy định; rà soát đối với diện tích hơn 10.000 m2 vốn quy hoạch xây dựng tòa nhà 21 tầng, xem Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có đủ năng lực thực hiện không (nếu không sẽ thu hồi).

Theo UBND TP.Hà Nội, đến nay, ranh giới khu đất phải thu hồi đã được thành phố và Liên minh HTX Việt Nam thống nhất với diện tích khoảng 8.000 m2, ranh giới thu hồi từ đường Dương Đình Nghệ đến tường phía Đông của tòa nhà 6 tầng đến hết khu đất. Trên khu đất hiện đã xây dựng tòa nhà 6 tầng với diện tích 2.329 m2.

Trên cơ sở quyết định thu hồi đất, Hà Nội sẽ xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ để tổ chức đấu giá nhà, đất trên theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Muốn dự án treo không còn “đất sống” thì phải chỉ ra và xử lý người “chống lưng” cho nó tồn tại

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều dự án treo đang sử dụng trái mục đích. Vậy việc sử dụng này chính quyền và chủ đầu tư có nắm được hay lại đổ vấy cho người khác tự chui vào đất bỏ hoang để khai thác. Mặt khác, nguồn lợi từ những dự án treo được sử dụng trái mục đích đang chảy vào túi ai?

Trao đổi với PV về dự án treo, một luật sư xin được giấu tên chia sẻ: Muốn dự án treo không còn “đất sống” thì phải chỉ ra và xử lý người “chống lưng” cho nó tồn tại. Bởi, rất nhiều dự án treo nhiều chục năm, thậm chí gần nửa thế kỷ, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến nay vẫn không được giải quyết?

Vì sao lại như vậy? Hàng năm, các thành phố lớn đều có quy hoạch, sao vẫn để lọt những dự án treo lớn đến mức khó hiểu như vậy?

Vị này cũng chỉ rõ, ngoài các vấn đề nêu trên, năng lực chủ đầu tư sẽ quyết định tiến độ dự án nhanh hay chậm. Ở Việt Nam, chủ đầu tư có năng lực chỉ khoảng trên dưới con số 10.

Tuy nhiên, lại có rất nhiều chủ đầu tư ở mức trung bình, vốn nhỏ lại triển khai dự án lớn đến hàng ngàn tỉ đồng. Còn nguồn vốn huy động làm dự án chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, việc vay vốn tín dụng từ tín dụng ngân hàng ngày càng thắt chặt. Chính vì vậy, mà không ít dự án mới quây tôn, hoặc đang xây dang dở phải dừng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, khu đất hơn 18.000m2 ở ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thuê trong 50 năm (diện tích phải trả tiền thuê đất 12.517m2) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tuy nhiên, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lại ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh với Công ty CP Hợp tác và đầu tư Thăng Long tại khu đất nêu trên, để trưng bày sản phẩm xe sang.

Vào tháng 6/2018, Văn phòng Chính phủ cũng có thông báo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trường Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rà soát, thu hồi diện tích đất đã xây dựng toà nhà 6 tầng do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thuê không đúng quy định để đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đảm bảo công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản nhà nước.

Đối với diện tích đất chưa sử dụng (theo quy hoạch xây dựng toà nhà 21 tầng), nếu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực sự có nhu cầu sử dụng đất, có năng lực thực hiện dự án thì gia hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngày 9/4/2019, UBND TP. Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Theo UBND TP.Hà Nội, đến nay ranh giới khu đất phải thu hồi đã được TP và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thống nhất với diện tích khoảng 8.000 m2, ranh giới thu hồi từ đường Dương Đình Nghệ đến tường phía Đông của tòa nhà 6 tầng đến hết khu đất. Trên khu đất hiện đã xây dựng tòa nhà 6 tầng với diện tích 2.329 m2.

UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Liên minh Hợp tác xã hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ khu nhà 6 tầng làm cơ sở lập hồ sơ thu hồi nhà, đất nêu trên; Trên cơ sở quyết định thu hồi đất, Hà Nội sẽ xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ TN-MT, Thanh tra Chính phủ để tổ chức đấu giá nhà, đất trên theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng...

Theo Tienphong

Bạn đang đọc bài viết Ai hưởng lợi từ việc cho thuê hơn 8.000 m2 mặt đường Phạm Hùng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.