Thứ sáu, 29/03/2024 19:07 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/9/2018

MTĐT -  Thứ tư, 12/09/2018 07:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất ngày 12/9 do Môi trường và Đô thị tổng hợp, cập nhật.

"Dịch chuyển ga ngầm C9 sang khu vực khác là bất khả thi"

Chiều 11/9, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Hội tổ chức, ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cung cấp thông tin về vị trí đặt ga ngầm C9 (tuyến đường sắt đô thị số 2) ở Hồ Gươm.

Còn nhiều tranh cãi liên quan đến đặt ga C9.

Theo ông Tuấn, ga C9 là một trong mười ga của giai đoạn một tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đã được xác định trong quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô. Các quy hoạch này đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Giả thiết không đặt ga C9 ở đây thì tuyến phải dịch chuyển. Mà tuyến dịch chuyển thì ảnh hưởng tới cả tuyến chạy từ thành phố Hà Nội cũ đến thành phố Hà Nội mở rộng với các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Tuấn nói.

Vị này cho rằng một ga C9 phục vụ hành khách trong bán kính 500m. Do vậy, đưa nhà ga ra khu vực khác là bất khả thi trong tổ hợp cấu trúc của 10 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó có 8 tuyến chủ đạo, 2 tuyến nhánh.

Người Sài Gòn té nhào vì triều cường dâng cao

Chiều 11.9, triều cường dâng vào giờ tan tầm khiến giao thông trên đoạn đường Huỳnh Tấn Phát (P. Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) tắc nghẽn. Nhiều người bị té do nước ngập, nhiều phương tiện chết máy.

Nhiều người té xe do triều cường. Ảnh: Thanh Niên.

Nhiều phương tiện chết máy khi đi qua đoạn đường ngập. Chị Trần Thị Lý (Q.7, TP.HCM) ngán ngẩm: "Đoạn đường này ngập mà lại lởm chởm đất đá bên dưới rất nguy hiểm, dễ bị té". Càng về tối, việc đi lại của người dân qua đây càng nguy hiểm do nước ngập, mặt đường nhấp nhô trở thành cái bẫy nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Theo dự báo của ngành chức năng, triều cường sẽ còn kéo dài trong một tuần nữa.

Nghệ An: Dự án xén vỉa hè làm điểm đỗ xe ở TP Vinh bị “tuýt còi”

Dự án xén vỉa hè làm điểm đỗ xe ở TP Vinh (Nghệ An) đã bị “tuýt còi” do khi phê duyệt dự án chủ đầu tư (là UBND TP Vinh) đã không xin ý kiến của Sở Xây dựng, trong khi theo quy định, công trình dự án này trước khi phê duyệt đầu tư phải có ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng.

Được biết, Dự án cải tạo một số diểm trên vỉa hè các tuyến đường Lê Mao, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai làm điểm đỗ xe được UBND thành phố Vinh phê duyệt từ tháng 10/2017, có chiều dài 760m. Tổng mức đầu tư hơn 13,7 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng gần 8,5 tỷ đồng.

Dự án được đấu thầu công khai, liên danh 3 công ty trúng thầu (gồm Công ty CP Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh làm bãi đỗ xe ở 3 vị trí với tổng gói 2,46 tỷ đồng; Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Nam xây dựng hệ thống thoát nước với số tiền 2,37 tỷ đồng và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang cải tạo bó vỉa đá xanh và lát gạch tezzarro với số tiền 3,96 tỷ đồng. Cả 3 công ty này đều có trụ sở ở Nghệ An)

Hiện tại, các vị trí được cải tạo đang còn dang dở, có nơi mới rải xong lớp móng đá dăm, có nơi chuẩn bị thảm nhựa…Trên công trường, các công nhân và máy móc đã không còn làm việc.

Hà Nội: 2 khu vực giao thông có chất lượng không khí ở mức kém

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, nhìn chung chất lượng không khí trong ngày 11/9 ở mức trung bình, một số trạm quan trắc giao thông có chất lượng không khí ở mức kém.

Chỉ số chất lượng không khí ngày (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc tại Hà Nội (số liệu được cập nhật vào lúc 14h ngày 11/9/2018): Trung Yên 3: 57 (Trung bình); Minh Khai - Bắc Từ Liêm: 95 (Trung bình); Hoàn Kiếm: 62 (Trung bình); Hàng Đậu: 101 (Kém); Kim Liên: 57 (Trung bình); Thành Công: 78 (Trung bình); Tân Mai: 51 (Trung bình); Mỹ Đình: 59 (Trung bình); Phạm Văn Đồng: 105 (Kém); Tây Mỗ: 55 (Trung bình).

So với hôm qua, đa phần các chỉ số đo được tăng, duy có trạm Tân Mai giảm từ 58 xuống 51 (gần mức tốt), trạm Minh Khai giảm từ 100 xuống 95. Các trạm Trung Yên và Tây Mỗ giữ nguyên chỉ số.

Đáng chú ý, 2 điểm đo có chất lượng không khí ở mức kém là Hàng Đậu và Phạm Văn Đồng. Đây đều là những khu vực đo giao thông.

Nguyên nhân của tình trạng trên do thời tiết 24 giờ qua tại Hà Nội không mưa, ít nắng, nhiều mây. Bên cạnh đó sự gia tăng hoạt động của các phương tiện giao thông trong những ngày đầu tuần khiến chất chất lượng không khí đang xấu đi nhanh chóng.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới