Thứ ba, 19/03/2024 16:24 (GMT+7)

Chung cư cao tầng ở Hà Nội chịu được động đất mấy độ richter?

MTĐT -  Thứ năm, 21/11/2019 17:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng nay (21/11), người dân ở một số tòa nhà cao tầng khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông (Hà Nội) thấy đồ đạc rung nhẹ, cảm giác chóng mặt.

Tòa nhà cao tầng hiện đại có thể chịu động đất cấp 8

Trung tâm dự báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) xác nhận, hiện tượng rung lắc mà người dân ở các chung cư tại Hà Nội cảm nhận được trong sáng nay (21/11) là do dư chấn của trận động đất tại Sayabouly (Lào).

Theo các chuyên gia, vì trận động đất xảy ra cách Thủ đô còn khá xa nên những rung chấn của nó chỉ gây ra rung lắc, không gây ra thiệt hại về nhà cửa hoặc người đồng thời khuyến cáo, người dân, nhất là người dân ở chung cư cao tầng nên bình tĩnh, theo dõi thông tin chính thức từ Viện Vật lý địa cầu về trận động đất này.

Dù vậy, vụ việc khiến nhiều người lo lắng, nhất là những chung cư cao tầng. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này với báo Tiền phong, ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện Hà Nội đã có bản đồ phân vùng động đất đến từng phường, để các công trình xây dựng dễ dàng thiết kế theo quy chuẩn. Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở cũng như kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thiết kế công trình.

Theo ông Nhu, chủ đầu tư thiết kế có nghĩa vụ tuân thủ các quy định trên, nhất là các công trình có nguy cơ gây thảm họa lớn khi xảy ra động đất như chung cư cao tầng, trung tâm thương mại… theo quy chuẩn mà Bộ Xây dựng ban hành. "Do vậy, với những toà nhà cao tầng mới xây sẽ không đáng ngại. Hiện, tòa nhà cao tầng hiện đại có thể chịu động đất cấp 8", ông Nhu nói.

Tuy nhiên, tại Hà Nội vẫn còn hàng trăm chung cư cũ. Theo ông Nhu, chung cư cũ theo tiêu chuẩn cũ. Tuy nhiên, hiện nhiều chung cư cũ đã quá niên hạn sử dụng, xuống cấp nên khi xảy ra động đất nguy cơ thiếu an toàn rất cao.

Liên quan đến vấn đề này, từng chia sẻ với báo Tin tức, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Thiết kế công trình xây dựng phải phụ thuộc vào điều kiện địa chất ở các khu vực. Nếu công trình nằm trong vùng động đất thì phải thiết kế theo tải trọng của động đất gây ra.

"Các địa phương khi xem xét hồ sơ thiết kế bao giờ cũng phải đặt vấn đề nếu công trình nằm trong vùng có cấp động đất thì đã thiết kế theo cấp động đất chưa. Chúng ta nằm trong vùng động đất nhỏ, cùng với đó các kết cấu hiện nay đặc biệt là kết cấu nhà cao tầng bê tông cốt thép được kiểm soát tốt. Chúng ta cũng có quy chuẩn, tiêu chuẩn đối phó với động đất nên người dân có thể yên tâm", ông Chủng trấn an.

Ông cũng cho rằng, những rung chấn tại Hà Nội không gây nứt vỡ cho công trình, đặc biệt là công trình cao tầng ở Hà Nội. Hiện tượng đèn, quạt treo lung lay là những rung lắc trong tầm kiểm soát.

Nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khuyến cáo các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là cơ quan thẩm định khi xem xét những hồ sơ thiết kế phải đặt vào những vùng địa chất nhất định; nhiều khi chủ đầu tư lảng tránh bởi chi phí rất tốn kém.

Nguy cơ xảy ra động đất tại Hà Nội là không cao

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Không chỉ thủ đô, các vùng khác cũng sẽ chịu rung chấn theo quy luật càng gần tâm chấn (nơi xảy ra trận động đất ở Lào) thì càng chịu rung chấn.

Trận động đất này xảy ra trên đứt gãy Lai Châu- Điện Biên, là hệ thống đới đứt gãy kéo dài từ vùng Tây bắc Việt Nam chạy qua Lào, sang Thái Lan. Đây là đới đứt gãy hoạt động mạnh với nhiều trận động đất tương đối lớn, trong đó có trận động đất 5,3 độ richter tại TP Điện Biên năm 2001. Trận động đất lớn nhất từng ghi nhận ở đới đứt gãy này là 6,3 độ richter

Theo PGS Cao Đình Triều, mỗi đợt động đất mạnh đều có tiền chấn, chủ chấn và dư chấn. Tiền chấn là các động đất nhỏ hơn xảy ra trước khi chủ chấn (trận động đất mạnh nhất) xảy ra, tiếp theo đó là các dư chấn. Ba giờ đồng hồ trước khi xảy ra trận động đất lúc 6h50 phút sáng nay, một tiền chấn mạnh 5,7 độ richter đã được Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguy cơ xảy ra động đất tại Hà Nội là không cao. Theo Nghiên cứu dự báo động đất và dao động nền ở Việt Nam, thủ đô Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng- sông Chảy, nơi đã xảy ra các trận động đất mạnh  5,1-5,5 độ Richter. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ Richter ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285).

Hà Nội đang trong thời kỳ yên tĩnh nhưng trong tương lai hoạt động động đất có thể tăng lên và động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chung cư cao tầng ở Hà Nội chịu được động đất mấy độ richter?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.