Thứ sáu, 29/03/2024 01:41 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó lũ ở ĐBSCL và mưa lũ ở Bắc Bộ

MTĐT -  Thứ sáu, 31/08/2018 15:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, mực nước sông Cửu Long đang tiếp tục lên, mực nước cao nhất ngày 30/8/2018 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,98m.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ; UBND các tỉnh miền núi phía Bắc gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công điện nêu rõ:

Hiện nay, mực nước sông Cửu Long đang tiếp tục lên, mực nước cao nhất ngày 30/8/2018 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,98m (dưới báo động 2 là 0,02m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,55m (trên báo động 2 là 0,05m).

Dự báo, ngày 05/9/2018, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,15m, tại Châu Đốc ở mức 3,65m (trên báo động 2 là 0,15m), đến giữa tháng 9 năm 2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3, hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Đập Tha La ở An Giang chỉnh thức xả vào sáng 31/8. Ảnh: Tiền Phong. 

Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, những ngày vừa qua đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi gần 600mm; gây lũ lớn trên thượng nguồn sông Mã, đỉnh lũ tại Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vượt mức báo động 3 khoảng 2,05m, tương đương lũ lịch sử năm 2007, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa.

Như vậy, tại Đồng bằng sông Cửu Long lũ về sớm so với mọi năm và là trận lũ lớn nhất từ năm 2014 đến nay; tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin (nhất là thông tin về mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn) để dự báo sát diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương có liên quan phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân, trong đó tập trung:

Tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao; huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm; rà soát lại phương án chủ động đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ.

Rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt để có các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tổ chức sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu.

Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch sớm các diện tích lúa Hè Thu đã chín, nhất là tại các khu vực thấp trũng, không có đê bao, bờ bao bảo vệ theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại.

Triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh đuối nước trong mùa lũ, nhất là bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh như tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung an toàn, đưa đón học sinh trong mùa lũ, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ:

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 và số 22/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.

Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản (nhất là bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu), giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải tại vùng ngập lũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh, nhất là tại vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống điện.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương phòng, chống lũ và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó.

Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai phương án ứng phó với mưa, lũ theo quy định.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó lũ ở ĐBSCL và mưa lũ ở Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.