Thứ sáu, 29/03/2024 21:37 (GMT+7)

Tháng 8 sẽ thanh tra việc bảo vệ môi trường trên cả nước

MTĐT -  Thứ hai, 01/08/2016 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn)- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước bắt đầu từ tháng 8/2016.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đợt thanh tra toàn diện lần này nhằm đạt được nhiều mục tiêu: Đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan chuyên môn có liên quan, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường và đề xuất xử lý; đổi mới một cách mạnh mẽ công tác thanh tra về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tạo bước đột phá trong hoạt động thanh tra; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường...

Đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối tượng thanh tra cụ thể sẽ được nêu tại quyết định thành lập đoàn thanh tra. “Trong quá trình thanh tra có thể bổ sung các đối tượng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”- Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan chuyên môn có liên quan và của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên tại 23 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ động lồng ghép nội dung thanh tra đối với đối tượng là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 500 m3/ngày đêm trở lên; Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên (trừ các đối tượng đã được đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2016) để đề xuất đưa vào kế hoạch thanh tra của Sở trong năm 2017.

Các đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Dự kiến cuối tháng 10/2016 sẽ hoàn thành tổng hợp báo cáo kết luận thanh tra; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra.

Đề nghị 23 địa phương cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra

Để tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Trung ương và địa phương, đồng thời, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị UBND 23 tỉnh, thành phố cử người tham gia các Đoàn thanh tra sẽ được Bộ này thành lập và triển khai vào đầu tháng 8/2016.

23 tỉnh, thành phố được đề nghị cử cán bộ tham dự Đoàn thanh tra bao gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh và Vĩnh Long. 3 cán bộ được cử tham gia Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó trưởng đoàn thanh tra.

                                                                                     Theo Thế Kha/Dân trí

Bạn đang đọc bài viết Tháng 8 sẽ thanh tra việc bảo vệ môi trường trên cả nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới