Thứ năm, 18/04/2024 20:52 (GMT+7)

Chủ nhân của công trình đồ sộ “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng là ai?

MTĐT -  Thứ bảy, 05/10/2019 10:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày qua, tòa nhà bê tông 7 tầng ôm chặt bên hông đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chưa được cấp phép xây dựng làm phá vỡ cảnh quan khu danh thắng quốc gia gây xôn xao dư luận.

Công trình có tên gọi là “Mã Pì Lèng Panorama”, sau khi báo chí đăng tải, cộng đồng mạng đã kêu gọi làn sóng tẩy chay “Mã Pì Lèng Panorama”, nhiều người cho rằng, chủ công trình đồ sộ này đã phá hoại cảnh quan là một “cái gai” mọc chênh vênh đỉnh Mã Pì Lèng - một trong tứ đại hùng quan của vùng cực Bắc. 

Theo VietnamNet, chủ đầu tư công trình đang gây xôn xao dư luận này là bà Vũ Thị Ánh (SN 1962), sống tại TP Hà Giang. Công trình được khởi công từ năm 2018, được đưa vào hoạt động đầu năm 2019.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Vũ Thị Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hằng năm.

Ngày 3/10, trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, đây là dự án đầu tư đầu tiên của tư nhân trên đèo Mã Pí Lèng sau nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện những năm qua. Chủ của công trình này là một hộ gia đình ở TP Hà Giang. Công trình đến nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng bởi công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định. Ông Cường cho biết đề nghị điều chỉnh quy hoạch được các lãnh đạo tỉnh ủng hộ bởi tỉnh ủng hộ huyện kêu gọi thu hút đầu tư.

Liên quan đến thông tin xâm phạm danh thắng quốc gia đèo Mã Pì Lèng và công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ông Cường khẳng định công trình nằm ở vùng đệm chứ không phải vùng lõi cấm xây dựng.

Theo thông tin trên báo Trí thức trẻ, trước thông tin báo chí phản ánh về việc danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng bị xâm phạm, ngày 24/6/2019, đoàn công tác của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc với các phòng, ban huyện Mèo Vạc và bà Vũ Thị Ánh để xem xét, đánh giá các giấy tờ có liên quan đến công trình.

Qua kiểm tra hồ sơ, vị trí công trình Panorama đang tồn tại chính là điểm dừng chân hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng, từng được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giao huyện Mèo Vạc chủ trì phối hợp với Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đầu tư, xây dựng với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực".

Ở một văn bản khác, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu, UBND huyện Mèo Vạc kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai thi công điểm dừng chân Mã Pì Lèng.

Cụ thể, văn bản có nội dung: "Đồng ý cho chủ trương mở rộng cua khu vực ngắm cảnh hẻm vực Mã Pì Lèng (mở rộng cua vào ta-luy dương không quá 2m, tận dụng đá làm nguyên vật liệu xây dựng).

Giao UBND huyện phối hợp với chủ đầu tư triển khai thực hiện đảm bảo cảnh quan và an toàn giao thông trên tuyến".

Tuy nhiên, trong văn bản cũng nêu rõ, cả 2 văn bản trên không nói đến việc xây dựng Nhà nghỉ, nhà hàng.

Theo báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama do bà Vũ Thị Ánh làm chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có Giấy phép xây dựng.

Theo báo cáo, công trình xây dựng này nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ II di tích danh thắng Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo điều 36 Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản năm 2009 quy định: Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, Sở VHTTDL Hà Giang nêu, UBND tỉnh Hà Giang có Nghị quyết số 989/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 về việc Ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng trên tỉnh Hà Giang. Điều 1 Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 có nêu “giao cho UBND huyện, thành phố trực tiếp quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh".

"Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư", Sở VH, TT&DL Hà Giang báo cáo.

Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Một bên đèo là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế.

Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực đèo Mã Pì Lèng Hà Giang là danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm: đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Chủ nhân của công trình đồ sộ “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng là ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.