Thứ năm, 28/03/2024 18:38 (GMT+7)

Dự án sân Golf Lào Cai ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

MTĐT -  Thứ bảy, 10/08/2019 08:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mất đến 51% diện tích đất rừng trồng, dự án có những ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí, đất và nước…vị trí tiếp giáp sông Hồng càng khiến dự án sân golf Lào Cai trở nên kém khả thi.

Huyện Bát Xát cần có ý kiến dừng triển khai dự án?

Theo tìm hiểu, dự án sân golf Lào Cai quy mô 18 lỗ, có tổng diện tích 80ha, thuộc địa phận xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai do một đơn vị có uy tín làm nhà đầu tư. Dự án nằm trong Khu công viên vui chơi và giải trí huyện Bát Xát. Nằm cách trung tâm huyện lỵ khoảng 3km về phía Bắc.

Dự án có mặt phía Bắc và phía Đông giáp sông Hồng, phía Tây giáp suối xã Bản Qua, phía Nam giáp đồi thuộc thôn Châu Giàng, xã Bản Qua. Hiện, tỉnh Lào Cai đang đề xuất cấp phép xây dựng cho dự án này.

Dự án sân golf Lào Cai quy mô 18 lỗ, có tổng diện tích 80ha. Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, trong tổng diện tích 80ha, có đến 409.281m2 là đất rừng trồng, chiếm 51,16% tổng diện tích của dự án. Trong khi đó, Quyết định số 1946/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định rõ “Tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất của một sân golf tuyệt đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ.

Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích một sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf”.

Vài năm gần đây, Bát Xát là địa bàn chịu nhiều tổn thất về người và tài sản mỗi khi mưa lớn, lũ quét. Do đó, việc lấy đất rừng trồng để làm sân golf càng đáng lo ngại.

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, sân golf là loại hình sử dụng đất rất nhiều nhưng lại không phải là môn thể thao quần chúng mà chỉ giành cho giới nhà giàu.

Do đó, nếu làm sân golf một cách bừa bãi sẽ không những không đáp ứng được nhu cầu giải trí của quần chúng, thừa nhu cầu về du lịch, đồng thời còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

“Chính phủ hiện có chủ trương dùng đất không sử dụng được để làm sân golf chứ không được lấy đất trồng lúa, đất sản xuất nông nghiệp, hoàn toàn không được lấy đất rừng, nếu làm không đúng là vi phạm chủ trương của Chính phủ”, Nguyên Thứ trưởng nói.

Đối với dự án sân golf Lào Cai, Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ kiến nghị: “Cần phải xem lại quy hoạch cụ thể của sân golf này, nếu mô tả đó là đúng thì không nên làm sân golf tại đây, thứ nhất sử dụng đất rừng sản xuất khá nhiều. Địa thế vị trí nằm gần con sông lớn, có tác động lớn đến xã hội đến cộng đồng thì lại càng không nên.

Về nguyên tắc chúng ta chỉ khuyến khích làm sân golf ở những nơi đất không làm gì được ví dụ như bãi lầy, ven biển, vùng nhiều cát…”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho biết.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đầu tư làm sân golf sẽ có sức hút về du lịch, tạo công ăn việc làm nhưng ko nhiều lắm, không phải nơi giải quyết lao động cho hàng nghìn người. Do đó, những thứ mất đi sẽ nhiều hơn lợi ích đem lại.

"Theo tôi, huyện Bát Xát nên có ý kiến dừng triển khai dự án tại khu vực này", Nguyên Thứ trưởng nói.

Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư trên 552 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20%, 80% còn lại là vốn vay. Cụ thể Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội đã cam kết cấp tín dụng thự hiện dự án.

Theo Văn bản số 3245/UBND-QLĐT, ban hành ngày 18/7/2018 của UBND tỉnh Lào Cai, dự án trên xác định tạo việc làm mới cho khoảng 280 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước bình quân 17,5 tỷ đồng/năm… Dự án hoàn vốn sau 9,5 năm.

Tuy nhiên, văn bản trên cũng khẳng định dự án đầu tư trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó dự án khi thực hiện đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi khi thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, liệu dự án sân golf có đủ sức thúc đẩy kinh tế tại khu vực này và ngược lại, liệu vùng kinh tế đặc biệt khó khăn có thể phát triển sân golf – bộ môn của người giàu hay không vẫn là câu hỏi nan giải.

Nếu sân Golf Lào Cai đi vào hoạt động thì ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Theo bản Đề xuất dự án đầu tư của đơn vị trong thời gian thi công và thời gian vận hành khai thác, dự án đều có những tác động đến môi trường không khí, đất, tài nguyên và nước.

Cụ thể, trong quá trình hoạt động, cần phải sử dụng các loại hóa chất để giữ màu xanh và phục hồi bề mặt của sân cỏ. Khi phun hóa chất vào các thảm cỏ sân golf, một phần chúng phát tán vào môi trường không khí làm ô nhiễm không khí và nguy cơ tác động trực tiếp lên người chơi golf và công nhân làm việc.

Việc tạo ra các thảm cỏ nhân tạo, các hồ chứa trên các dạng địa hình khác nhau nên nguy cơ làm xói mòn, lở đất lớn. Độ dốc tự nhiên cùng mực nước ngầm sẽ bị thay đổi và hậu quả là nền đất sẽ bị suy yếu, dễ bị hủy hoại bởi mưa, gió và động đất.

Huyện Bát Xát tiếp giáp với sông Hồng.

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, trung bình 1 sân golf 18 lỗ ở Việt Nam cần 5.000m3 nước mỗi ngày cho việc tưới và duy trì bảo dưỡng mặt sân. Lượng nước này thường được khai thác từ nguồn nước ngầm, nên sau một thời gian, việc lún đất, sụt đất do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hóa chất, sân golf là chuyện không thể tránh khỏi.Chế độ canh tác cỏ tại các sân golf là chế độ độc cạnh có sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng nên khả năng đất bị thoái hóa và ô nhiễm là rất cao. Lượng rác thải từ sinh hoạt của khách dịch vụ, hoạt động dịch vụ ăn, uống… cũng làm ảnh hưởng đến môi trường đất trong khu vực.

Nước thải từ sinh hoạt của khách du lịch, hoạt động dịch vụ ăn, uống… cũng làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong khu vực.

Nhà đầu tư có được tỉnh Lào Cai ưu ái?

Một diễn biến khác cũng đáng chú ý, mặc dù, Báo cáo thẩm định sân golf Lào Cai của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng khẳng định đối với việc chuyển đổi diện tích đất rừng theo quyết định 1946 của Thủ tướng thì không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng để xây dựng sân golf.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định về phương án trồng rừng thay thế phần diện tích dừng bị chuyển đổi tại xã Bản Qua. Từ đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đề nghị tỉnh Lào Cai phải chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi diện tích rừng thành sân golf theo đúng quy định pháp luật.

Trước những tín hiệu trên, cùng với việc được nghiên cứu, sau đó trở thành nhà đầu tư của dự án quy mô lớn trong khi ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của doanh nghiệp này là vận tải hành đường bộ khác (Cụ thể là kinh doanh vận chuyển khách bằng hệ thống cáp treo và máng trượt; Kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách du lịch; Cho thuê xe có người lái để vận chuyển khách), khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu đơn vị có được ưu ái?

Bạn đang đọc bài viết Dự án sân Golf Lào Cai ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.