Thứ năm, 25/04/2024 07:00 (GMT+7)

Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhìn vào người công nhân này

Phan Thanh -  Thứ tư, 10/04/2019 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Anh Lý Thanh Tùng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm công nhân vệ sinh môi trường.

Bố, mẹ anh là những người đi trước, truyền tình yêu nghề, kinh nghiệm và là động lực to lớn cho việc lựa chọn theo nghề của anh. Nối tiếp truyền thống đó, năm 2000, vợ anh cũng đã vào công tác cùng anh tại Công ty Công trình công cộng Vĩnh Long.

Đến với nghề từ năm 1987, đã hơn 30 năm gắn bó cùng công việc, bao vất vả, khó nhọc anh đều đã được nếm trải. Không những thế chúng tôi còn bị ấn tượng bởi nghị lực vượt qua số phận của anh và gia đình.

Gia đình anh Lý Thanh Tùng được hai người con, những tưởng sẽ là gia đình nho nhỏ cùng vợ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn với công việc và thu nhập của mình. 

Nhưng công việc vệ sinh môi trường luôn mang trong mình những nguy hiểm rình rập lúc nào không hay, có thể là tai nạn, cũng có thể những căn bệnh do hậu quả lao động gây nên. Với anh Tùng thì anh đều được trải qua. Năm 2012, khi đang làm nhiệm vụ thu gom rác trên đường thì anh bất ngờ bị xe máy đụng phải, kết quả anh bị gãy xương chân, gãy xương sườn phải nằm điều trị bốn tháng. Tai nạn không chỉ để lại di chứng cho bản thân anh, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến gia đình anh, khi chi phí điều trị nhiều mà kinh tế gia đình lại gặp khó khăn. Gia đình anh rơi vào khủng hoảng, khiến hai đứa con của anh thôi học (người đi bán vé số, người đi phụ hồ), các em bất chấp trải đời sớm để có tiền cho cha nằm viện.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất, khi anh khỏi bệnh trở lại công ty, năm 2013, Ban lãnh đạo công ty và Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ tặng một suất mái ấm tình thương, hỗ trợ 20 triệu đồng để gia đình anh có một tổ ấm nhỏ. Đây cũng là niềm khích lệ to lớn và kịp thời để anh có thể yên tâm công tác, nỗ lực không phụ lòng của Ban lãnh đạo công ty.

Những tưởng những khó khăn đã qua đi với gia đình anh, nhưng đến năm 2016, ảnh hưởng từ môi trường làm việc, anh Tùng bị nổi hạch trên cổ, phải nhập viện phẫu thuật nếu không ảnh hưởng về sau. Khó khăn lại thêm chồng chất khi cả hai vợ chồng đều làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại, thường xuyên làm việc ban đêm, giờ giấc nghỉ ngơi không phù hợp nên sức khoẻ vợ anh Tùng cũng bị ảnh hưởng. Chị bị mất ngủ thường xuyên cùng với mắc bệnh u nang buồng trứng, phải nhập viện điều trị và phẫu thuật.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2018, vợ anh Tùng bị trượt té khi đang làm nhiệm vụ, đứt dây chằng chéo trước nên phải nằm viện (chủ yếu bằng tiền trợ cấp tai nạn lao động). Anh chia sẻ: “Có quá nhiều chuyện không mong muốn xảy ra với gia đình tôi, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, dù vừa uống thuốc điều trị bệnh vợ chồng tôi cũng cố gắng làm tròn trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt công việc của mình được giao”.

Được giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên các tuyến đường trọng điểm của thành phố, nơi tập trung nhiều hàng quán, đông dân cư sinh sống, lượng rác thải rất lớn nhưng không quản ngại gian khó, ốm đau anh Tùng luôn hết lòng vì công việc. Anh luôn tâm niệm: không có nghề nào sang, không có nghề nào hèn, chỉ cần đó là lao động chân chính thì nghề gì cũng đáng quý. Vì vậy, hơn 30 năm qua, mặc cho công việc chỉ là gắn bó với cây chổi, xẻng, thùng rác, xe rác… nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy mặc cảm và nản lòng. Dù là ngày nắng hay mưa, đêm hè hay gió rét anh vẫn miệt mài lao động, cùng với các anh em đồng nghiệp để thu gom rác thải làm sạch những tuyến đường, trả lại sự trong lành cho đường phố.

Anh Tùng luôn được đồng nghiệp và Ban lãnh đạo công ty dành nhiều lời khen và động viện chân thành. Trong công việc, anh luôn nghiên cứu, học hỏi, rút kết kinh nghiệm, luôn tự kiểm điểm đánh giá công việc được giao, đảm bảo đúng tiến độ, tích luỹ thêm nhiều kỹ năng, cùng truyền đạt cho các anh chị em, giúp nhau hoàn thành tốt công việc của mình. Đồng thời, anh còn mạnh dạn đề xuất với Lãnh đạo công ty trong việc mua sắm trang thiết bị, xe chuyên dùng thu gom rác thải, thùng ép rác kín và có hệ thống nâng kẹp thùng rác nhằm hạn chế phát tán mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và giảm bớt cường độ lao động cho anh em công nhân, bớt phần nào nặng nhọc khi đưa rác lên xe.

Anh Lý Thanh Tùng còn là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo lời Bác, anh luôn cố gắng làm những việc nhỏ hằng ngày gắn với công việc chuyên môn của mình. Anh chia sẻ: “Học Bác không học ở đâu xa mà là từ những việc nhỏ có ích hàng ngày. Với công việc thu gom vận chuyển rác thải của mình, luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao, góp phần làm cho môi trường ở những tuyến đường, khu vực được phân công thu gom rác sạch đẹp là đã học theo tấm gương của Bác”.

Qua quá trình công tác của mình, nhiều năm liền anh đạt được giấy khen “Chiến sỹ thi đua cơ sở” các năm 2007, 2017, 2018, nhận được Kỷ niệm chương và giấy khen của Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam năm 2015.

Không quan trọng bạn là ai, bạn làm nghề gì chỉ cần bạn nỗ lực, cống hiến hết mình thì những trái ngọt sẽ đến với bạn. Thành công thực sự chỉ dành cho những người biết hi sinh, toàn tâm toàn lực vì công việc của mình.

Bạn đang đọc bài viết Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhìn vào người công nhân này. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành