Thứ tư, 24/04/2024 00:00 (GMT+7)

Công ty Rạng Đông sở hữu những khu “đất vàng” nào?

MTĐT -  Thứ sáu, 30/08/2019 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài khu “đất vàng” tại số 87 – 89 Hạ Đình, TP.Hà Nội thì Công ty Rạng Đông còn có quyền sử dụng đất tại 7 khu đất ở nhiều tỉnh, thành khác nhau với tổng giá trị toàn bộ khu đất là hơn 31,5 tỷ đồng.

Vụ cháy ngày 28/8 đã thiêu rụi khoảng 6.000 m2 nhà kho của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) tại số 87 - 89 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là một phần của tổng diện tích 57.000 m2 (5,7 ha) đất mà Rạng Đông đang quản lý tại khu đất này, bao gồm trụ sở công ty, nhà máy, nhà kho...

Vụ cháy tối 28/8 gây thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.

Năm 1958, Hạ Đình chính là nơi đầu tiên khởi công nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, cơ sở tiền thân thành lập lên công ty sau này. Thời điểm đó, Rạng Đông là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ, đặt nền móng cho nền công nghiệp Việt Nam thời kỳ đầu xây dựng Xã hội chủ nghĩa.

Vị trí nhà máy, trụ sở Rạng Đông cũng gần với đại bản doanh các công ty thuộc tổ hợp công nghiệp lớn nhất một thời của Hà Nội - khu "Cao - Xà - Lá" (gồm Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long) và giầy Thượng Đình. Ngày nay, đây là những vị trí đất "vàng" thuộc mặt tiền đường Nguyễn Trãi, sát tuyến metro Cát Linh - Hà Đông.

Vị trí trụ sở Rạng Đông. 

Năm 2010, Hà Nội có kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội. Thủ tướng cũng có Quyết định 86/2010 cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh thì được phép liên doanh với pháp nhân có chức năng và thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đến 2015, nhà máy Xà phòng Hà Nội và nhà máy thuốc lá Thăng Long được dự kiến chuyển đổi thành khu chức năng đô thị với diện tích khoảng 11 ha. Dự án dự kiến được Vingroup xây dựng tổ hợp văn phòng, TTTM và nhà ở, quy mô tương đương khu đô thị Royal City hiện nay.

Bản thân Rạng Đông vào cuối năm 2018 cũng đã trình cổ đông và được biểu quyết thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, môi giới, đấu giá bất động sản.

Có thể lý do khiến Rạng Đông muốn lấn sân sang mảng bất động sản là do công ty này đang sở hữu mảnh đất vàng rộng 5,7 ha tại Hạ Đình, Hà Nội, vị trí đắc địa có nhiều đại gia nhòm ngó.

Những năm gần đây, chính phủ đã đẩy mạnh việc di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội và Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg đã cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai thì QĐ 86 cũng cho phép liên doanh với pháp nhân có chức năng và thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Yếu tố quan trọng này đã khiến các doanh nghiệp sở hữu vị trí đắc địa tại Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.

Có thể kể tới như trường hợp dệt Minh Khai khi phiên IPO hồi đầu năm đã diễn ra hết sức thành công. Cụ thể, 3 nhà đầu tư đã mua hết toàn bộ lượng cổ phần chào bán với mức giá gấp 7 lần khởi điểm. Một chi tiết quan trọng là Dệt Minh Khai đang sở hữu lô đất 3,8 ha tại mặt đường Minh Khai - Hà Nội.

Hay mới đây, một câu chuyện khác hết sức đáng chú ý khác là việc Vingroup cùng với Lixco hợp tác thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 233 Nguyễn Trãi.

Trước đó, hàng loạt dự án, cao ốc đã mọc lên trên nền đất cũ của các nhà máy tại Hà Nội như Cơ khí Hà Nội -Royal City, CTCP dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn) - Viet Tower/Parkson, Hanosimex và Dệt 8/3 - Times City...

Có thể thấy, sức hút từ các khu đất “vàng” lúc này rất lớn, nhất là trong bối cảnh các nhà máy đang phải di dời khỏi trung tâm Hà Nội.

Ngoài ra, theo thông tin trên báo Nhà đầu tư, Công ty Rạng Đông cũng đã mua thêm quyền sử dụng đất ở cơ sở 2 (tại Khu công nghiệp Quế Võ – Bắc Ninh), với diện tích đất ban đầu là 6,2 ha, được đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp xây dựng từ năm 2006 đến cuối 2008. Đến năm 2015, Rạng Đông đầu tư thêm 2 ha, nâng tổng diện tích lên 8,2 ha.

Nguồn BCTC năm 2018 tại ngày 31/12/2018 của RAL.

Rạng Đông còn có quyền sử dụng đất tại 7 khu đất ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: chi nhánh Đà Nẵng; chi nhánh Cần Thơ; văn phòng tại TP.HCM; chi nhánh Tiền Giang; chi nhánh Nha Trang và 2 chi nhánh tại Biên Hòa.

Tổng giá trị toàn bộ khu đất kể trên theo BCTC năm 2018 của công ty tại ngày 31/12/2018, là hơn 31,5 tỷ đồng, theo khung giá đất các tỉnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Công ty Rạng Đông sở hữu những khu “đất vàng” nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới