Thứ bảy, 20/04/2024 05:22 (GMT+7)

Giá đất tại 5 huyện sắp lên quận Hà Nội sẽ khó tăng vọt

MTĐT -  Thứ ba, 11/02/2020 11:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giới chuyên môn nhận định, khó có đợt “sốt đất” tại 5 huyện sắp lên quận như trước đây nên các chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng khi đầu tư.

Cuối năm 2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Trước đó, cuối năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.

Thông tin lên quận phần nào khiến giá đất vùng ven rục rịch tăng nhẹ. Tại Đông Anh, khảo sát trên các web mua bán bất động sản, đất nền tại đây giai đoạn từ năm 2015 tới đầu năm 2020 đã tăng thêm 40%, một số khu vực gần các dự án bất động sản lớn tăng từ 50 - 60%. Hiện nay, mức giá đất ở đây dao động từ 20 - 170 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí. 

Khu vực “hot” nhất nằm ở các trục đường chính như: mặt đường Võ Nguyên Giáp, khoảng 150 - 170 triệu đồng/ m2, càng gần cầu Nhật Tân, mức giá càng cao.

Giá đất tại huyện Đan Phượng, vị trí mặt đường các trục đường chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.

Trong khi đó, giá đất ở tại 2 huyện Hoài Đức và Thanh Trì không có nhiều biến động trong năm 2019. Ngay cả khi Hà Nội có quyết định đưa Hoài Đức lên quận vào năm 2020 và Thanh Trì lên quận vào năm 2025, giá đất ở tương đối ổn định, tăng bình quân dưới 3 - 10% ở các trục đường lớn.

Cụ thể, giá đất ở bình quân tại khu vực Thanh Trì dao động từ 15 - 70 triệu đồng/ m2, tùy từng vị trí. Trong đó, khu vực “hot” nhất Thanh Trì là mặt đường khu vực Ngọc Hồi - Văn Điển, mức giá dao động từ 50 - 80,5 triệu đồng/ m2.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn nhận định, khó có đợt “sốt đất” như trước đây nên các chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng khi đầu tư.

Chia sẻ với báo Kinh tế đô thị, anh Nguyễn Đình Vượng, trú tại thôn Tương Chúc, xã Ngũ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, hiện anh đang rao bán mảnh đất nằm trong khu dân cư với giá 25 triệu đồng/m2, gần với đường gom của Quốc lộ 1A.

“Vào cuối năm 2018, giá BĐS tại khu vực này vào khoảng 20 triệu đồng/m2. Cách đây gần nửa năm đã tăng lên 25 triệu đồng/m2 và hiện giữ ổn định. Mặc dù đường gom nằm cạnh Quốc lộ 1A đã hoàn thành nhưng khu vực này không chứng kiến giá BĐS tăng vọt như thời điểm trước năm 2019” – anh Vượng cho hay.

Dễ gặp rủi ro

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Đoàn Văn Cương, trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm dần tại khu vực trung tâm và các khu vực chuẩn bị thành quận đã được đầu tư hạ tầng tương đối hoàn thiện nên giá BĐS tại các huyện chuẩn bị thành quận nói riêng và trên địa bàn TP Hà Nội nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sẽ không có việc tăng vọt về giá như nhiều thời điểm trước đây, do người tiêu dùng đã thông minh hơn rất nhiều và những cơ chế quản lý chặt chẽ thị trường từ cơ quan Nhà nước. Vì vậy, việc đầu cơ để tăng giá kiếm lời sẽ không còn phù hợp và có thể sẽ gặp rủi ro” – ông Cương nhận định.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, thị trường tại 5 huyện được đề xuất lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Đi kèm với đất là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo.

Theo ông Đính, trước khi quyết định xuống tiền, các nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thực trạng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, dịch vụ tại khu vực đó. Đặc biệt là các thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển, kinh tế theo chủ trương của địa phương và đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, việc định giá trị bất động sản phải dựa trên nguyên tắc thực tế, nhu cầu thực sự của thị trường tránh những giao dịch ảo, rủi ro trong đầu tư.

“Hơn 10 năm trước tại Hoài Đức, Mê Linh cũng rầm rộ chuyện tăng giá đất nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đầu tư gì thêm. Hiện tại, nhiều dự án đã hoang hoá, vậy nên đừng nghĩ đến chuyện đất lên giá khi chưa có sự đầu tư đồng bộ. Tại Đông Anh vẫn là đại công trường, tất cả dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, ngoài khu vực cầu Nhật Tân và trục QL5 mới còn lại vẫn mênh mông ruộng đồng”, ông Đính nhận định.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, cần lưu ý là lộ trình 4 huyện lên quận này diễn ra từ nay đến 2025. Sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản.

Bên cạnh đó, để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành. Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Vì vậy, các hiện tượng thổi giá hay tạo sốt đất ảo nếu có xảy ra, theo thời gian sẽ được thị trường điều chỉnh để phản ánh giá trị thực.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Giá đất tại 5 huyện sắp lên quận Hà Nội sẽ khó tăng vọt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...