Thứ sáu, 19/04/2024 16:44 (GMT+7)

Ai là người mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?

MTĐT -  Thứ ba, 03/04/2018 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TP. HCM) gây ra thảm họa kinh hoàng, nhiều người sống trong chung cư mới tìm hiểu về bảo hiểm cháy nổ.

“Lơ mơ” về bảo hiểm cháy nổ

Theo luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội), căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành thì việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với chung cư (CC) từ năm 2003.

Đồng quan điểm, LS Trương Anh Tú (Đoàn LS TP. Hà Nội) cho hay, về việc bảo hiểm cháy nổ cho tòa nhà, ngoài quy định tại luật Nhà ở, hệ thống pháp luật về bảo hiểm cũng có quy định rất rõ. Trong quá trình xây dựng công trình tòa nhà, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm. Còn khi đã hoàn thiện, bàn giao, cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cho căn hộ mình ở.

Tuy nhiên, thực tế rất ít người mua bảo hiểm cháy nổ cho riêng từng căn hộ, thậm chí có người không biết đến bảo hiểm này.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân CC Carina Plaza cho biết, hầu hết các hộ dân tại đây đều không biết quy định về bảo hiểm cháy nổ.

“Tôi tìm hiểu thì biết rất nhiều cư dân CC khi mua nhà về ở đều không biết, không nghe ban quản lý (BQL) nhắc đến bảo hiểm cháy nổ. Giờ gặp sự cố rồi thì mới nghe nhắc đến bảo hiểm. Chỉ có những hộ gia đình vay ngân hàng mua CC phải bắt buộc mua bảo hiểm thì các ngân hàng mới giải ngân. Theo thống kê, cho đến nay đã có 10 hộ tại CC Carina mua bảo hiểm vì vay tiền ngân hàng mua nhà bị thiệt hại trong vụ cháy”, bà Mai nói.

Không chỉ riêng tại chung cư Carina, thực tế người dân sinh sống tại các khu chung cư cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thậm chí có người còn tỏ ra khá “thờ ơ” với loại bảo hiểm này.

Nhiều người chưa hiểu rõ về bảo hiểm cháy nổ. 

Bà Nguyễn Huyền - cư dân sinh sống tại một chung cư ở Q.Tân Phú cho biết, lâu nay mua nhà dọn vào ở cứ nghĩ chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ cho toàn bộ chung cư.

Trong các cuộc họp cư dân ít khi nghe nhắc đến chuyện cư dân phải mua bảo hiểm, do vậy bà không biết để mua.

Thời gian gần đây đọc thông tin về bảo hiểm cháy nổ, bà mới biết gia đình phải mua riêng bảo hiểm cho phần diện tích căn hộ.

"Chi phí bảo hiểm hiện giờ không quá cao nhưng lỡ xảy ra hỏa hoạn còn được bồi thường. Lâu nay có ai nhắc hay xử phạt gì đâu để biết mà mua" - bà Huyền chia sẻ.

Nhiều thủ tục làm khó người dân

Chị Lê Thu Anh – một cư dân sinh sống ở chung cư CT5 Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) đã hơn hai năm nay nói rằng, không hề biết có quy định phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho căn hộ của mình. Theo chị, việc mua bảo hiểm là không cần thiết vì chung cư có hệ thống, phương tiện PCCC và đã thành lập đội PCCC cơ sở theo quy định.

Tuy nhiên, một số người không mua bảo hiểm cháy nổ vì cho rằng, hồ sơ thủ tục để hưởng bồi thường từ phía công ty bảo hiểm còn khá phức tạp, nhiều quy định vẫn làm khó người dân.

Chị Lê Thị Liên (cư dân khu chung cư Xa La, Hà Đông) cho biết, sau khi xảy ra thiệt hại, bên bảo hiểm yêu cầu thông báo bằng văn bản kèm chứng thực của cơ quan điều tra không quá ba ngày. Theo chị, để có biên bản xác nhận cũng như chứng thực của cơ quan công an trong thời gian ngắn như thế là rất khó.

Sau vụ cháy chung cư Carina nhiều người mới tìm hiểu về bảo hiểm cháy nổ.

