Thứ sáu, 19/04/2024 16:44 (GMT+7)

Chuyện những tiếng chổi tre đêm hè quét rác

Bùi Hạnh - Nguyễn Thức -  Thứ hai, 10/06/2019 09:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lang thang phố đêm Hải Phòng, không khó để bắt gặp những người lao công lầm lũi với công việc của mình.

Tôi đặc biệt chú ý đến người lao công già, bởi ở bà luôn thường trực nụ cười trên môi mỗi khi ai đó hỏi chuyện.

Cất tiếng hỏi thăm, người lao công già tạm ngưng công việc, niềm nở trò chuyện. Người lao công ấy là bà Nguyễn Thị Thái (61 tuổi, công nhân thu gom rác thuộc tổ rác phường Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng)

Hỏi về thời gian làm việc mỗi ngày, bà Thái kể, bà thường làm ca chiều, bắt đầu từ khoảng 14h, kết thúc khoảng 22h30. Có hôm nhiều rác, tắc đường, bà kết thúc công việc muộn hơn, khoảng gần 24h.

Mỗi ngày, trong 8-9h làm việc, bà Thái thu gom khoảng 5 xe rác. Chẳng xe rác nào vơi. Và để chiếc xe chở được nhiều rác nhất có thể, bà Thái cơi nới thêm thành xe cao hơn, treo móc rác xung quanh chiếc xe đẩy. Bà Thái lọt thỏm, bé nhỏ đằng sau chiếc xe đẩy ấy. Để chiếc xe di chuyển được, bà oằn mình cố sức đẩy.

Tôi đoán chừng bà Thái đã đến tuổi nghỉ hưu, bà Thái cười cười thừa nhận tôi đoán đúng. Bà kể, “Chẳng giấu gì cô, tôi đã đủ tuổi và nghỉ hưu rồi. Nhưng tôi yêu công việc này, trước là nó cho tôi thu nhập để nuôi sống cả nhà, sau nữa, tôi thấy mình quan trọng và có ích khi phố phường sạch sẽ”.

Theo lời bà Thái, bà đã nghỉ hưu, nhưng gần đây có đồng nghiệp trong tổ rác phường Nghĩa Xá hay đau ốm, lại bận con thơ nên bà chủ động hỗ trợ đồng nghiệp. Chỉ vào chiếc xe rác, bà Thái bảo, “cứ động vào xe là có tiền”. Mỗi ngày thu gom rác, bà Thái nhặt nhạnh được thêm vài đồ nhựa lặt vặt, gom lại đem bán phế liệu.

Bà Thái tươi cười trò chuyện với PV

Bà Thái chợt buồn khi tôi hỏi sao không nghỉ ngơi bởi tuổi đã cao. Bà bảo, nếu bà không khiến mình thêm bận bịu, vất vả thì cả nhà mấy miệng ăn sẽ thường trực nỗi lo bữa thiếu bữa đủ. Chồng bà Thái hôm nào nhỡ việc phụ xây cũng sẽ giúp bà gom một vài xe rác. Hai ông bà già vốn dĩ đến tuổi hưu, vẫn ham công tiếc việc bởi muốn có thêm đồng ra đồng vào lo cho đứa cháu nội 10 tuổi.

“Trăm hay không bằng tay quen cô ạ. Tôi không làm việc lại thấy bứt rứt”, bà Thái trò chuyện và lại tiếp tục với công việc của mình cho kịp gom xe rác cuối. Bà Thái bảo, sợ bản thân sẽ bị ốm nếu không được làm việc mỗi ngày. Công việc thu gom rác vốn độc hại, nhưng với bà Thái, công việc ấy là cuộc sống. Bà Thái quen thuộc từng ngôi nhà trên con phố. “Nhiều câu chuyện giữa tôi với mấy bà nội trợ trong các ngôi nhà trên phố kia trong ít phút gom rác, đổ rác…vui đáo để cô ạ”, bà Thái chia sẻ và hướng mắt về những ngôi nhà mà chủ nhân đã cửa đóng then cài đi nghỉ sau một ngày làm việc.

Sẽ có ngày bà Thái phải dừng việc thu gom, quét rác trên tuyến phố, khi đồng nghiệp của bà trở lại. Bà Thái bảo, sẽ nhớ lắm tiếng chổi tre mỗi đêm, nhớ cả “mùi” lao động đã gắn bó với bà quá nửa đời người.

Rác ơi!...
Tiếng một người phụ nữ trẻ tuổi gọi khi chiếc xe gom rác do lao công đã đi qua ngôi nhà chị ta sinh sống một đoạn. Chị Phạm Thị Lương (52 tuổi, Công ty môi trường số 1, Hải Phòng) nhẫn nại dừng lại và chờ người phụ nữ ấy quăng túi rác vào trong thùng xe, chị Lương tiếp tục công việc của mình. Chị Lương là công nhân thu gom rác, phụ trách khu vực phường Đồng Hòa, Kiến An, Hải Phòng.

Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, chị vẫn chẳng phút ngơi nghỉ, tất tả đẩy nhanh xe rác cho kịp đến nơi tập kết. Chị bảo, thường thì ca làm việc của chị bắt đầu từ 5h sáng hàng ngày. “Hôm nay rác nhiều, tranh thủ buổi tối tôi đi thu gom trước. Tiện có chồng tôi giúp thêm để đỡ vất vả”, chị Lương phân trần.

Gắn bó công việc thu gom rác đã 17 năm, chị Lương dường như đã quen thuộc từng ngóc ngách nhỏ của phường Đồng Hòa. Mỗi ca làm việc, thường chị Lương phải thu gom khoảng 5 xe rác đầy, chất cao quá người. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chưa khi nào chị Lương nghỉ việc. “Nghỉ một ngày rác chất đống khắp khu dân cư ngay. Dù có ốm thì chồng hoặc con tôi cũng phải giúp hoàn thành công việc”, chị Lương kể.

Mỗi tháng, chị Lương có mức thu nhập khoảng 5,5 triệu. Cả gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con của chị trông cả vào khoản thu nhập ấy. “Tằn tiện thì cũng chỉ đủ sống qua ngày cô ạ, sức khỏe ông nhà tôi yếu, làm được việc gì đâu”, chị Lương chia sẻ. Con trai chị đang theo học đại học, chị Lương cố dành dụm để nuôi con học bằng bạn bằng bè.

Mỗi ca làm việc, thường chị Lương phải thu gom khoảng 5 xe rác đầy, chất cao quá người

Chia tay những nữ lao công, tôi hòa vào dòng người thưa dần trong đêm. Những ngôi nhà phố thị cửa đóng then cài, phố xá rõ hơn tiếng chổi tre đêm hè. Những lao công, ẩn sau họ là những câu chuyện, những số phận cuộc đời. Duy nhất điểm chung giữa họ, là tình yêu lao động, là sự cần mẫn trong công việc của mình trong đêm.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện những tiếng chổi tre đêm hè quét rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.
Lặng thầm làm đẹp cho đời
"Khi được Công ty làm hồ sơ để đề cử đi nhận giải thưởng “Cây chổi vàng”, tôi nghĩ, được giải khuyến khích là đã mừng lắm rồi. Vậy nên khi được giải bạc, tôi và cả nhà rất vui, nhất là mẹ chồng vì bà là người tìm công việc này cho tôi khi tôi...".

Tin mới

Bài thơ: Phố giao mùa
Phố giao mùa bâng khuâng lối cũ//Lá sấu rụng đầy vướng chân đi///Cố dịu dàng qua thời con gái///Em nào có được gì?
Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước