Thứ tư, 24/04/2024 09:40 (GMT+7)

Xử lý chất thải y tế: chưa có hồi kết!

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2013 10:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam có trên 1.000 bệnh viện (BV), phát sinh khoảng 380 tấn chất thải y tế/ngày trong đó có 40 tấn chất thải nguy hại/ngày.

Nếu không được quản lý tốt, các thành phần nguy hại trong chất thải y tế như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây ung thư sẽ tạo ra nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Bất cập từ khâu thu gom

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện mới có khoảng 44% các bệnh viện (BV) có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng nhiều nơi đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, ngay ở các BV tuyến T.Ư vẫn còn tới 25% cơ sở chưa có hệ thống xử lý chất thải y tế, BV tuyến tỉnh là gần 50%, còn BV tuyến huyện lên tới trên 60%.

Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nơi tập trung hệ thống BV lớn, công tác môi trường y tế ở nhiều BV còn tồn tại. Hà Nội hiện có mạng lưới y tế dày đặc cùng với đó là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, đa số các cơ sở này chưa có hệ thống xử lý chất thải. Một số cơ sở có trạm xử lý nhưng công suất nhỏ chưa đạt yêu cầu. Nhiều cơ sở y tế, đơn vị sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động không đăng ký kiểm tra môi trường lao động, không đăng ký thu gom rác thải với cơ quan quản lý nên rất khó kiểm soát.

Đối với các BV tư nhân, phòng khám tư nhân do quỹ đất eo hẹp nên việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế vẫn còn là thách thức lớn; gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nhân dân.

Theo quy định, trong các bệnh viện, chất thải được thải ra hàng ngày và thời gian lưu giữ chất thải độc hại là 48 giờ. Đối với các cơ sở y tế nhỏ, thời gian lưu giữ các chất thải nhóm chất thải gây lây nhiễm, các vật sắc nhọn, chất thải y tế từ phòng thí nghiệm và chất thải dược phẩm không được quá 1 tuần; riêng chất thải nhóm chất thải bệnh phẩm phải đốt hoặc chôn ngay.

Thực tế, gần như 100% bệnh viện có thực hiện phân loại chất thải từ nguồn, nhưng khó có thể đảm bảo thực hiện tốt hoàn toàn do điều kiện nhân lực của từng bệnh viện rất khác nhau. Việc phân loại rác thải rắn y tế còn chưa đúng quy định, còn lẫn vào chất thải sinh hoạt. Phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn, vật sắc nhọn chưa được cô lập an toàn. Không có phương tiện vận chuyển riêng biệt, chuyên dụng, nơi lưu giữ không bảo đảm vệ sinh, có nhiều nguy cơ gây rủi ro do vật sắc nhọn rơi vãi, nhiều côn trùng xâm nhập.

Vướng ở khâu xử lý

Đối với công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải, các cơ sở y tế trong thành phố cần có một trung tâm lò đốt ở trong khu vực đó. Các đơn vị y tế trong các thị trấn cần có một lò đốt cho một cụm các cơ sở hoặc mỗi cơ sở có một lò đốt. Biện pháp chôn lấp chỉ nên áp dụng cho các cơ sở y tế không có lò đốt rác. Chất thải phải được chôn đúng nơi quy định và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cho phép. Bước xử lý ban đầu gồm đun sôi, khử hóa chất và biện pháp dùng nhiệt độ sấy khô hoặc ướt chỉ được áp dụng cho chất thải. Thế nhưng, việc xử lý chất thải rắn nguy hại của ngành y tế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Qua khảo sát, hiện có khoảng 30% tỉnh, thành phố trong toàn quốc không có công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp, đặc biệt là các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao và miền núi.

Cả nước có khoảng 200 lò đốt, nhưng số lò đốt hiện đại đạt tiêu chuẩn môi trường mới xử lý được khoảng 40% chất thải tại các bệnh viện; tập trung tại tuyến bệnh viện Trung ương. Số còn lại là các lò đốt công suất nhỏ và trung bình, phục vụ xử lý chất thải tại chỗ hoặc cho cụm bệnh viện. Trong đó có nhiều lò đốt không được sử dụng hoặc vận hành không hết công suất, nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải, nên không thể kiểm soát được các khí độc hại như dioxin, furan. Thậm chí phần lớn bệnh viện huyện và một phần bệnh viện tỉnh vẫn còn dùng biện pháp chôn lấp chất thải nguy hại trong khuôn viên hoặc chôn lấp tại bãi chất thải chung của địa phương.

Trong số trên 80 cơ sở y tế nằm trong danh sách phải xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định 64, vẫn còn trên 26% cơ sở thuê xử lý chất thải nguy hại; 17,5% xử lý bằng lò đốt 1 buồng.

Rất cần một lời giải đồng bộ từ thu gom đến xử lý, đi kèm giải pháp công nghệ và tài chính, để giải bài toán xử lý rác thải y tế còn nhiều bề bộn.

Theo Monre.gov.vn

Bạn đang đọc bài viết Xử lý chất thải y tế: chưa có hồi kết!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới