Thứ sáu, 19/04/2024 16:15 (GMT+7)

Thành phố hoa lệ và những vết chai sạn hằn trên bàn tay nữ lao công

Văn Bình -  Thứ ba, 16/10/2018 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bàn tay ấy chẳng ngại gió mưa mà thoăn thoắt dọn dẹp đường phố; bàn tay ấy chẳng ngại nhọc nhằn mà đi khắp các phố cùng ngõ hẻm để làm sạch môi trường. Đó là bàn tay lao động, là bàn tay đẹp nhất!

Không khí lạnh tràn về Hà Nội mấy ngày nay khiến cho cô Thành - công nhân vệ sinh môi trường Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên không khỏi lo lắng. Lo là bởi nếu trời chuyển mưa rét thì công việc của các cô sẽ vất vả bội phần. Ở bên kia con dốc cuộc đời, cô là người thấm thía được hết nỗi vất vả của ngành vệ sinh môi trường đô thị, nhất là nghề vệ sinh ở thành phố Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Thành, công nhân vệ sinh môi trường Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên.

Vừa đẩy xe rác ngất ngưởng về điểm tập kết, nhân lúc nghỉ giải lao, cô Thành lôi "đồ nghề" ra chau chuốt lại để chuẩn bị cho giờ cẩu rác. "Đây, nghề của cô chỉ có như thế này thôi, chổi này, xẻng này, có gì nữa đâu. À, còn có hai bàn tay cô nữa!" - cô cười xòa hiền hậu. Cây chổi tre là người bạn đường của công nhân vệ sinh môi trường, chẳng gì thay thế được.

Chiếc chổi tre và người công nhân môi trường.

 Tiếng chổi tre cũng đã đi vào tiềm thức của mỗi người, chí ít thì cũng đã 60 năm qua - khi nhà thơ Tố Hữu nặng lòng cảm phục mà viết lên từng chữ: 

"Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác..."

Người bạn đường của công nhân vệ sinh môi trường bao nhiêu năm qua, và bây giờ vẫn thế!

Với chiếc chổi tre thô sơ và bàn tay nhỏ bé, hàng nghìn công nhân môi trường hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đang phải gồng gánh 6000/tấn rác mỗi ngày. Đó là con số theo thống kê, còn thực tế ra sao, hẳn ai cũng nhìn rõ, rác thải vẫn vứt bừa bãi, ùn ứ khắp mọi nơi! 

Công việc của người công nhân môi trường thường chia theo ca làm việc, bởi có mấy ai đủ sức để đẩy xe rác cả một ngày. Như cô Thành được phân công làm việc ca sáng, 4 giờ 30 sáng bắt buộc phải rời khỏi nhà để 5 giờ có thể tới điểm làmThu gom, quét dọn tới quá trưa, 13 giờ, xe cẩu rác tới, công nhân cẩu rác lên xe, dọn dẹp và ra về cũng là lúc đồng hồ điểm 14 giờ. Giờ giấc nghiêm ngặt, vất vả nhưng đều đặn hơn 10 năm làm nghề, chưa bao giờ cô Thành dám lơ là điều gì trong công việc.

Cô bảo: "Nghề này coi vậy mà nghiêm ngặt giờ giấc hơn ai hết, đến muộn mà không thu gom kịp, xe cẩu tới giờ là người ta phải đến, không ai chờ mình cả đâu. Nếu mà muộn thì xác định rác ngày đó bị om tới tối muộn, mình bị kỷ luật ngay".

Tưởng chừng đơn giản nhưng nghề vệ sinh môi trường lại là nghề "làm dâu trăm họ".

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, phải cơ giới hóa toàn bộ việc quét rác dưới mặt đường, còn việc quét rác trên vỉa hè vẫn được công nhân công ty môi trường đảm nhận. Hiện nay, các đơn vị môi trường đã nhập khẩu máy chuyên dụng vừa có hút bụi, hút rác, đồng thời có hệ thống phun nước rửa đường. Một ca làm của loại xe chuyên dụng này được 12km đường, bằng 12 công nhân làm việc. Trong tháng 8 năm 2018, doanh nghiệp cung ứng thiết bị sẽ mở đại diện tại Việt Nam để bảo hành, bảo dưỡng số xe đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nếu được như vậy chắc hẳn cô Thành sẽ không còn vất vả như bây giờ, bàn tay của hàng nghìn công nhân vệ sinh môi trường đô thị sẽ vơi đi phần nào gánh nặng.

