Thứ sáu, 29/03/2024 14:48 (GMT+7)

Condotel bị biến tướng, tiềm ẩn nhiều rủi ro

MTĐT -  Thứ ba, 17/12/2019 17:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch khẳng định một số sự án condotel đang có sự biến tướng từ một sản phẩm tài chính phái sinh, giống như chứng khoán.

Sáng 17/12, tại hội thảo "Pháp lý cho condotel", ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch khẳng định một số sự án condotel đang có sự biến tướng từ một sản phẩm tài chính phái sinh, giống như chứng khoán.

Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” người ta mới tìm đến pháp lý

Theo ông, với thái cách tiếp cận condotel như một sản phẩm tài chính phái sinh, người mua chỉ quan tâm đến mức lãi suất cam kết mà chủ đầu tư đưa ra mà quên đi những vấn đề cần phải trả lời trước khi đầu tư vào một sản phẩm bất động sản.

"Với mức lợi nhuận cao kết lên đến 12% thì dù bán một dự án trên mặt trăng hay trên sao hỏa, người ta vẫn sẽ mua. Thậm chí, khi đó họ còn không quan tâm đến giá cả nữa bởi giá càng cao thì khoản lợi nhuận thu được từ mức lãi suất 12% của họ càng lớn. Đây là thái độ đối với chứng khoán chứ không phải bất động sản", ông Nam khẳng định.

Theo ông, để đánh giá giá trị của một sản phẩm bất động sản du lịch trước khi đầu tư, khách hàng phải trả lời được 4 vấn đề liên quan đến tiềm năng vị trí dự án, chất lượng của chủ đầu tư, giá thành sản phẩm, đơn vị vận hành dự án đó với công năng là cơ sở du lịch.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc người mua lãng quên tất cả những câu hỏi đó trước mức lợi nhuận cam kết cao là biểu hiện biến tướng của sản phẩm condotel, loại hình đáng lẽ cần phải có có một cái nhìn nghiêm túc về nó.

Chính vì vậy, ông Nam khẳng định: "Nếu không có cam kết lãi suất, không có ai đứng ra đảm bảo cổ tức hàng năm nữa, mặc nhiên giá condotel sẽ trở về giá thị trường như bản thân nó vốn có."

Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam nhận định, chỉ khi sự việc của Cocobay Đà Nẵng xảy ra, người ta mới đi tìm kiếm cơ sở pháp lý cho condotel. Tuy nhiên, hiện tại không có cơ sở pháp lý của khái niệm condotel trong các Luật bất động sản, xây dựng, nhà ở, đất đai mà chỉ có ở Luật du lịch. Nhưng Luật du lịch cũng chỉ có hai loại hình bất động sản du lịch là căn hộ du lịch và biệt thự du lịch, trong đó condotel là căn hộ du lịch.

Ông Nam cho rằng trước đó, các chủ đầu tư đã có quyền phát triển và bán dự án, người mua có quyền mua sản phẩm condotel với quan điểm là được phép làm những gì luật pháp không cấm thì đến giờ, họ cũng phải chấp nhận rằng không thể đòi hỏi những thứ mà luật pháp chưa có.

Làm thế nào để bảo vệ nhà đầu tư thứ cấp?

Liên quan đến pháp lý của condotel, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, cho đến nay không có ngành nào, cơ quan nào cấp phép cho condotel mà chỉ cấp phép cho khu du lịch nghỉ dưỡng. Trong một khu du lịch nghỉ dưỡng có thể bao gồm đến 4 loại hình lưu trú gồm khách sạn (phòng chỉ ngủ và phòng có bếp), loại hình thứ hai là căn hộ du lịch nằm trong tòa nhà cao 2 tầng trở lên, thứ ba là biệt thự du lịch, thứ tư là nhà phố du lịch. 4 loại hình này thì trong đó có 3 loại là căn hộ, nhà phố và biệt thự là gọi chung condotel. Condotel là hình thức sở hữu chung theo phần. Vì vậy cần có khung pháp lý quản lý riêng biệt cho phù hợp. Đây là một loại hình cơ sở lưu trú cần thiết để phát triển ngành du lịch.

Thế nhưng theo ông Châu, vấn đề hiện nay là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư thứ cấp như thế nào trước các rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý? Không chỉ vụ đổ bể của Cocobay Đà Nẵng, từ 2009, Đà Nẵng, Khánh Hòa đã cấp sổ đỏ có thời hạn (đất ở không hình thành ổn định lâu dài); tháng 3/2019, công ty cổ phần Cienco 586 phản ánh khách hàng bị thu hồi sổ đỏ và cấp lại thì chỉ còn thời hạn 39 năm (trừ đi thời gian đã xây dựng)...

Do đó, HoREA đã kiến nghị, nếu cấp lại sổ đỏ có thời hạn thì phải cấp luôn cho người mua là 50 năm chứ không trừ đi vì sẽ thiệt thòi cho họ. Bởi trong luật Đất đai, Nghị định 43 đều có nói công trình xây dựng các thành phần trong dự án có thể được cấp sổ đỏ cho từng thành phần.

“Chúng tôi đề nghị được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ condotel cho chủ đầu tư dự án, sau đó nhà đầu tư thứ cấp mua được sang tên...”, ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, không cần phải có luật mới nhưng cần bổ sung một số nội dung vẫn giải quyết được câu chuyện về condotel. Đó là điều kiện huy động vốn đối với dự án bất động sản hình thành trong tương lai là phải có giấy tờ, có giấy phép xây dựng, phải xây dựng xong hệ thống hạ tầng; Vì vậy cần bổ sung khi bán các bất động sản hình thành trong tương lai nói chung, gồm condotel đều phải có bảo lãnh của ngân hàng. Quan trọng nhất là ở Việt Nam, chủ đầu tư bán condotel là không trái pháp luật. Luật đầu tư quy định doanh nghiệp được phép làm những gì luật không cấm. Như vậy các căn hộ trong dự án thì được phép bán nhưng luật lại chưa bảo vệ được nhà đầu tư thứ cấp, cổ đông nhỏ lẻ trong dự án này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Condotel bị biến tướng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.