Người dân phải mua bảo hiểm cháy nổ

Ông Phan Thanh Tài, Trưởng BQL CC Bộ Công an cho biết, sau vụ cháy Carina và CC Parc Spring, BQL CC đã thông báo cho cư dân mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

“Đối với diện tích thuộc sở hữu riêng là các căn hộ thì không được chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ, mà bảo hiểm này bắt buộc người dân CC phải mua. Người dân có thể mua thông qua BQL hoặc tự mua bảo hiểm bên ngoài không bắt buộc. Phí bảo hiểm cháy nổ của căn hộ được tính bằng tỷ lệ bảo hiểm nhân với giá trị từng căn hộ, dao động 1 năm khoảng 250.000 - 1,7 triệu đồng. BQL đã dán thông báo cho cư dân vì nếu khi xảy ra cháy nổ mà không có bảo hiểm thì không đảm bảo được quyền lợi cho mình”, ông Tài nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tài, chi phí mua bảo hiểm cho phần diện tích sở hữu chung, chủ đầu tư sẽ đại diện ký hợp đồng với một công ty bảo hiểm và thanh toán trước, sau đó cư dân thanh toán lại cho chủ đầu tư khi nhận thông báo phí.

“Bảo hiểm cháy nổ cho phần sở hữu chung gồm nhà để xe, nhà cộng đồng, hành lang bao quanh CC, cầu thang, thang máy... và được chủ đầu tư mua hằng năm, cứ hết hợp đồng mỗi năm, chủ đầu tư tiếp tục mua bảo hiểm bắt buộc này”, ông Tài nói.

LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, về nguyên tắc mua bảo hiểm cháy nổ CC thì phải mua cho toàn bộ tòa nhà, không mua từng phần và ai là người quản lý tòa nhà sẽ phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm đó.

“BQL sẽ quyết định và chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bán bảo hiểm dựa trên diện tích toàn bộ CC, các tài sản liên quan để tính mức bảo hiểm. Sau đó, BQL sẽ dựa vào diện tích từng căn hộ để tính phí bảo hiểm và thu từ các cư dân”, LS Công nói.

Quay trở lại vụ cháy tại chung cư Carina, được biết, chủ đầu tư chung cư Carina là Công ty Hùng Thanh ngày 1/9/2017 đã sử dụng kinh phí bảo trì chung cư ký hợp đồng với Công ty bảo hiểm PVI Đà Nẵng mua bảo hiểm, mức phí 107 triệu đồng, số tiền bảo hiểm 357 tỉ đồng, thời hạn đến hết ngày 1/9/2018.

Trong đó, đối tượng được mua bảo hiểm gồm: giá trị xây dựng tòa nhà kèm các thiết bị hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, hệ thống chữa cháy tự động, cấp nước chữa cháy vách tường, báo cháy tự động, chống sét đánh thẳng cửa chống cháy, đèn chiếu sáng sự cố - exit (thoát hiểm), màn nước ngăn cháy, buồng thang và các thiết bị liên quan đến tòa nhà; đồng thời mức bồi thường thiệt hại cho người thứ 3 tối đa 500 triệu đồng.

Còn đại diện Công ty Hùng Thanh khẳng định “trong trường hợp có kết luận trách nhiệm bảo hiểm, nếu số tiền bồi thường vượt quá 500 triệu đồng (bảo hiểm) thì chủ đầu tư sẽ chịu mọi chi phí bù vào với chủ trương không để cư dân bị thiệt”

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Đức Vinh - phó phòng hướng dẫn kỹ thuật phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, theo quy định phải mua bảo hiểm cho cả tòa nhà và các công trình, thiết bị kèm theo.

Vì vậy, những công trình có nguy cơ cháy nổ không mua bảo hiểm hoặc mua không đầy đủ như trên sẽ bị xử phạt.

Nhưng thực tế khó xác định được đối tượng xử phạt. Ban quản trị chung cư chỉ là người được cư dân bầu ra và nhận ủy quyền của các chủ sở hữu trong tòa nhà để thương thảo hợp đồng và mua bảo hiểm.

Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 quy định về việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo đó, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Theo nghị định này, mức phí bảo hiểm được quy định đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức phí bảo hiểm quy định mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân tỷ lệ phí bảo hiểm. Căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tỷ lệ phí bảo hiểm không thấp hơn tỷ lệ phí bảo hiểm.

Nghị định cũng quy định số tiền bồi thường bảo hiểm với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm theo quy định. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ các quy định dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.

Phía bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường với những khoản tiền phát sinh, tăng thêm do hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Tổng hợp theo (TNO, TTO, Nhân dân)

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Ai là người mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước