Thứ bảy, 20/04/2024 10:06 (GMT+7)

Đấu giá đất, “liều thuốc” minh bạch ngăn chặn thất thoát ngân sách

MTĐT -  Chủ nhật, 15/03/2020 09:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vì những quyết định giao đất không qua đấu giá đã khiến nhiều lãnh đạo các tỉnh thành có “vết sẹo” trong quá trình công tác của mình.

Hệ luỵ

Cuối năm 2019, dư luận tỉnh Khánh Hoà hết sức phẫn nộ khi hàng loạt dự án bất động sản đình đám của tỉnh này bị Uỷ ban kiểm tra Trung ương chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Đặc biệt hơn, có những dự án tỉnh này chỉ định thầu, chỉ định luôn giá mà không qua tổ chức đấu thầu, đấu giá, khiến ngân sách Nhà nước thất thoát. Những vi phạm tại dự án BT (xây dựng chuyển giao) cũng được lột trần.

Một góc thành phố Nha Trang. Ảnh Zing.vn

Đơn cử như dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hoà, khi tỉnh này giao gần 7.400m2 “đất vàng” cho nhà đầu tư mà không qua đấu giá. Việc chỉ định giá 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở và hơn 7,8 triệu/m2 đối với đất sản xuất kinh doanh, trong khi giá đất thị trường khu vực này cao hơn hàng chục lần dẫn đến “đất vàng” quy đổi ra tiền quá thấp. Ngân sách Nhà nước đã thất thoát!

Tháng 11/2019, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật cảnh cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa; cách hết các chức vụ trong Đảng đối với các ông Lê Đức Vinh (chủ tịch), ông Đào Công Thiên (phó chủ tịch) và ông Nguyễn Chiến Thắng (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa).

Vi phạm của các tổ chức Đảng và các cá nhân lãnh đạo ở tỉnh Khánh Hòa được kết luận là "rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục".

Hay mới đây nhất, ngày 27/2/2020, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra về thực hiện quy định quản lý đất đai tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, dự án khu đô thị (KĐT) Phú Lộc ở TP Lạng Sơn có nhiều sai phạm.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chia tách ra thành các dự án thành phần gồm: KĐT Phú Lộc 1, 2, 3, 4 để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như một dự án độc lập là vi phạm quy định pháp luật. Khi chia tách dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng không đấu giá đất, đấu thầu công trình là vi phạm các quy định về đấu thầu...

Một biệt thự đẹp tại KĐT Phú Lộc 4 (TP Lạng Sơn). Ảnh Chí Kiên.

Đây chỉ là một trong vài ví dụ nhỏ đã và đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngân sách Nhà nước thất thoát, những người lãnh đạo ký quyết định đã phải chịu án tù, tuy nhiên có những quyết sách của những vị này đã “để lại nhiều hệ luỵ khó khắc phục”.

Trong một báo cáo được Kiểm toán Nhà nước nêu rõ quan điểm, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau, dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.

Hầu hết doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sang đất ở đô thị không qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Diện tích đất doanh nghiệp Nhà nước được giao lớn, song chưa được quản lý chặt chẽ…

Vậy phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này, “liều thuốc đặc trị” nào sẽ chữa dứt điểm căn bệnh lạm quyền này?

Đấu giá đất tạo sự cạnh tranh, tăng tính minh bạch

Bắc Ninh trong nhiều năm trở lại đây trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt trong các dự án sử dụng đất ở vào phát triển đô thị, một vấn đề nhạy cảm ở bất cứ địa phương nào.

Để được quyền triển khai Dự án khu nhà ở thôn Như Nguyệt và thôn Đoài (Yên Phong, Bắc Ninh), Công ty Thương mại và xây dựng Đức Việt đã phải đấu giá quyền sử dụng đất và phải nộp vào Ngân sách nhà nước hơn 61 tỷ đồng; Thời hạn sử dụng đất là 50 năm; Tổng diện tích khu đất là 82.872,8m2, trong đó 31.324,47m2 là đất ở (tổng 307 lô đất), còn lại là đất dành cho hạ tầng kỹ thuật, đất sân bóng, nhà văn hoá…

Bàn luận về nội dung này, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, vị này cho hay: “Luật Đất đai chỉ có là 1 là giao đất, 2 là đấu giá đất, chứ không có đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong sử dụng đất, đó là không minh bạch.

Cách làm của Bắc Ninh hiện tại đó là, Nhà nước đứng ra để bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch, sau đó căn cứ vào quỹ đất sạch này, căn cứ vào quy hoạch 1/500, trong quy hoạch đó sẽ thể hiện rõ chỗ nào làm đường, chỗ nào làm đất ở, chỗ nào công trình phúc lợi… căn cứ vào đấy Hội đồng thẩm định giá mới bắt đầu thẩm định, giá đất ở này là bao nhiêu, đất thương mại thuê là bao nhiêu…

Lên được giá khởi điểm, ví dụ giá là 100 tỷ, các doanh nghiệp đủ năng lực, tài chính cùng nhau đấu giá, giá nào cao thì tỉnh chấp nhận, từ đó ngân sách Nhà nước thu được lợi.

Không minh bạch nếu không đấu giá đất công khai, phải minh bạch về tài chính, ngân sách Nhà nước thu lợi, niềm tin của nhân dân luôn vững chắc”.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho hay: “Bài học về việc cơ quan Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá đã diễn ra tại nhiều nơi, hệ luỵ cũng có rất nhiều, nhưng công tác tham mưu của các cơ quan có thẩm quyền tới những người đứng đầu tỉnh chưa thật sự “tỉnh táo”, hoặc là lợi ích nhóm khiến họ làm như vậy.

Chính vì vậy, quan điểm cá nhân tôi là cần nghiêm cấm mọi trường hợp giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, kể cả việc thanh toán bằng quyền sử dụng đất cho các dự án. Cơ quan Nhà nước phải công khai rộng rãi thông tin về đấu giá đất để các cá nhân và tổ chức tham dự đấu giá, nhằm minh bạch hoá việc sử dụng đất, tạo nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, tránh thất thoát”.

Như vậy, chỉ có phương thức đấu giá đất một cách công khai, minh bạch, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cần nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về đất đai một cách khách quan, công tâm, không vụ lợi, sẽ giúp Nhà nước không bị thất thoát.

Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất phải được hoàn thiện đồng bộ bắt kịp với xu thế, nhận định được diễn biến phát triển của thị trường, đi trước thị trường tránh tạo ra những kẽ hở khiến thất thoát, lãng phí, xảy ra tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới.

Theo Pháp Luật Plus

Bạn đang đọc bài viết Đấu giá đất, “liều thuốc” minh bạch ngăn chặn thất thoát ngân sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