Thứ bảy, 27/04/2024 10:28 (GMT+7)

Công nhân môi trường nhiều nguy cơ, rủi ro

MTĐT -  Thứ tư, 22/04/2020 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày thường, công việc của những công nhân vệ sinh môi trường đã rất vất vả. Mùa dịch bệnh, họ còn phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Nguy cơ tiềm ẩn
19 giờ, chị Nguyễn Thị Đông - công nhân Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai bắt đầu đi thu gom rác tại khu vực chợ đêm Pleiku. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những ngày này, khu vực chợ đêm khá yên tĩnh nhưng vẫn có khá nhiều rác thải sinh hoạt như thức ăn ôi thiu, bao bì ni lông, thủy tinh vỡ, kim loại sắc nhọn... Chị Đông cho hay: Nghề này rất vất vả, hàng ngày phải tiếp xúc với rác nên rất dễ mắc bệnh. “Hôi hám, bẩn thỉu lắm! Trong thời điểm dịch Covid-19, nguy cơ tiềm ẩn lại càng nhiều hơn. Ngày thường, nhìn thấy chiếc khẩu trang y tế lẫn trong đống rác thải thì thấy bình thường, nhưng giờ thì chúng tôi ai cũng ái ngại, không biết chúng có lưu chứa mầm bệnh hay không. Sau khi sử dụng khẩu trang y tế mọi người hãy gói gọn vào túi rác và để đúng nơi quy định, đừng xả ra lòng đường, hè phố để tránh ảnh hưởng tới cộng đồng”-chị Đông trải lòng.

Chị Nguyễn Thị Đông thu gom rác ở khu vực chợ đêm Pleiku.

Gần đó, đồng nghiệp của chị Đông là chị Cù Thị Bích Vân cũng đang tất bật gom rác cho vào xe đẩy. Tổ các chị có 10 người, ca tối bắt đầu từ 19 giờ hôm trước và kết thúc vào khoảng 1 giờ sáng hôm sau. Tùy vào lượng rác thải và công việc của mỗi ngày mà các chị có thể kết thúc ca làm việc sớm hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, phải thu gom hết rác vào đúng vị trí tập kết, đảm bảo thời gian để xe chuyên dụng đến đưa đi tiêu hủy, chôn lấp. Chị Vân tâm sự: “Để phòng-chống dịch, nhiều gia đình đã tranh thủ sửa chữa, vệ sinh nhà cửa, thay thế hoặc loại bỏ những vật dụng không cần thiết khiến lượng rác thải tăng cao. Nhiều đồ bỏ đi rất nguy hiểm cho sức khỏe người thu gom nhưng không được phân loại. Vì vậy, chúng tôi rất lo”.
Nhiều biện pháp đảm bảo sức khỏe
Nói về biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân trong thời điểm này, chị Đông cho biết: “Tuy có lo lắng nhưng vì tính chất công việc nên phải chấp nhận, lấy đồ bảo hộ làm thứ phòng thân. Công nhân được Công ty trang bị đồ bảo hộ lao động, khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn. Để bảo vệ sức khỏe, tôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo 2 lớp khẩu trang, đeo thêm một lớp găng tay ni lông bên ngoài găng tay bảo hộ thông thường, thường xuyên vệ sinh mũi, mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn…”.

Trong mùa dịch chị Cù Thị Bích Vân cẩn trọng thu gom mỗi bì rác thải.

Ngày thường, chị Vân bắt đầu công việc quen thuộc với chiếc nón, chiếc khẩu trang vải che mặt, đôi găng tay cao su và bộ quần áo bảo hộ lao động. Thế nhưng, trong những ngày cao điểm phòng-chống dịch Covid-19, hành trang của chị có thêm nhiều thứ: bên ngoài khẩu trang y tế là khẩu trang vải, găng tay ni lông bọc ngoài găng tay cao su, găng tay vải bên trong cùng, nước súc họng, nước rửa tay có cồn…
Giây phút nghỉ ngơi của công nhân vệ sinh môi trường cũng trở nên căng thẳng hơn trong mùa dịch. Chị Lê Thị Thu Trang - công nhân thu gom rác ở chợ Hoa Lư cho hay: “Thường thì sau vài tiếng thu gom rác trên các tuyến phố, trong chợ, chúng tôi giải lao ở một con phố vắng, tháo nón, tháo khẩu trang, gỡ găng tay, uống ngụm nước. Nhưng những thói quen ấy giờ đây lại khiến chúng tôi giật mình thon thót. Qua hơn 1 tháng cao điểm chống dịch, bây giờ, chúng tôi đã quen với việc dùng nước rửa tay có cồn và súc họng mỗi khi giải lao rồi. Lỉnh kỉnh một chút nhưng an toàn là trên hết cho bản thân và gia đình”. Chị Trang cũng mong muốn người dân nâng cao ý thức hơn trong việc phân loại, thu gom và tập kết rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi để tránh ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo an toàn cho công nhân thu gom rác.
Với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP. Pleiku, bà Nguyễn Thị Sen - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai cho biết: 100% công nhân vệ sinh môi trường đều được trang bị bổ sung đồ bảo hộ lao động, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn... cũng như theo dõi sức khỏe thường xuyên. Các thùng rác được phun khử khuẩn trước khi cho lên xe đưa về bãi tập kết. Khi trở về, xe và tất cả thùng rác cũng đều phải phun hóa chất khử khuẩn thêm một lần nữa để đảm bảo an toàn./.
Theo Đinh Yến/Báo Gia Lai
Bạn đang đọc bài viết Công nhân môi trường nhiều nguy cơ, rủi ro. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề