Thứ năm, 28/03/2024 20:17 (GMT+7)

Những dấu ấn quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

MTĐT -  Thứ ba, 20/11/2018 15:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự, ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Sáng 20/11, sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự, ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Diễn ra vào cuối năm, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội có nhiệm vụ quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Những kết quả đạt được của kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt: Kinh tế, chính trị, xã hội.

Nhiều dấu ấn quan trọng

Kỳ họp thứ 6 ghi dấu sự đặc biệt bởi Quốc hội tán thành rất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8, với 100% số phiếu tán thành, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Kết quả này cho thấy lòng dân - ý Đảng là một, đồng thuận, nhất trí rất cao.

Trong lời phát biểu nhậm chức được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến quốc dân đồng bào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 và nhấn mạnh, đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nguyện nỗ lực hết mình để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó.

Toàn cảnh bế mạc sáng 20/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ phấn khởi, tin tưởng Quốc hội đã sáng suốt bầu chọn đúng người có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để đảm nhiệm hai trọng trách lớn - người lãnh đạo cao nhất của Đảng đồng thời là người đứng đầu Nhà nước; tin tưởng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ “cầm lái” vững vàng, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; thông qua Nghị quyết số 67/2018/QH14 phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kỳ họp thứ 6 đã đi vào lịch sử, khi tại Kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước. Việc phê chuẩn Hiệp định này nhận được sự đồng thuận rất cao với 469 đại biểu tán thành, chiếm 100% tổng số đại biểu có mặt và bằng 96,70% tổng số đại biểu Quốc hội.

Hiệp định CPTPP hình thành trên cơ sở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Trong khuôn khổ Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC, vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng (Việt Nam), 11 nền kinh tế gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy ký kết Hiệp định CPTPP.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 Chương là quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng) để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên.

CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Các nước thành viên CPTPP tạo thành một thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử

Một nội dung quan trọng khác được dư luận quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay những ngày đầu của Kỳ họp thứ 6.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là lần thứ ba hoạt động này được thực hiện tại nghị trường và cũng là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất với Quốc hội khóa XIV. Hai lần trước, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành vào năm 2013 và 2014. So với hai lần trước, điểm mới trong lấy phiếu tín nhiệm lần này là người được lấy phiếu phải báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4. Ngoài ra, người được lấy phiếu phải báo cáo tự đánh giá, kiểm điểm về thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nhiều ý kiến bên lề kỳ họp đánh giá bên cạnh hoạt động giám sát truyền thống như chất vấn tại nghị trường, lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế tiên tiến, tạo ra bước đột phá nhằm phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là "thước đo" hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước, chưa có trường hợp nào có kết quả quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định, hay từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.

Tại lần lấy phiếu thứ ba này, cũng không chức danh nào có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp". Giữ vững sự tin tưởng của các đại biểu Quốc hội qua ba lần lấy phiếu (năm 2013, 2014 và 2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao (90,1% đại biểu tín nhiệm cao và 7,01% đại biểu tín nhiệm). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 81,03% đại biểu tín nhiệm cao và 14,02% đại biểu tín nhiệm, dẫn đầu khối Chính phủ gồm 26 thành viên về sự đánh giá tích cực của đại biểu Quốc hội.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy, việc lấy phiếu tín nhiệm giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, từ đó tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Thông qua 9 Luật và 4 nghị quyết về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Quốc hội đánh giá mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Quốc hội đã quyết định và thông qua bốn nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.

Công tác lập pháp luôn là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thông qua chín luật: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; cho ý kiến sáu dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Hành chính công ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và dừng việc xây dựng dự án Luật này; xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). 

Giám sát đến cùng việc thực hiện những quyết định của Quốc hội

Luôn là nội dung đặc biệt, được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước đánh giá cao.

Đây là lần thứ năm Quốc hội khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này được coi như là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với việc thực hiện những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 không giống với các phiên chất vấn tại các kỳ họp trước. Theo thông lệ, tại các kỳ họp trước, Quốc hội sẽ quyết định nội dung sẽ tiến hành chất vấn qua việc tổng hợp từ phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành trọn vẹn 3 ngày nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người được chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và chất vấn việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Để tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường, phương thức "hỏi nhanh, đáp gọn" tiếp tục được duy trì, mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút, thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút.

Sau 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, trưởng ngành; 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.

Đánh giá về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.

Một điểm dễ nhận thấy tại phiên chất vấn là sự tranh luận sôi nổi giữa chính các đại biểu Quốc hội trong phần đặt câu hỏi, nêu vấn đề. Trong 3 ngày chất vấn, 82 lượt đại biểu đã tranh luận, trong đó có nhiều lần đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Qua những tranh luận công khai tại nghị trường của các đại biểu cho thấy những góc nhìn đa chiều về một vấn đề, đưa ra những nhận định, đề xuất đã giúp tư lệnh ngành có cái nhìn sâu sắc hơn để điều hành đạt hiệu quả cao hơn.

Đây là biểu hiện sinh động của sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Những vấn đề rất nóng của xã hội đã được các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho cử tri và nhân dân mang tới làm "nóng" nghị trường, điển hình như câu chuyện "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng" xảy ra tại Cần Thơ hay hiện tượng trục lợi chính sách người có công, sử dụng lãng phí sách giáo khoa...

Những kết quả, dấu ấn của Kỳ họp thứ 6 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội đã thể hiện sinh động sự cầu thị, trách nhiệm trước Nhân dân, khắc họa rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Trong lời phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá "kết quả của kỳ họp tạo niềm tin về sự nỗ lực, đoàn kết, nhất trí để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Những dấu ấn quan trọng của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.