Thứ bảy, 20/04/2024 19:05 (GMT+7)

Hà Nội: Cẩn trọng cơn sốt đất ở 5 huyện sắp lên quận

MTĐT -  Thứ sáu, 01/11/2019 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thông tin 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng sẽ lên quận đang làm nóng lên thị trường bất động sản tại Hà Nội.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Riêng Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.

Thực tế, ngay từ khi thông tin lên quận của 5 huyện này mới được đề xuất, giá bất động sản tại các huyện này đã liên tục có biến động lớn. Giới đầu tư và "cò" đất tích cực hâm nóng lại các giao dịch bằng nhiều chiêu thức khác nhau như: tung tin tăng giá, thực hiện các giao dịch ảo… đẩy giá bất động sản tại các huyện trên tăng lên nhanh một cách chóng mặt, có những nơi giá rao bán đất cao gấp từ 2 – 3 lần so với thời điểm vài năm trước đó.

Nửa đầu năm 2019, số người tìm kiếm bất động sản tại Đông Anh tăng mạnh.

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những khu vực này đang được đầu tư hạ tầng đô thị như cầu, đường, các dự án khu đô thị mới quy mô lớn một cách mạnh mẽ.

Theo khảo sát của trang batdongsan.com.vn, ngay từ quý II/2019, nhà đất thổ cư ở các quận Đông Anh, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hoài Đức đang có mức độ quan tâm lớn trên thị trường.

Nửa đầu năm 2019, số người tìm kiếm bất động sản tại Đông Anh tăng mạnh, gấp từ 1,5 - 2 lần so với những tháng cuối năm ngoái. Đông Anh cũng nằm trong top những địa phương có số người tìm kiếm bất động sản lớn của cả nước.

Và từ năm 2015 - 2018, giá nhà phố tại 5 quận trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy tăng 7-17%. Trong khi đó ở quận, huyện ngoài trung tâm gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh giá nhà phố tăng từ 19% - 64%.

Còn theo Nhịp sống kinh tế, tại thị trấn Đông Anh có giá đất thổ cư tuyến đường lớn theo lời môi giới hiện vào khoảng 100 - 120 triệu đồng mỗi m2, tăng 10 - 15 giá so với cuối năm ngoái. Khu vực có tỷ lệ tăng giá được đánh giá là cao nhất là đất nền tại thôn Lễ Pháp (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2 trong khi giá bán ở thời điểm cuối năm 2017 là 15 – 17 triệu đồng/m2; tại xã Xuân Canh ghi nhận ở mức 35 – 40 triệu đồng/m2 trong khi trước đó khoảng 20 triệu đồng/m2.

Tại Gia Lâm, khu vực Kiêu Kỵ giá chào bán đất gần mặt đường rộng 5m giá 40 – 45 triệu đồng/m2, ở thời điểm trước đó có giá 28 – 30 triệu đồng/m2; tại các khu vực Cổ Bi, Đa Tốn, Phù Đổng, Yên Viên… giá cũng tăng khoảng 2 lần.

Tại các huyện khác như Hoài Đức, đầu năm 2019, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi được chào giá 120 - 130 triệu đồng/m2, trong khi cùng kì năm ngoái giá chào bán là 80 - 110 triệu đồng/m2.

Giá đất của huyện Đan Phượng tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55 - 70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10 - 25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30 - 40%.

Theo Phó tổng Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thông tin về việc các huyện được đề xuất nâng cấp đơn vị hành chính thành quận đã kích thích nhà đầu tư và môi giới tập trung vào khu vực đó, khiến cho các sản phẩm BĐS có sự gia tăng mạnh về giá. Nhưng giá trị thực của sản phẩm là dựa trên các yếu tố về hạ tầng và phân bố dân cư.

"Không phải cứ lên quận là giá cả huyện đó sẽ tăng ngay. Do đó, nếu đầu tư theo trào lưu lại đúng lúc giá đẩy lên cao thì dễ bị sa lầy", ông Đính nói. Ông lấy dẫn chứng giá nhiều mảnh trong làng xã, trong ngõ được rao bán với mức 20 triệu đồng/m2 và nhận định mức giá này vô lý, có dấu hiệu sốt ảo. Với mức giá này, thị trường sẽ không kích thích các nhà đầu tư kinh doanh thật, chủ yếu thu hút giới đầu cơ tạo sóng. "Việc đẩy giá đất lên nữa cũng không có ý nghĩa khi giao dịch thực tế tại các vùng này không nhiều", ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, với việc 5 huyện lên quận nhiều dự án cũng rục rịch tái khởi động lại, môi giới cũng dựa vào đấy để đấy giá đất. Tuy nhiên, việc triển khai khu đô thị vốn là những thông tin tích cực, khiến giá bất động sản khu vực lân cận có xu hướng tăng nhưng cũng đề phòng sốt ảo. Với trường hợp của Đông Anh sau khi BRG khởi công dự án thành phố thông minh, ông Đính cho rằng việc tăng giá sẽ không đáng kể bởi thực tế, đất Đông Anh đã được đẩy lên rất cao, thậm chí cao hơn giá trị thật từ trước đó.

Có thể nhận thấy, việc tạo “cơn sốt ảo” đều xuất phát từ những nhà đầu cơ, "cò" đất nhằm trục lợi. Vì vậy, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ cả giá chào bán và giá giao dịch thực tế, cần cẩn trọng với các hệ lụy nhãn tiền đã xảy ra ở các đợt sốt đất trước đây.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Cẩn trọng cơn sốt đất ở 5 huyện sắp lên quận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất