Thứ năm, 25/04/2024 00:16 (GMT+7)

Điểm nóng 2019: San đồi, xẻ núi xây dựng trái phép, phá vỡ di sản

MTĐT -  Thứ hai, 09/12/2019 14:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng loạt các vấn đề liên quan đến đất đai và xây dựng trong năm 2019 như giao đất xây chùa khủng, công trình trái phép phã vỡ di sản ở Hà Giang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Giao đất xây dựng chùa Bái Đính không rõ mục đích

Tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Trần Hồng Hà có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng nghìn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa. Trong đó, điển hình là doanh nghiệp Xuân Trường xây chùa Bái Đính ở Ninh Bình, Tam Chúc ở Hà Nam…

Trong văn bản trả lời đại biểu Kim Thuý, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, theo quy định của luật Đất đai thì việc giao đất, cho thuê đất căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư được phê duyệt.

Trường hợp chùa Bái Đính ở Ninh Bình mới được xây dựng bên cạnh khu vực chùa cổ Bái Đính cũ trên núi Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Khu núi chùa Bái Đính có quy mô diện tích hơn 1.000 ha, nằm trong quy hoạch tổng thể Khu du lịch Tràng An. Khu núi chùa Bái Đính mới được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; được tiếp tục thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (phê duyệt năm 2014) và trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp tỉnh, huyện (được phê duyệt trong năm 2017).

Khu núi chùa Bái Đính thuộc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003; quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch Tràng An đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004, điều chỉnh năm 2005.

Về giao đất, cho thuê đất, từ năm 2006 đến 2012, UBND Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi gần 520 ha đất (chiếm 51,5% so với quy hoạch được duyệt) bao gồm: đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 184,9 ha; đất do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Gia Viễn là 67,6 ha; đất do UBND xã quản lý là 178,9 ha; đất hoang, đất xâm canh 36,7 ha.

Giao đất cho 03 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

“Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; Không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); Không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của luật đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất”, Bộ TN&MT nêu.

Giao đất cho DN xây chùa nhưng không yêu cầu bàn giao lại cho Nhà nước

Trường hợp chùa Tam Chúc mới tại tỉnh Hà Nam được xây dựng bên cạnh chùa cổ Tam Chúc, thuộc quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (quy mô diện tích khoảng 4.000 ha).

Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc đã có quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt năm 2006 (quy mô hơn 2.000ha), điều chỉnh năm 2012 (quy mô 5.100ha); được Thủ tướng phê duyệt với quy mô 4.000ha, gồm nhiều khu chức năng, trong đó Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc có rộng hơn 1.200 ha.

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc, với diện tích là hơn 2.000 ha, chủ đầu tư là Sở Thương Mại Du lịch. Đến năm 2008, UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân trường thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc này.

Từ năm 2006 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là hơn 815 ha.

Từ năm 2008 đến 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và giao toàn bộ diện tích hơn 815 ha cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.

Trong đó, tại Quyết định số 1364 ngày 4.11.2008 cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường thuê đất với diện tích hơn 509 ha, thời hạn 50 năm; Quyết định số 1380 ngày 9.11.2011 giao đất cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường với diện tích hơn 306 ha, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.

Bộ TN&MT cho rằng: “Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại)”.

Panorama phá vỡ cảnh quan đèo Mã Pí Lèng

Tháng 10/2019, dư luận cả nước xôn xao về việc một nhà hàng mọc trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang -  danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy, sau khi những hình ảnh về Panorama Mã Pì Lèng được lan truyền trên mạng xã hội hay trên báo chí đã ngay lập tức nhận được những tranh cãi trái chiều từ dư luận.  

Đáng nói, Mã Pì Lèng Panorama được dựng lên từ năm ngoái, đầu năm 2019 mới đưa vào khai thác, nhưng mãi tới 10 dư luận mới xôn xao về “tính chính danh” của nó.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang cho biết, công trình Panorama chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng.

Theo UBND tỉnh Hà Giang, trách nhiệm ban đầu về quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng thuộc UBND huyện Mèo Vạc.

Trong báo cáo, UBND tỉnh Hà Giang thừa nhận có chủ trương xây một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng. Chủ trương này dựa trên khuyến nghị của GS Guy Martini, Tổng Thư ký Ban điều phối Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, về việc xây điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực hiện nay là công trình Panorama.

Do đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện, yêu cầu công trình hoàn thành trước tháng 7/2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 năm 2018.

Theo Cục Di sản văn hóa, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan di tích thì vẫn phải xin ý kiến các ban ngành văn hóa. Bên cạnh đó, công trình cũng nằm trong địa giới của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, chịu sự giám sát chặt chẽ của UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL khẳng định, cho đến trước khi vụ việc trở nên “nóng” trong dư luận, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.

Sau đó, Sở Xây dựng Hà Giang đã đề xuất UBND tỉnh giao cho UBND huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang tầng âm và tầng nổi sát mặt đất để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. 6 tầng giật cấp bị đề nghị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Phá núi xây khu du lịch tâm linh nơi cột cờ Lũng Cú

Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về công trình sai phép mọc trên đèo Mã Pì Lèng thì Hà Giang lại nổi lên thêm 2 công trình xây dựng trái phép khác. Đó là Dự án Khu du lịch tâm linh Lũng Cú và thang máy ngắm cảnh cũng vấp phải phản ánh dữ dội từ dư luận.

Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn (công viên đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010).

Dự án này được tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư và khởi công vào năm 2016 với tổng diện tích sử dụng đất là 75 ha. Trong đó, hạng mục chính của dự án gồm khu tâm linh chùa Lũng Cú có diện tích 70,5 ha; hạng mục Đại tượng Phật có diện tích khoảng 4,5 ha.

Liên quan đến dự án này, vào năm 2018, Bộ VH, TT&DL đã nhiều lần có văn bản "cảnh báo", yêu cầu địa phương bảo vệ nguyên trạng vì có nhiều hạng mục gần khu di tích Cột cờ Lũng Cú. Thế nhưng, dự án vẫn được các cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng và phê duyệt.

Dự án này nằm cách di tích Cột cờ Lũng Cú khoảng 500m, do Công ty Cổ phần Phúc lộc Hà Giang làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 800 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, một quần thể gồm 6-7 công trình thuộc khu tâm linh chùa Lũng Cú đang dần được hoàn thiện. Xung quanh đại công trường, đất đá bị san lấp ngổn ngang để tạo mặt bằng thi công dự án.

Theo UBND Hà Giang, dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương, đáp ứng nhu cầu văn hóa cho du khách, tạo điểm nhấn thu hút du khách và tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ, du lịch, việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Hiện tại, dự án đang triển khai thực hiện giai đoạn 1 với hạng mục Chùa Lũng Cú, diện tích xây dựng 2.343 m2 (trên tổng diện tích 5,8 ha đã bồi thường, giải phóng mặt bằng).

Quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Hà Giang đã hai lần xin ý kiến Bộ VHTTDL và đã được Bộ cho ý kiến về dự án thông qua các văn bản số 1569/BVHTTDL-DSVH ngày 17/4/2018, văn bản số 2532/BVHTTDL- DSVH ngày 11/6/2018.

Về “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” với siêu thang máy cao 102 tầng, diện tích lòng thang 15m2 đang được triển khai xây dựng gần chính giữa vách đá Đồn Cao.

Được biết, dự án được Sở KHĐT tỉnh Hà Giang cấp chứng nhận đầu tư từ ngày 24/11/2017. Tiếp đó, ngày 26/4/2019 mới đây, UBND tỉnh Hà Giang có quyết định 822 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” (thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Dự án được thực hiện tại tổ 4, thị trấn Đồng Văn với tổng diện tích sử dụng 2692m2. Khu vực xây dựng thang máy và nhà bán vé nằm trên đất thổ cư của chủ dự án với diện tích 112 m2 gồm các công trình chính là quầy dịch vụ và thang máy 75,5 m2; nhà hàng và phụ trợ diện tích 160 m2; nhà điều hành 45m2; quán café 45m2; Bar diện tích 90m2; quầy dịch vụ và chòi vọng cảnh, 42m2/nhà; nhà xoay diện tích 34m2 và các công trình phụ trợ khác…

Hiện tại dự án trên đang được triển khai thi công, lắp phần khung thang máy với hệ thống khung thép đang được lắp đặt cao chừng 30m; nhà điều hành công trường; sắt thép, nguyên vật liệu được tập kết ngổn ngang...Đáng chú ý, ngày 21/8/2019, UBND huyện Đồng Văn đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công công trình thang máy 102 tầng thuộc dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vùng bảo tồn và khu vực đặc thù với diện tích khoảng 550 ha, gồm các khu vực có giá trị địa chất, các khu vực có giá trị bảo vệ cảnh quan, môi trường, các khu vực rừng phòng hộ. Không xây dựng mới, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Như vậy, theo quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, dự án trên đã nằm trong phạm vi khu vực 2 (vành đai xanh) của bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; thuộc phạm vi không được xây mới; bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử của cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng nghĩa với việc không được xây mới.

Thực hiện ý kiến của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch gửi ngày 25/10, vào ngày 29/10, UBND tỉnh Hà Giang đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực địa dự án, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công dự án.

Theo kiểm tra thực tế, Hà Giang khẳng định vị trí hiện trạng khu vực thực hiện dự án 5,8ha nằm ngoài khu vực 2 - khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, danh thắng cột cờ Lũng Cú khoảng 150m.

Tuy nhiên, ngày 25/10, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trong văn bản gửi Hà Giang cho rằng dự án có một phần diện tích nằm trong vùng bảo vệ 2 của di tích cột cờ Lũng Cú, đồng thời khẳng định dự án này không phù hợp với hai bản quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với cao nguyên đá Đồng Văn năm 2017.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Điểm nóng 2019: San đồi, xẻ núi xây dựng trái phép, phá vỡ di sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành