Thứ năm, 18/04/2024 16:50 (GMT+7)

BĐS Du lịch: Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực

Thu Hiền -  Thứ hai, 08/04/2019 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những vấn đề xoay quanh thị trường đang thu hút hàng tỷ đô la vốn đầu tư vừa được thảo luận tại “Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019”.

Với chủ đề “Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực”, vừa diễn ra ngày 6/4/2019 tại TP HCM.

Ông Nguyễn Trần Nam- Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam

Sự kiện do TheLEADER tổ chức với sự tham dự của Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản, Tổng cục Du lịch và hơn 500 khách mời.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đánh giá: Nhiều năm qua, Việt Nam liên tục được cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thu hút một lượng lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh.

Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam

Du lịch Việt Nam cũng có các bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng từ 30 - 40%/năm, lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam

Ông Tiến nhận định những yếu tố quan trọng này đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế đất nước nói chung và tới nhiều ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế nói riêng, trong đó có lĩnh vực BĐS và đặc biệt là BĐS du lịch.

Ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao của JLL

Thị trường BĐS du lịch Việt Nam được ghi nhận là đang có sự bùng nổ mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Không ít doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư BĐS nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào BĐS du lịch, tạo nên một làn sóng phát triển rất sôi động của thị trường BĐS du lịch ở hầu khắp các địa phương đang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Novaland

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực BĐS du lịch, áp lực tăng cao về hạ tầng và dịch vụ du lịch, song hành cùng với sự đổ bộ của hàng loạt các dự án BĐS du lịch lớn, bài toán quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế du lịch địa phương đang cần có lời giải.

Ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đưa ra một số đánh giá toàn cảnh của thị trường BĐS du lịch Việt Nam.

Theo ông Nam, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam cho đến nay các mục tiêu đề ra đều đang phát triển vượt kế hoạch. Tuy nhiên, ông Nam đánh giá, du lịch Việt Nam đôi khi quá xem trọng vai trò của khách du lịch nước ngoài, trong khi 80 triệu người Việt đóng vai trò khách du lịch nội địa cũng quan trọng không kém.

Khách mời tham dự tọa đàm

Khi tôi tham quan các resort 5 sao Việt Nam, tôi thấy khách du lịch Việt Nam là chính, còn khách du lịch nước ngoài lại thích kiểu khác. Họ thích khám phá, phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch tiết kiệm. Vì vậy, chúng ta phải cân đối, cần tập trung cả quảng bá du lịch cho khách nội địa”, ông Nam chia sẻ.

Dù dư địa thị trường lớn, miếng bánh trên thị trường BĐS du lịch “rất ngon” nhưng không phải ai cũng ăn được. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, phương pháp đấu giá BĐS hiện nay không ổn. Đối với BĐS du lịch, các doanh nghiệp cần tham gia đầu thầu dự án gồm doanh thu, phương pháp xây dựng,…

Để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt nguồn nhân lực, theo ông Nam, các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp Việt, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường BĐS là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này.

Ngoài ra, về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam, với tư cách là nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp về BĐS, Hiệp hội sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo, tham quan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự các cấp cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề.

Ông Nam cũng cho rằng, nghị định 20 của Chính phủ cũng là rào cản lớn dành cho các doanh nghiệp BĐS. BĐS du lịch đòi hỏi nguồn vốn lớn, dài hạn, đòi hỏi chuyên môn, uy tín dẫn đến các tập đoàn phải tham gia. Tuy nhiên, nghị định 20 quy định tỷ lệ lãi vay ngân hàng DN đang hạn chế các doanh nghiệp BĐS sử dụng đòn bẩy tài chính, qua đó giảm quy mô đầu tư. Nếu chính phủ, DN không cùng hợp lực để bứt lên thì tăng trưởng năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu. Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào BĐS du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.

Theo ông Hà Văn Siêu, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn...

Thực tế từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển BĐS du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh; Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào BĐS du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho BĐS tại điểm du lịch.

Ông Siêu cho rằng, với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.

Ông Hà Văn Siêu nhận định: “Giai đoạn tới với đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó công nghệ thông tin truyền thông được ứng dụng sâu rộng trong du lịch; khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến với nhiều phương thức tiêu dùng du lịch theo nhiều xu hướng khác nhau”.

Với chủ đầu tư dự án, ông Siêu đưa ra lời khuyên cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp; xác định tầm nhìn dài hạn; có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch.

Năm 2018, tăng trưởng khách du lịch Việt Nam là 18%. Đánh giá cao thành công của ngành du lịch, song ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao của JLL cho biết, Việt Nam thu hút được 15 triệu lượt khách trong năm qua, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt. “Nếu so sánh với Việt Nam, có thể thấy chúng ta có nhiều điểm đến hơn rất nhiều. Việt Nam có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, cùng với đó là 3 điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm đến tuyệt vời khác. Vậy tại sao, Việt Nam lại đứng sau Thái Lan?”, ông Adam Bury đặt câu hỏi.

Theo ông Adam Fury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.

 “Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại”, ông Adam Fury chia sẻ.

Với 22 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) mở đầu bài tham luận bằng nhận định: “Đây là một ngành phức tạp”.

Theo ông Kai Marcus Schroter, mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới, nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần được khắc phục.

Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cho rằng, Việt Nam có rất nhiều hình ảnh đẹp, nhưng vì hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa tốt, nên nhiều khách du lịch chưa biết tới Việt Nam.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch ở Việt Nam theo ông Kai Marcus Schroter vẫn còn nhiều hạn chế. Các chính sách cho người nước ngoài, khách du lịch chưa thực sự thuận lợi.

“Tôi có cơ hội tham gia khá nhiều hội thảo đầu tư tại Việt Nam. Tại đây, người ta kêu gọi rất nhiều các dự án casino, trường đua, thể thao… Nghe thì thú vị, nhưng khi nhìn vào quy hoạch tổng thể thì lại rời rạc. Tôi tin rằng, việc kêu gọi đầu tư này là một động thái tốt. Nhưng để đi vào thực tế, Việt Nam cần cân nhắc tính khả thi. Tỉ lệ 90% các dự án đầu tư được kêu gọi thiếu tính khả thi là điều rất đáng suy ngẫm”, ông Kai Marcus Schroter đánh giá.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Novaland chia sẻ, du lịch có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trực tiếp 8% vào GDP, gián tiếp 14% GDP. Trong khi đó, lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 4%, dẫn đến mất cân đối khá lớn khi khách du lịch đổ về quá lớn trong 1 thời gian ngắn.

Về chất lượng, hướng dẫn viên du lịch, khách du lịch độ 15 triệu năm 2018 nhưng tỉ lệ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh chỉ 40%, thạo tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Hàn Quốc độ 2%.

Điều này cho thấy nguồn nhân lực có khả năng bị thua ngay trên sân nhà khi hướng dẫn viên du lịch nước ngoài tràn vào. Lực lượng từ nước ngoài nhảy vào Việt Nam, nội tại ko đủ để chuẩn bị

"Cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng đc 60% nhu cầu, chưa nói đến chất lượng", ông Phiên nhận định.

Khép lại buổi tọa đàm, trả lời cho câu hỏi: Ngoài minh bạch thị trường và vấn đề tỷ suất lợi nhuận đầu tư, bất động sản du lịch Việt Nam cần tháo gỡ những khó khăn gì?, ông Luis Mesquita de Melo, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp chế - Asian Coast Development Ltd chia sẻ: Việt Nam đang từng bước bắt kịp các quốc gia láng giềng, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch nội địa tại Việt Nam. Ông Luis Mesquita de Melo đánh giá, đây là dấu hiệu của sự phát triển bền vững, và sẽ thật tuyệt vời nếu Việt Nam làm được điều tương tự với cả đối tượng khách du lịch nước ngoài.

Bạn đang đọc bài viết BĐS Du lịch: Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.