Thứ sáu, 29/03/2024 03:38 (GMT+7)

Cống hiến thầm lặng của những người dọn rác

Trịnh Thanh Toàn -  Thứ hai, 27/04/2020 16:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công việc của những người dọn rác là sự cống hiến thầm lặng, thầm lặng đến mức đó như là điều tất yếu của đời sống xã hội.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trong nhịp sống hối hả của phố thị, luôn tồn tại một lực lượng rất quan trọng, không thể thiếu nhưng hầu như ít được mọi người biết đến hoặc nhắc đến - họ là những người dọn rác. Bởi vốn dĩ công việc của họ là sự cống hiến thầm lặng, thầm lặng đến mức đó như là điều tất yếu của đời sống xã hội.

Cống hiến thầm lặng

Không là thái quá nếu nói những người dọn rác thải là những người mang sứ mệnh đặc biệt đối với xã hội. Vì không có họ thì không thể có một cuộc sống sạch đẹp chứ chưa nói đến phát triển bền vững. Chỉ đến khi nào nhân loại đạt đến ngưỡng phát triển mà robot hoàn toàn thay thế con người trong việc xử lý tất cả các khâu liên quan đến rác thải, vệ sinh môi trường thì khi đó sứ mệnh đặc biệt của họ mới kết thúc.

Ai trong chúng ta cũng biết rằng, rác là thứ đã qua sử dụng, bị con người vứt bỏ hoặc được tạo ra từ yếu tố tự nhiên liên quan đến động - thực vật. Tại TPHCM, mỗi ngày lượng rác thải ra môi trường ước khoảng 10.000 tấn, dự báo bình quân mỗi năm rác thải sinh hoạt ở thành phố tăng 5%. Nếu rác không được thu gom, xử lý thường xuyên, kịp thời thì hệ lụy gây ra với con người, với xã hội là điều vô cùng khủng khiếp. Rác gây mất mỹ quan đô thị. Rác gây tắc nghẽn cống rãnh, thậm chí ách tắc cầu đường. Rác gây ô nhiễm môi trường sống. Và đặc biệt nghiêm trọng hơn, rác gây ra những dịch bệnh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Không cần phân tích thêm cũng đủ thấy sứ mệnh đặc biệt của những người dọn rác là như thế nào.

Từ năm 1960 của thế kỷ trước, Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ trong bài thơ “Tiếng chổi tre” đi sâu vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt: “Những đêm Đông. Khi cơn dông vừa tắt. Tôi đứng trông. Trên đường lặng ngắt. Chị lao công. Như sắt, như đồng. Chị lao công. Đêm Đông quét rác”... Đã gần 60 năm, đến tận hôm nay, bài thơ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn và tính thời sự.

Người lao công trong bài thơ của cố Nhà thơ Tố Hữu chính là những công nhân vệ sinh - những người dọn rác vẫn ngày đêm, bất kể hè hay đông, họ vẫn lặng thầm làm một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn lao. Sự lặng thầm của họ có khi diễn ra ngay giữa nhịp sống hối hả của dòng người trên phố - khi những nắp hố ga được mở ra, những công nhân vệ sinh dầm mình trong nước thải dưới lòng cống, họ cào vớt bất cứ thứ rác thải gì mà dù do sự hữu ý của con người hay do nước mưa tự nhiên đẩy vào trong cống.

Đã không ít người trong chúng ta từng bịt kín mũi khi đi ngang qua chiếc xe chuyên dụng thu gom rác, chỉ một vài giây đồng hồ thôi nhưng cũng tỏ vẻ khó chịu. Còn đối với những công nhân vệ sinh, đó là nghề nghiệp, là cuộc sống của họ cùng gia đình. Và giống như những nghề nghiệp khác, công việc của họ vẫn phải được thực hiện hàng ngày. Không chỉ mùi hôi, họ còn phải đối mặt với rất nhiều mối hiểm nguy từ những thứ rác thải ấy gây ra như kim tiêm, mãnh vỡ thủy tinh, khí ga tích tụ…

Chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường

Công việc của mỗi người đều do sự phân công lao động xã hội tạo ra. Đương nhiên, ai cũng muốn có một công việc thuận lợi, phù hợp với điều kiện, đam mê của bản thân nhưng mang lại nguồn thu nhập đáp ứng được các nhu cầu cuộc sống. Nhưng nếu ai cũng chối bỏ các công việc nặng nhọc, có phần bị ghẻ lạnh từ những người xung quanh thì ai sẽ là người lặng thầm cống hiến để đảm bảo đời sống xã hội luôn ổn định và phát triển?

Tất cả chúng ta cần biết ơn những người dọn rác. Họ là người hàng ngày thầm lặng thu gom, xử lý những thứ rác thải mà phần nhiều trong số đó do chính chúng ta vứt bỏ ra và cũng không ít trong đó là hành động vứt bỏ vô tội vạ, bất chấp tác hại có thể tạo ra cho cuộc sống của mình.

Chúng ta phải biết ơn những người dọn rác, để chính lòng biết ơn đó nhắc nhở chúng ta phải hành xử như thế nào với những thứ rác thải sinh hoạt hàng ngày của bản thân và gia đình. Biết ơn để cùng chung tay, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ cảnh quan, môi trường sống cùng những công nhân vệ sinh, để công việc của họ bớt gian nan, vất vả hơn và để cuộc sống của chúng ta ít bị ảnh hưởng xấu từ yếu tố môi trường. Lòng biết ơn, chia sẻ khó khăn, chia sẻ trách nhiệm đối với những người dọn rác - những công nhân vệ sinh cũng chính là sự thể hiện trách nhiệm và hành động vì cuộc sống của chính mỗi người.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống, việc thu gom và xử lý rác thải rồi đây cũng được hỗ trợ tốt hơn bởi công nghệ để giảm bớt sức lao động của con người. Nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thứ rác thải mới và khó xử lý. Do vậy, trước khi công nghệ có thể thay thế hoàn toàn con người trong việc thu gom, xử lý rác thải thì cả xã hội phải cùng chung tay trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường./.

Bạn đang đọc bài viết Cống hiến thầm lặng của những người dọn rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Thêm vất vả vì vừa thu gom rác vừa giải thích với người dân
Liên quan đến việc người dân phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phản ánh công nhân Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ không thu gom rác trong nhiều ngày dẫn đến ùn ứ, phóng viên đã tìm gặp đội ngũ công nhân trực tiếp làm việc để hiểu rõ nguyên nhân.
Những phụ nữ "xuyên đêm" giữ sạch đẹp phố phường
Vượt lên nhiều khó khăn, các nữ công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Kạn vẫn sớm khuya gắn bó với công việc, âm thầm đóng góp sức mình giữ gìn cảnh quan thành phố Bắc Kạn xanh - sạch - đẹp.
Nữ lao công hơn 1 thập kỷ không có ngày 8.3
Đã hơn 1 thập kỷ qua, chị Mai không có ngày 8.3, không có những bông hoa hay món quà kỷ niệm… Bởi cuộc sống quá khó khăn, một tay chị phải chạy vạy, lo toan cho 2 con nhỏ, trong đó, người con trai thứ 2 bị tàn tật.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.