Thứ bảy, 20/04/2024 18:58 (GMT+7)

Bắt đầu tháo dỡ chung cư chờ sập ở TP.HCM

MTĐT -  Thứ hai, 02/03/2020 11:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND TP.HCM cho biết, đơn vị thi công đang thực hiện tháo dỡ chung cư 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé. Đây là chung cư cấp D - nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào.

Ngày 29/2, UBND TP.HCM cho biết, đơn vị thi công đang thực hiện tháo dỡ chung cư 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé. Công trình tháo dỡ được UBND quận 1 cấp phép số 2623/QĐ-UBND ngày 24/12/2019. Dự kiến, công tác tháo dỡ sẽ hoàn thành vào ngày 20/3.

Chung cư 23 Lý Tự Trọng toạ lạc ngay giao lộ Lý Tự Trọng – Thái Văn Lung, quy mô 2 block cao 5 tầng và 8 tầng, được xây dựng từ trước năm 1975. Đây là chung cư nằm trong chương trình phá dỡ, xây dựng lại chung cư mới theo kế hoạch của Thành phố.

Theo Sở Xây dựng đánh giá đây là chung cư cấp D - nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào. Chung cư này được đưa vào kế kế hoạch di dời, giải tỏa các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 để xây dựng chung cư mới.

Chung cư số 23 Lý Tự Trọng có 2 block, gồm 7 và 4 tầng lầu. Tháng 6/2018, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Q.1, đã cũng tổ công tác đến cưỡng chế 3 hộ không chịu di dời. Trong đó, văn phòng của Hội Mỹ thuật thành phố vẫn còn nguyên đồ đạc.

Ngoài ra, theo kế hoạch, trong quý I, quận 1 cũng phê duyệt phương án tháo dỡ chung cư 128 Hai Bà Trưng (phường Đa Kao) và hoàn tất tháo dỡ trong quý 2/2020.

Năm 2020 TP.HCM sẽ xây 10 chung cư mới

Theo kế hoạch của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm nay Thành phố sẽ khởi công xây mới 10 chung cư cũ; di dời hơn 500 hộ dân đang sinh sống tại 9 chung cư xuống cấp nguy hiểm. Ngoài ra, 12 chung cư “chờ sập” khác cũng được hoàn tất tháo dỡ.

Đối với 10 chung cư cũ đã hoàn tất di dời và có nhà đầu tư, Sở Xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục để các đơn vị khởi công xây dựng trong năm. Bên cạnh đó, 12 chung cư khác được xếp loại cấp nguy hiểm cũng sẽ hoàn tất tháo dỡ.

16 hộ dân còn lại tại chung cư 155 – 157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão) sẽ được di dời trong quý 1/2020. Hiện chung cư này vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư xây mới, Sở Xây dựng dự kiến hoàn tất tháo dỡ trong quý 3/2020.

Trên địa bàn quận 3 có chung cư 11 Võ Văn Tần xuống cấp trầm trọng, đã di dời hơn 90% hộ dân và lựa chọn được nhà đầu tư, dự kiến sẽ hoàn tất tháo dỡ trong quý 3/2020. Hai chung cư ở quận 4 là chung cư Vĩnh Hội (lô A, B và C) và chung cư 6 Bis Nguyễn Tất Thành cũng đã có kế hoạch tổ chức hội nghị nhà chung cư và đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư, hoàn tất tháo dỡ trong năm 2020.

Đới với các chung cư xuống cấp nhưng sau khi tháo dỡ sẽ không xây lại trên vị trí cũ như chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư 119B Tân Hoà Đông (quận 6) hay chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), các hộ dân được di dời đến nơi bố trí tạm cư, tái định cư trong khi chờ cơ quan chức năng duyệt giá bồi thường.

Từ khi triển khai chương trình cải tạo chung cư năm 2016 trên địa bàn, đến nay TP.HCM đã cải tạo, sửa chữa 132 chung cư, khởi công xây mới 8 chung cư thay thế chung cư cũ. Trong 989 căn hộ thuộc các chung cư xếp loại nguy hiểm, TP.HCM đã di dời 473 hộ dân. Kế hoạch năm 2020, Thành phố sẽ thực hiện cải tạo, sửa chữa và đâu tư xây mới 172 chung cư, chỉ đạt 73% kế hoạch chương trình.

Còn nhiều vướng mắc

Có nhiều vướng mắc khiến chương trình cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM kéo dài, chưa đạt kế hoạch, như thiếu sự đồng thuận trong việc di dời; chủ đầu tư mất nhiều thời gian thoả thuận bồi thường, hỗ trợ tái định cư với từng hộ dân; thủ tục hành chính kéo dài…

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, công ty ông tham gia liên danh và được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư và giao làm chủ đầu tư xây mới cụm chung cư ở quận Bình Thạnh từ năm 2010.

Tuy nhiên sự chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 dẫn đến thủ tục công nhận chủ đầu tư bị kéo dài, đến nay vẫn chưa thể triển khai xây dựng được.

Một khó khăn nữa khi xây mới chung cư cũ là sự đồng thuận của người dân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay, Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định đối với nhà chung cư xếp loại cấp A, B và C muốn phá dỡ để xây dựng lại phải được tất cả chủ sở hữu thống nhất, điều này rất khó thực hiện.

Theo Chủ tịch HoREA, nghị định này cũng không quy định chỉ tiêu dân số có tính ưu đãi để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng lại chung cư cũ, tái định cư tại chỗ các hộ dân và có thêm sản phẩm căn hộ để bán thu hồi vốn.

Do đó, ông Châu kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP theo hướng chỉ cần 2/3 hoặc 3/4 chủ sở hữu chung cư đồng thuận thì sẽ tiến hành tháo dỡ chung cư loại A, B và C. Đồng thời, giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chỉ tiêu dân số đối với dự án xây dựng lại chung cư cũ để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Để tháo gỡ những vướng mắc, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng quy định thời điểm tổ chức di dời khẩn cấp đối với chung cư cấp D nguy hiểm theo hướng tổ chức di dời ngay sau khi ban hành kế hoạch di dời khẩn cấp; phối hợp với Bộ TN&MT sớm có ý kiến về trình tự thủ tục thu hồi đất khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ mà Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa đề cập.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bắt đầu tháo dỡ chung cư chờ sập ở TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất