Thứ bảy, 20/04/2024 12:13 (GMT+7)

Trăm nỗi khó khăn của công nhân vệ sinh môi trường

Hồng Anh -  Thứ bảy, 25/08/2018 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công việc của công nhân vệ sinh môi trường nhìn vào rất đơn giản nhưng ẩn sau đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn không phải ai cũng hiểu.

Công việc nặng nhọc, nguy hại

Vệ sinh đường phố là một nghề công ích nặng nhọc. Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt của người dân là rất lớn và ngày càng tăng. Điều đó khiến cho khối lượng công việc vệ sinh môi trường nhiều hơn, nặng nhọc hơn đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm hết việc chứ không phải làm hết giờ, chỉ khi nào hết rác thì người công nhân mới an tâm nghỉ ngơi. Nhiều hôm rác nhiều quét mãi không hết, dù đã đến giờ tan ca, người công nhân vẫn miệt mài quét, ca làm 8 tiếng nhưng thường công nhân phải làm đến mười mấy tiếng mới xong. Bởi lẽ, để gắn bó được với nghề thì không thể chỉ biết đến miếng cơm manh áo mà phải thực sự nhận thức được ý nghĩa công việc mình mang lại nên những người công nhân môi trường thường rất tận tâm và có trách nhiệm cao trong việc làm sạch đẹp thành phố.

Dù trời nắng hay mưa, người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc dọn vệ sinh đường phố (Ảnh minh họa)

Anh Lê Hoàng Vững (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự “Có những hôm công việc đã hoàn thành, thì nửa đêm, người dân lại đổ đất đá ra đường. Anh em trong tổ lại bảo nhau ra dọn tiếp, cho sạch sẽ để không xảy ra tai nạn giao thông. Cực, mất công, nhưng phải làm thôi, chứ để lem nhem thấy khó coi quá”.

Hay vợ chồng ông Quách Văn Ngạn (phường 11, quận 3) chia nhau đi gom rác từ các đường mặt tiền đến các con hẻm nhỏ. Họ thường đi từ 9 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa, có hôm nhiều gia đình nấu nướng mang rác ra trễ, ông Ngạn hay quay trở vào hẻm thu gom lần nữa. Theo ông, như vậy mới an tâm về ăn cơm ngon, “chứ nghĩ đến trong hẻm nhỏ còn chình ình vài bọc rác, tôi cảm thấy áy náy thế nào ấy”.

Khối lượng công việc nhiều đã đành nhưng điều đáng quan tâm hơn đối với công nhân vệ sinh là hàng ngày phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải. Cứ nơi nào người dân tránh xa vì mùi hôi thối, bẩn thỉu thì người công nhân vệ sinh lại phải lao vào dọn dẹp, thu gom. Thông thường, chất thải sinh hoạt hàng ngày sau khi được thu gom sẽ được đem về tập kết tại các nhà mày, bãi xử lý.

Việc phân loại, xử lý rác không dùng máy móc mà phải làm thủ công, hàng trăm mùi hỗn hợp, hôi nồng bốc lên. Có rất nhiều loại rác khác nhau vậy mà công nhân môi trường hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp. Dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người bị mắc các bệnh về da và các căn bệnh truyền nhiễm.

Nguy hiểm luôn cận kề

Công nhân thường làm việc trong đêm khuya. Đây là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn, rủi ro như: tai nạn giao thông, bị các đối tượng say xỉn, trêu ghẹo, lợi dụng ...Trên mạng xã hội đã từng đăng tải rất nhiều tin tức về việc công nhân vệ sinh môi trường bị xe đâm khi đang làm nhiệm vụ.

Điển hình như vụ tai nạn thương tâm của một nam công nhân thuộc chi nhánh Urenco Hai Bà Trưng đang quét dọn đường Kim Ngưu bị người điều khiển xe máy say rượu đâm trúng dẫn đến chấn thương sọ não hay vụ một lái xe rác 3 bánh của Công ty Môi trường Thăng Long tử vong do va chạm với xe tải trên đường Tam Trinh (Hà Nội) ...Đó chỉ là những vụ nổi bật nhất.

Thực tế, tai nạn giao thông và việc gặp những đối tượng tệ nạn đối với các công nhân vệ sinh môi trường diễn ra rất thường xuyên. Biết là vậy nhưng họ cũng đành cố gắng chấp nhận, thích nghi để hoàn thành công việc.

Công nhân môi trường vẫn chưa được người dân tôn trọng

Nghề này còn chất chứa nhiều nỗi buồn. Nỗi buồn đến từ thái độ của người dân. Hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân chưa cao nên việc thu gom, dọn vệ sinh đường phố càng thêm vất vả, nặng nhọc. Nhiều người cho rằng, việc thu gom rác thải, làm sạch đường phố là trách nhiệm của công nhân vệ sinh, nên ngay cả những nơi có đặt biển cấm đổ rác và những con đường chính ở thành phố, một số người dân vẫn ngang nhiên đổ rác ra đường, trong khi thùng rác được đặt ở cạnh đó. Trên nhiều tuyến phố, dù đã đặt các thùng rác, người dân vẫn thản nhiên chất đống dưới chân thùng.Trong những ngõ sâu xe tải nhỏ chưa vào được, công nhân vẫn phải đẩy xe tay. Khi gõ kẻng, nhiều người không mang rác ra bỏ ngay, đến khi xe đi qua thì những bịch nilon rác lại xuất hiện giữa lối đi. Thậm chí, có công nhân còn bị người đứng từ xa, trên cao quẳng rác, hắt nước vào người, bị hành hung khi nhắc nhở giữ vệ sinh chung

Những người đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của mình với cộng đồng nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn. Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe nhưng họ ít được xã hội coi trọng như những ngành nghề khác. Chính vì thái độ xem thường, miệt thị của người dân dành cho nghề này mà ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ.

Bà Phạm Minh Tâm (quận 3, TPHCM) chia sẻ, con gái mình đã vào cấp ba nhưng chưa bao giờ dám rủ bạn bè về nhà dù gia đình sống trong một ngôi nhà khang trang do ông bà nội để lại. Một lần làm hồ sơ trong lớp, con gái chị về khóc khi khai mẹ là công nhân nhưng một bạn thêm vào hai chữ vệ sinh khiến cả bọn cười ầm, ngay cô giáo chủ nhiệm cũng ngượng với thái độ của học trò lớp mình. Sau đó, cô phải giảng một bài về công việc khó nhọc và cần thiết của công nhân vệ sinh môi trường. Cả lớp im lặng nhưng con gái của chị Tâm vẫn mang một nỗi buồn trĩu nặng.

Chị Lê Kim Phượng (quận Bình Thạnh, TPHCM) thổ lộ con trai học mẫu giáo, một hôm cậu về mếu máo nói bị bạn bè chọc “ba mẹ mày là đồ hốt rác” trong khi ba mẹ các bạn cũng chỉ là dân lao động, buôn gánh bán bưng “Dù trong lớp cô giáo dạy mọi nghề đều đáng quý theo sự phân công của xã hội, con tôi cũng vẫn buồn. Khi lớn hơn, thằng bé lại năn nỉ ba bỏ nghề rác chạy xe ôm, còn tôi nấu bánh canh bán đầu xóm. Biết sao bây giờ khi con cái cũng có nỗi khổ của mình”

Tuy nhiên, cũng có những người con hiểu và thông cảm cho công việc của ba mẹ, như em Nguyễn Thị Hạnh (học sinh trường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 - TPHCM) hãnh diện nói: “Nếu không có công nhân vệ sinh, rác sẽ ngập đầy đường, bệnh truyền nhiễm sẽ phát triển. Ba mẹ em là công nhân vệ sinh nhưng đã lo cho em cuộc sống đầy đủ, cơm ăn áo mặc không thua ai. Em cố học để sau này đi làm cho ba mẹ nghỉ hưu nhàn hạ”.

Em Phạm Văn Luyện (học sinh trường Trần Văn Đang, quận 3 - TPHCM) cũng tự hào khi nhắc đến nghề nghiệp của ba mẹ: “Nhờ có những người như ba mẹ em, thành phố mới được sạch sẽ”. Bà Tạ Thị Ba, một công nhân vệ sinh cũng cho biết, mình may mắn có hai con từ nhỏ đã rất biết cảm thông: “Hai con tôi, gái lớn đang học Đại học Sư Phạm, trai kế học lớp 11 đều mong học hành tới nơi tới chốn, mau ra trường có nghề nghiệp để ba mẹ được nghỉ ngơi. Chúng không phàn nàn gì ba mẹ nên mình cũng an tâm với công việc”.

Công nhân vệ sinh môi trường là những người bất chấp khó nhọc để giúp cho môi trường luôn sạch đẹp, giữ gìn cảnh quan xã hội. Họ là những người hùng thầm lặng trong cuộc sống của chúng ta. Thiết nghĩ, mọi người cần dành cho họ sự tôn trọng và có ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường./.

Bạn đang đọc bài viết Trăm nỗi khó khăn của công nhân vệ sinh môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