Thứ sáu, 29/03/2024 22:29 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về đề xuất hỗ trợ doanh nghệp BĐS thời dịch?

MTĐT -  Thứ sáu, 20/03/2020 10:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo TS Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 nên những đề xuất mà HoRea đưa ra không hợp lý.

Đề xuất hỗ trợ

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) vừa có công văn đề xuất tới Chính phủ có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp BĐS vượt qua thời kỳ khó khăn.

Theo HoRea, tất cả doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại…

Những điều này đẩy doanh nghiệp bất động sản trước các thách thức lớn như: Làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng là khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; Làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể doanh nghiệp bị mất thanh khoản; Làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu; Làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; Làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động và Làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường BĐS chứ không hẳn do Covid-19.

Do đó, HoRea đề xuất 4 vấn đề. Thứ nhất, bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3-6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thứ hai, Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3-6/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Cuối cùng, HoRea đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, hiện tại lĩnh vực BĐS chưa phải là ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nếu như so sánh với các ngành dịch vụ, tiêu dùng.

"BĐS vẫn là một kênh đầu tư an toàn hơn so với lĩnh vực khác trong năm 2020. Nhiều người vẫn có nhu cầu về nhà ở nên sẵn sàng mua và đáp ứng các điều kiện về tài chính mà chủ đầu tư dự án đưa ra nên họ vẫn có nguồn thu. Chính vì thế, đề xuất để các doanh nghiệp BĐS được nợ tiền thuế GTGT và tiến BHXH không phù hợp.

Thứ 2, về đề xuất giãn nợ cho các doanh nghiệp BĐS ở các ngân hàng thì sẽ dẫn tới nguy cơ quay trở lại cuộc khủng hoảng như giai đoạn 2011 - 2012 mà Việt Nam đã từng trải qua, có thể tác động xấu cho cả nền kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng tới những ngành khác.

Còn đề xuất về thủ tục hành chính, điều này không thuộc về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chuyện hoạch định chính sách dù có dịch bệnh hay không thì đây cũng là phương án được cơ quan quản lý đưa ra nhằm ổn định BĐS và kinh tế vĩ mô trong tương lai. Từ đó, cho thấy, tất cả những đề xuất mà HoRea đề xuất với Chính phủ đều không phù hợp" - vị chuyên gia phân tích.

Theo TS Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 mà đây chỉ là lĩnh vực ảnh hưởng gián tiếp, khi khôi phục các lĩnh vực khác thì tự khắc các doanh nghiệp BĐS sẽ vượt qua được khó khăn.

Trong bối cảnh toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nếu như hỗ trợ thêm cho một lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp có thể gây "loãng" khiến cho các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 sẽ không được tập trung hỗ trợ một cách toàn diện.

Có ý kiến cho rằng, giá nhà đang hiện ở mức quá cao so với thực tế. Nhiều dự án BĐS đất nền, chung cư hay condotel vẫn có hiện tượng thổi giá. Đứng trước tình cảnh khó khăn nhưng doanh nghiệp BĐS vẫn kiên quyết không hạ giá sản phẩm.

Điều này đã từng xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2011 - 2012 nhưng các doanh nghiệp BĐS không chịu rút ra kinh nghiệm, tự cứu lấy mình bằng cách giảm bớt giá sản phẩm mà lại đi nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, tạo thêm "gánh nặng" là điều khó chấp nhận.

Về vấn đề này, ông Hiển thừa nhận có tình trạng trên. Nhưng theo ông, điều này không quá lo ngại bởi điều này sẽ chịu sự chi phối của thị trường. Khi mà, nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều người sẽ phải đắn đo trước khi mua một sản phẩm BĐS có giá trị quá cao, khi đó tự khắc các doanh nghiệp BĐS sẽ khó bán được hàng và buộc phải hạ giá thành sản phẩm để đảm bảo thanh khoản, cho dù doanh nghiệp đó có muốn hay không.

"Thực tế, bước sang năm 2020, lĩnh vực BĐS gặp khó khăn hơn giai đoạn trước bởi các chính sách từ việc hạn chế cho vay tín dụng từ các ngân hàng, thanh tra, quản lý đất đai, xử lý sai phạm trong công trình xây dựng... chứ không phải có đại dịch Covid-19 mới gặp khó khăn.

Chính vì thế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS không phải là giải pháp tạm thời như đề xuất của HoRea trong lúc dịch bệnh diễn ra mà cần phải có chính sách lâu dài, nhằm ổn định tình hình phát triển bất động sản ở Việt Nam trong tương lai" - ông Hiển nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về đề xuất hỗ trợ doanh nghệp BĐS thời dịch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.

Tin mới