Thứ tư, 24/04/2024 21:52 (GMT+7)

“Bội thực” khách sạn tại các điểm du lịch, do đâu?

MTĐT -  Chủ nhật, 17/11/2019 11:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù lượng khách du lịch tăng mạnh, nhưng theo giới chuyên gia, sự ồ ạt xây dựng của các doanh nghiệp địa ốc đã tạo ra một sự “bội thực” về nguồn cung bất động sản tại các điểm du lịch nổi tiếng.

Theo CBRE Việt Nam, tốc độ tăng trưởng phòng khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng và Khánh Hòa hiện trên 19% mỗi năm với khoảng 14.000 phòng ở mỗi địa phương (tính từ năm 2015 đến quý 3/2019). Trong khi mức độ tăng trưởng phòng ở Phú Quốc 36% mỗi năm, gần bằng nguồn cung khách sạn ở Hà Nội.

Vào cuối quý 3/2019, đơn vị nghiên cứu này ước tính toàn quốc có tổng cộng 442 dự án khách sạn 4- 5 sao đang hoạt động, cung cấp tổng cộng 91.236 phòng. Trong giai đoạn 2015 đến quý 3/2019, số lượng phòng của nhóm khách sạn 5 sao tăng mạnh ở mức trung bình 21% mỗi năm, trong khi nhóm khách sạn 4sao chỉ tăng trung bình 9%.

Trong đó, dẫn đầu về nguồn cung phòng khách sạn cao cấp hiện là Đà Nẵng và Khánh Hòa (với khoảng 14 nghìn phòng ở mỗi địa phương, tốc độ tăng trưởng trên 19% mỗi năm trong giai đoạn 2015 đến quý 3/2019).

Tiếp theo là TP.HCM và Hà Nội với nguồn cung khách sạn cao cấp lần lượt là 10,600 và 7,900 phòng, tuy nhiên tăng trưởng chỉ ở mức 2-4% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm vừa qua.

Phú Quốc là địa điểm đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng nhất ở mức 36% mỗi năm, và hiện số phòng khách sạn cao cấp ở huyện đảo này đã gần bằng nguồn cung ở Hà Nội, nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam.

Số phòng khách sạn cao cấp ở Phú Quốc gần bằng nguồn cung ở Hà Nội. Ảnh minh họa.

Theo CBRE Việt Nam, với sự phát triển nóng, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang đang là những thị trường giảm nhiệt đáng kể về nguồn cung mới từ năm 2018 đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người, tăng gần 20% so với năm 2017. Trong hai tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt khoảng 3,1 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn khách đến Việt Nam đều lựa chọn nghỉ dưỡng tại các resort, khách sạn ven biển.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự ồ ạt xây dựng của các doanh nghiệp địa ốc đã tạo ra một sự “bội thực” về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng biển. Bên cạnh những khách sạn, nhà nghỉ cũ, các resort và hàng nghìn căn hộ condotel xuất hiện.

Với sự xuất hiện của nguồn cung lớn trong khi đó nguồn cầu chưa theo kịp, giới quan sát cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng biển đã tụt mất hạng bậc trong danh sách bỏ vốn của nhà đầu tư.

Vì vậy, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng buồng phòng, cơ sở lưu trú thời gian qua khiến hoạt động kinh doanh lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Điển hình như Đà Nẵng là một điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo một số chủ khách sạn, mặc dù các chuyến bay đến Đà Nẵng ngày càng nhiều, số lượng khách tăng nhưng lượng khách lưu trú lại giảm. Sự sụt giảm về số lượng khách lưu trú tác động đến các lĩnh vực khác như nhà hàng, dịch vụ ăn uống, mua sắm…

Trao đổi với VOV, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 9 tháng qua, thành phố Đà Nẵng đón được khoảng 4,5 triệu lượt khách. Trong đó có hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 1,8 triệu lượt khách nội địa. Nếu tính công suất sử dụng buồng phòng khách sạn thì lượng khách đó mới đáp ứng được khoảng 50%.

“Khủng hoảng thừa” khách sạn tại Đà Nẵng.

Hiện, khối khách sạn từ 4 đến 5 sao, công suất sử dụng đạt 60%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Tình trạng “khủng hoảng thừa” khách sạn tập trung ở một số trục đường ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại…, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo ông Bùi Ngọc Cảnh, chuyên gia tư vấn Kênh thông tin bất động sản Phú Quốc, sự chững lại của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng xuất phát từ việc nguồn cung quá lớn nhưng cầu không đủ đáp ứng. Chưa kể, việc cam kết đã không còn mang lại sự hấp dẫn cho các sản phẩm bất động sản. Ngoài ra, chính sách của chủ đầu tư xuống các sàn cũng bị cắt giảm mạnh khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển không còn diễn ra sôi động như thời điểm trước

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết “Bội thực” khách sạn tại các điểm du lịch, do đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.