Thứ bảy, 20/04/2024 06:57 (GMT+7)

HoREA vạch mặt chỉ định thầu: Doanh nghiệp đứng trung gian hưởng lợi

Cẩm Anh -  Thứ ba, 06/11/2018 16:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

HoREA cho rằng, việc có sơ hở, lỏng lẻo trong các quy định của pháp luật đã tạo điều kiện cho một số người trục lợi từ chính sách, dễ dàng được chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất…

Các trường hợp chuyển nhượng dự án nhằm mục đích trục lợi

Mới đây, tại công văn số 137/CV-HoREA “Báo cáo các chuyên đề liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, giải pháp kiểm soát việc chuyển nhượng các dự án nhằm mục đích trục lợi”, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã chỉ rõ các trường hợp chuyển nhượng dự án nhằm mục đích trục lợi, đồng thời đề xuất giải pháp kiểm soát vấn đề này.

Theo HoREA, nhiều trường hợp được giao chủ đầu tư dự án thông qua hình thức chỉ định nhà đầu tư đã mang lại lợi nhuận rất lớn, thậm chí lợi nhuận siêu ngạch cho nhà đầu tư. Trong đó, nhiều dự án loại này được chuyển nhượng lại kiểu "cai đầu dài", đứng trung gian để hưởng lợi.

Ảnh minh họa. 

Đầu tiên phải kể đến việc chỉ định nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) không thông qua đấu thầu, đấu giá rộng rãi.  Ví dụ: Khoản 1 Điều 29 Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó có loại hợp đồng BT đã quy định "Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu".

Cách làm này đã dẫn đến thực tế là hầu hết các hợp đồng BT, bao gồm quỹ đất thanh toán đối ứng do nhà đầu tư đề xuất và việc lựa chọn nhà đầu tư đều thông qua hình thức chỉ định thầu.

Tiếp đó là trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bằng hình thức hợp đồng BT và được thanh toán đối ứng bằng các quỹ đất. Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện dự án mà chuyển nhượng lại các khu đất này cho nhà đầu tư khác để hưởng lợi.

Ngoài ra có những dự án chỉnh trang, tái thiết đô thị, Nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng rất vất vả rồi giao lại cho nhà đầu tư theo hình thức chỉ định. Có trường hợp nhà đầu tư thực hiện xong dự án rồi chuyển nhượng; có trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện xong dự án nhưng đã chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác để hưởng lợi.

Đề xuất giải pháp

HoREA cho rằng, sở dĩ có việc chuyển nhượng dự án có sử dụng đất nhằm mục đích trục lợi là do có sơ hở, lỏng lẻo trong các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho một số người trục lợi từ chính sách, dễ dàng được chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; được chỉ định nhà thầu BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng ở các vị trí đắc địa mà không qua đấu thầu rộng rãi, công khai, dẫn đến tình trạng "tay không bắt giặc", chuyển nhượng dự án, bán thầu, chuyển nhượng quỹ đất được thanh toán để trục lợi.

Do vậy, giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát việc chuyển nhượng dự án có sử dụng đất nhằm mục đích trục lợi là phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, nhà thầu công trình BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng.

Cụ thể, HoREA kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu rộng rãi trong nước, đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, các công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức hợp đồng BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng.

Chỉ thực hiện phương thức chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng khi đáp ứng điều kiện quy định trường hợp chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Cần bổ sung chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất" vào Luật Đất đai; và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và chặt chẽ.      

Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). HoREA nhấn mạnh, đây là văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu để thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Do chưa có Nghị định này nên đã tạo ra khoảng trống pháp luật kể từ ngày 01/01/2018 đến nay (ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực).

Trong lúc chưa ban hành Nghị định này, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết để hướng dẫn các Bộ, ngành, các địa phương xử lý các dự án BT được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư dự án BT đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Những dự án nào đang được chỉ định thầu? Ai là người đứng sau và hưởng lợi các dự án đó? Các chuyên gia nhận định như thế nào về vấn đề chỉ định thầu.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục đăng tải tới bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết HoREA vạch mặt chỉ định thầu: Doanh nghiệp đứng trung gian hưởng lợi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...