Bàn tay nhỏ bé phải thay cho toàn bộ máy móc trong khâu thu gom, vận chuyển rác thải tới trạm trung chuyển.

Người công nhân hiền hậu xòe hai bàn tay chai sạn minh chứng cho quá trình gắn bó với nghề môi trường từ năm 2002 của mình.

"Năm 2002 cô làm việc cho Công ty môi trường Thăng Long rồi chuyển qua một công ty khác, cũng gián đoạn mất 5 năm, nay lại về với Vĩnh Yên, bởi lẽ quen cái nghề, yêu cái nghề rồi chẳng bỏ được. Làm đâu quen đấy đấy!"

"Bởi lẽ quen cái nghề, yêu cái nghề rồi chẳng bỏ được!"

Rồi ánh mắt cô Thành lại xa xăm hơn: "Ấy thế mà tới giờ chẳng để dành ra được, đồng lương dè dặt đủ tiêu, công việc của cô vất vả trăm bề, vất vả nhất trong những nghề vất vả. Nhất là trời mưa dầm gió bấc này này, lạnh thấu xương. Lại sắp một mùa đông nữa rồi đấy, còn 2 mùa đông nữa là cô về nghỉ hưu, tới tuổi nghỉ ngơi rồi!"

Lại sắp một mùa đông khắc nghiệt nữa, mùa mà những đôi tay của người lao động lạnh buốt, lạnh đến cước đỏ bàn tay mà vẫn phải bươn chải vì công việc.

Bàn tay lao động.

"Hôm nay trời bắt đầu mưa, vài hôm nữa trời buốt hơn, công nhân vệ sinh phải đeo găng tay vải bên trong rồi đeo găng cao su bên ngoài để giữ ấm. Dù tay có cóng lắm cũng vẫn phải quét dọn, nhiều lúc nghĩ cô và mọi người cũng tủi thân".

Nhìn những hình ảnh này có lẽ ai cũng sẽ thấu hiểu được niềm mong mỏi lớn nhất của công nhân ngành vệ sinh môi trường đô thị đó là được cơ giới hóa công việc của mình.

Nơi tập trung dụng cụ làm việc của tổ công nhân vệ sinh ở Cầu Giấy, Hà Nội, thô sơ và thiếu thốn.

Nhiều ý tưởng đã được đề đạt, nhiều dự án cũng được lập nên nhưng rồi cho tới hiện tại, rác thải đô thị nước ta vẫn phải trông chờ vào bàn tay nhỏ bé của những người phụ nữ này. Năm 2018 - thế kỷ 21- thời đại 4.0 công nghệ số nhưng từng con phố, chặng đường vẫn phải nhờ cả vào người lao động mới mong có được diện mạo xanh - sạch - đẹp!

Vẫn là bàn tay ấy làm nên bộ mặt của đô thị Việt Nam bao nhiêu năm qua.

Sự vất vả của những người làm nghề vệ sinh môi trường có khi nào được xã hội thấu hiểu, có chăng chỉ là sự cảm thông mà thôi. Nếu thực sự thấu hiểu thì có lẽ hôm nay ở trong gốc cây nào đó không ụn lên vài mô rác; nếu thực sự thấu hiểu thì ai đó sẽ không bỏ kim tiêm, vật sắc nhọn nguy hiểm vào bao nilon, có phải không?

Việc xử lý rác như hiện nay chỉ mang tính chất “giải quyết phần ngọn”, nếu thời gian tới không có các giải pháp đồng bộ cả ở tầm vi mô và vĩ mô, sẽ gây tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của đô thị. Việc xử lý tận gốc rác thải sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn nếu có sự cố gắng từ chính nguồn phát sinh - người dân, đây cũng là niềm mong mỏi lớn nhất của cô Thành và những công nhân vệ sinh môi trường khác.

Đó là niềm mong mỏi về sau, còn trước mắt, trong nhiều năm tới bàn tay của những người công nhân sẽ vẫn còn chai sạn như bàn tay của cô Thành, mùa đông hay mùa hè thì bóng dáng "chị lao công như sắt, như đồng" sẽ vẫn là hình ảnh thân thuộc của người dân đô thị.

Bạn đang đọc bài viết Thành phố hoa lệ và những vết chai sạn hằn trên bàn tay nữ lao công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước