Thứ sáu, 29/03/2024 16:23 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 7-13/1)

MTĐT -  Thứ hai, 14/01/2019 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất, tin tức tuần qua (từ 7 - 13/1/2019). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần qua do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc có tiến triển tốt

Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán về vấn đề thương mại trong hai ngày 7 và 8-1 nhưng bất ngờ kéo dài sang ngày 9/1, làm gia tăng triển vọng tích cực về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được một thỏa thuận.

Đây là lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Buenos Aires vào tháng 12-2018 nhất trí về việc “đình chiến thương mại” 90 ngày để đàm phán. Các nguồn tin cho biết đàm phán có dấu hiệu tiến triển trong những vấn đề như mua hàng hóa năng lượng và nông nghiệp của Mỹ, tăng tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Bộ Thương Mại Trung Quốc trong thông cáo ngày 10/1 đánh giá cuộc họp mở ra "nền tảng" cho việc "giải tỏa" những lo ngại của đôi bên. Thông cáo được công bố trên trang mạng của bộ Thương Mại Trung Quốc không đi sâu vào chi tiết những điểm được phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đề cập đến tại Bắc Kinh lần này, nhưng phía Trung Quốc hài lòng khi thấy "vì lợi ích chung, đôi bên đã thảo luận một cách thấu đáo và đã đi sâu vào chi tiết trên các vấn đề mậu dịch cũng như là về cơ cấu".

Phó đại diện Thương Mại Mỹ Jeffrey Gerrish (G) và phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán ở Bắc Kinh. Ảnh: Greg Baker/AFP ngày 08/01/2019.

Tại Washington, thông cáo của bộ Thương Mại Mỹ được công bố hôm 09/01/2019 chỉ nêu lại những điểm chính từ sau cuộc đối thoại giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Trung Quốc ông Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Achentina hôm 01/12/2018.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 10/1 tuyên bố Mỹ thành công tốt đẹp trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông nói với các phóng viên “Chúng ta đang thương thuyết và đạt được sự thành công to lớn với Trung Quốc,” nhưng cũng không cho biết chi tiết.

Chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa

Các lãnh đạo Dân chủ hàng đầu cho hay Tổng thống Donald Trump bước ra khỏi cuộc họp với lãnh đạo Quốc hội trong lúc các cuộc thương lượng để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ tiếp tục bế tắc.

Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, Chuck Schumer, cho biết trong cuộc gặp hôm 9/1 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump hỏi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng bà có đồng ý cấp quỹ cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico theo đề nghị của ông hay không.

AP dẫn lời ông Schumer thuật lại rằng khi bà Pelosi trả lời ‘Không’ thì Tổng thống Trump đứng dậy tuyên bố ‘Vậy thì không có gì phải bàn cả,’ và bỏ ra ngoài.

Thượng nghị sĩ Schumer nói hành động của ông Trump là hết sức đáng tiếc.

Tổng thống Trump cũng lên Twitter đăng tin về cuộc họp, với dòng chữ ‘hoàn toàn mất thời gian.’ Ông Trump viết trên Twitter rằng khi bà Pelosi từ chối tường biên giới, ông đã nói ‘bye-bye, không điều gì khác còn có tác dụng.!’

Không đạt thỏa thuận về cấp tiền cho bức tường biên giới, những người của đảng Cộng hòa ở Thượng viện và Tổng thống hiện từ chối phê duyệt ngân sách cho 8 bộ cấp liên bang, dẫn đến việc chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đóng cửa một phần.

Tối 10/1, Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua dự luật bảo đảm là các nhân viên liên bang sẽ được trả đầy đủ các khoản chính phủ còn nợ họ kể từ khi chính phủ ngừng hoạt động.

Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (bên phải), Tổng thống Donald Trump (bên trái), không đạt được thoả thuận sau cuộc họp kết thúc chóng vánh ngày 9/1. Ảnh: VOA.

Cũng nhằm tháo gỡ việc đóng cửa Chính phủ, Hạ viện Hoa Kỳ hôm 11/1 biểu quyết khôi phục ngân khoản cấp cho một số cơ quan liên bang bị đóng cửa vì tranh chấp với Tổng thống Donald Trump về kinh phí xây tường biên giới, trong khi ước tính khoảng 800.000 công chức chính phủ, từ nhân viên thu thuế cho đến các đặc vụ FBI, chưa nhận được chi phiếu trả lương.

Dự luật của Hạ viện, thông qua với tỉ lệ 240-179 chỉ với 10 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, sẽ khôi phục ngân khoản cấp cho Bộ Nội vụ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hai trong số các cơ quan đã không nhận được tiền kể từ ngày 22 tháng 12 vì tranh chấp về bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Dự luật trị giá 35,9 tỉ đôla cao hơn so với yêu cầu của ông Trump 6 tỉ đôla.

Nhưng phe Cộng hòa kiểm soát Thượng viện cho đến giờ vẫn sát cánh cùng ông Trump và nhấn mạnh rằng bất kì dự luật chi tiêu nào cũng phải bao gồm tiền xây bức tường do Tổng thống đề xuất. Thượng viện ngưng họp mà không đưa dự luật của Hạ viện lên để biểu quyết.

Ảnh hưởng trực tiếp từ việc đóng cửa chính phủ, Sân bay Quốc tế Miami cho biết họ sẽ đóng sớm một trong những ga hành khách trong vài ngày tới vì thiếu nhân viên rà soát an ninh. Những người này đã gọi điện thoại cáo bệnh với tần suất cao gấp đôi bình thường trong thời gian gần đây.

Một nghiệp đoàn đại diện hàng ngàn kiểm soát viên không lưu đã kiện Cục Hàng không Liên bang vào ngày 11/1, nói rằng cơ quan này vi phạm luật tiền lương liên bang vì không trả lương cho nhân viên. Đây ít nhất là vụ kiện thứ ba được đệ trình bởi các nghiệp đoàn thay mặt nhân viên không được trả lương.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim bất ngờ thông báo từ chức

Hiện chưa rõ lý do ông Jim Yong Kim quyết định từ chức, song theo một số nguồn tin thì nguyên nhân có thể phần lớn là bất đồng giữa người đứng đầu World Bank với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, liên quan đến các khoản cho vay dành cho Trung Quốc. Là nước góp vốn nhiều nhất trong Ngân hàng Thế giới, Mỹ từng tuyên bố chỉ đồng ý tăng vốn cho World Bank nếu ngân hàng này giảm các khoản vay cho Trung Quốc.

Cuối năm 2017, Nhà Trắng đã từng chỉ trích gay gắt World Bank khi ông Kim đấu tranh đòi tăng vốn cho định chế, để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển. Bộ Tài Chính Mỹ khi đó không muốn nguồn vốn của định chế tài chính này được dùng để hỗ trợ cho kinh tế Trung Quốc. Giới chức Mỹ đã gây áp lực để WB cho Trung Quốc vay ít hơn. Dư nợ cho Trung Quốc vay đã giảm 30% trong năm 2018 xuống còn 1,8 tỉ USD.

Ngoài ra, Ông Kim cũng bất đồng với chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump về vấn đề biến đổi khí hậu và nhu cầu tài nguyên cho phát triển. Tuy nhiên, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết quyết định từ chức là quyết định cá nhân và không chịu tác động từ chính quyền Trump.

Theo nhận định của Reuters, việc ông Kim từ chức mở ra cơ hội để chính quyền Mỹ tìm một nhân vật đứng đầu có quan điểm phù hợp với các chính sách của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Đã thành thông lệ từ lâu nay, Hoa Kỳ vẫn luôn được quyền ưu tiên chọn một người Mỹ để lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Châu Âu thì được đặc quyền bổ nhiệm một người của họ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quy tắc bất thành văn « độc quyền » nắm hai định chế tài chính lớn nhất thế giới này, vốn bị chỉ trích từ nhiều nước khác, và các tổ chức phi chính phủ.

 Chọn người lãnh đạo World Bank lúc này là một cơ hội, nhưng cũng không phải là việc dễ dàng cho Washington, nhất là khi uy tín quốc tế của Tổng thống Trump đang rất thấp. « Nếu đưa ra một ứng cử viến không đủ tiêu chuẩn hoặc có quan điểm khác với WB thì Mỹ có thể mất đi đặc quyền và có nguy cơ gây ra chống đối từ đại diện của các nước khác », chuyên gia Scott Morris, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ từng làm việc tại WB nhận định. Dù Mỹ có quyền chỉ định, nhưng ứng viên đó vẫn phải qua biểu quyết của các thành viên là đại diện của nhiều quốc gia, khu vực. Các nước này đang đấu tranh để có ảnh hưởng lớn hơn trong các cơ chế đa phương, nhằm cân xứng với tầm ảnh hưởng kinh tế của họ.

Phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ đã lên tiếng đánh giá cao sự phục vụ của ông Jim Yong Kim, và cho biết bộ trưởng Steven Mnuchin đang khẩn trương làm việc để chỉ định một lãnh đạo mới.

Sau khi ông Kim từ chức, từ 1 tháng 2 năm nay, Bà Kristalina Georgieva – Giám đốc điều hành WB sẽ làm chủ tịch tạm quyền. 

Ông Jim Yong Kim được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử vào chức vụ Chủ tịch WB từ năm 2012.Nhiệm kỳ đến năm 2022, nhưng ông sẽ rời WB vào 1/2/2019 sớm ba năm trước thời hạn. Ảnh Reuters.

Ba Lan bắt giữ một Giám đốc cao cấp của Huawei

Hôm 11/1, Ông Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của cơ quan tình báo Ba Lan đã xác nhận việc bắt giữ một công dân Trung Quốc vì nghi ngờ ông này là gián điệp. Nhân vật bị bắt là Giám đốc Kinh doanh của Huawei tại Ba Lan có tên là Vương Vĩ Kinh ( có tên Ba lan là Stanislaw). Cơ quan tình báo của Ba Lan đã tiến hành khám xét văn phòng Huawei, tịch thu nhiều tài liệu cả bản cứng và bản mềm. Nhà riêng của Vương Vĩ Kinh cũng bị khám xét và thu giữ nhiều tài liệu.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra, Cơ quan An ninh Ba Lan cũng tiến hành bắt giữ một trong những cựu lãnh đạo của mình, từng đảm trách cương vị Phó giám đốc Bộ phận An ninh Công nghệ thông tin. Người này cũng không được nêu tên nhưng được xác định là có kiến thức về mạng lưới thông tin liên lạc mã hóa của Ba Lan, vốn được các cơ quan đầu não sử dụng. Tòa án Ba Lan đã ban hành lệnh tạm giam hai người này trong vòng 3 tháng. Cả hai người đều bị buộc tội gián điệp chống lại Ba Lan với khung hình phạt có thể lên tới 10 năm tù giam. Tuy nhiên, cả hai người này đều bác bỏ cáo buộc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan phát đi thông điệp tỏ ý quan ngại về sự việc, đồng thời yêu cầu phía Ba Lan sắp xếp một chuyến thăm lãnh sự “càng sớm càng tốt” để “bảo vệ quyền lợi, sự an toàn và đối xử nhân đạo với công dân Trung Quốc”.

Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan đưa tin về vụ bắt giữ Vương Vệ Tinh(Stanislaw) và Piotr D. 

Pháp - Nhật tăng cường hợp tác quân sự tại Thái Bình Dương

Bốn vị Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại giao Pháp -Nhật gặp nhau 11/01 tại Brest, căn cứ hải quân Pháp ở Tây-Bắc. Mục đích cuộc họp 2+2 này nhằm “thúc đẩy” dự án đối tác quân sự đã được khởi động cách nay 5 năm.

Tham dự hội nghị 2+2 tại Brest gồm ngoại trưởng Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera. Phía Pháp có ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly.

Theo Reuters, cuộc trao đổi Pháp - Nhật được tổ chức theo công thức ngoại giao-quốc phòng mà Paris chỉ có với một nước bạn quan trọng ở vùng Ấn - Độ Thái Bình Dương, được thiết lập từ năm 2014 nhằm đáp ứng hai nhu cầu. Thứ nhất, Tokyo muốn khẳng định vai trò của Nhật trên trường quốc tế, tham gia các chiến dịch bảo vệ hoà bình, chống khủng bố và tìm kiếm sự hỗ trợ trước mối đe dọa từ nước khác.

Thứ hai, là Paris có lợi ích trong việc tham gia hoạt động và có tiếng nói trong khu vực chín triệu cây số vuông, trải dài từ Ấn Độ Dương đến tận Thái Bình Dương, nơi mà tự do hàng hải đang bị đe dọa.

Với căn cứ Nouméa ở đảo Nouvelle - Calédonie, chiến hạm Pháp có thể nhanh chóng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tháng 2/2018, tuần dương hạm Vendémiaire, bằng thủy lộ này, tập trận với hải quân Nhật và sẽ trở lại Hoa Đông vào tháng 4/2019. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên hàng không mẫu hạm hạt nhân Charles de Gaulle sẽ được tái bố trí ở Ấn Độ Dương và sẽ tập trận với các chiến hạm Nhật tại « phía đông Ấn Độ Dương » theo thuật ngữ ngoại giao của bộ Quân Lực Pháp. Nhưng ngoài an ninh quốc phòng, còn có vế thứ hai là hợp tác chế tạo vũ khí.

Theo một nguồn tin ngoại giao Nhật, Tokyo muốn cùng Paris ghi dấu một bước tiến cụ thể hơn trong cuộc họp 2+2 tại Brest: đó là tiến hành chế tạo tiềm thủy đỉnh tự hành chống thủy lôi do Thalès và Mitsubishi Heavy Industies thực hiện.

Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tiếp bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (trái) cùng các ông Itsunori Onodera, Taro Kono trong khuôn khổ cuộc họp 2+2 Pháp- Nhật đầu năm 2018. Ảnh REUTERS/Frank Robichon/Pool.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un thăm Trung Quốc

Sáng 8/1, người phát ngôn Ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo: "Nhận lời mời của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng đảng Lao động Triều Tiên kiêm Ủy viên trưởng Quốc vụ viện Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiến hành thăm Trung Quốc từ ngày 7-10/1".

Đây là lần thứ 4 ông Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của ông, xét về thời gian, ngoài khía cạnh trùng sinh nhật ông thì bán đảo Triều Tiên cũng sẽ phát sinh sự kiện lớn, Báo thanh niên Bắc Kinh cho rằng, đó là tín hiệu của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 4 và hội nghị Mỹ-Triều lần 2.

Hiện nay, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã có bước phát triển mới nhất khi ngày 6/1 - trước ngày ông Kim sang Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, lãnh đạo hai nước Mỹ-Triều đang thảo luận lựa chọn địa điểm tổ chức thượng đỉnh song phương lần hai. Ông còn tiết lộ, sự kiện này có khả năng diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm nay.

Ngoài ra, đối với hai nước Trung-Triều, năm 2019 còn mang ý nghĩa đặc biệt: Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Theo ông Chiêm Đức Bân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bán đảo Triều Tiên, Đại học kinh tế ngoại thương, Thượng Hải, việc ông Kim thăm Trung Quốc ngay dịp đầu năm chứng tỏ Bình Nhưỡng rất coi trọng mối quan hệ Trung-Triều.

"Các cuộc đàm phán hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên đang đứng trước những bước đột phá và nguyên thủ Mỹ-Triều có thể tái hội ngộ. Do đó, chuyến thăm Trung Quốc lúc này cho thấy sự liên kết chiến lược của Bắc Kinh và Triều Tiên".

Ông Triệu Thông, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh phân tích, chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un chứng minh, quan hệ của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh thân thiết hơn mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Washington hoặc Seoul.

Theo ông này, việc phát đi thông điệp này trong bối cảnh hiện nay có thể cho thấy mối quan hệ Mỹ-Triều đang gặp chướng ngại hoặc rắc rối và Bình Nhưỡng không tự tin sẽ đạt được thành công trong đàm phán từ bỏ hạt nhân.

"Triều Tiên thân thiết hơn với Trung Quốc vô hình trung gây áp lực cho Mỹ, cho thấy dù Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Bình Nhưỡng và tiếp tục trì hoãn cải thiện quan hệ song phương thì nước này vẫn có Bắc Kinh "chống lưng", không cần thỏa hiệp với Washington", ông Triệu nhận định.

Harry J. Kazianis, Giám đốc Trung tâm các lợi ích quốc gia Mỹ cho rằng, ông Kim Jong-un đang muốn nhắc nhở chính quyền Tổng thốngDonald Trump rằng, ông có nhiều lựa chọn ngoại giao và kinh tế, bên cạnh những đề nghị từ Mỹ và Hàn Quốc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Hy Lạp bàn về khủng hoảng tị nạn

Cuộc khủng hoảng tị nạn tiếp tục là vấn đề gây mâu thuẫn lớn tại châu Âu và là một trong những chủ đề chính trong chuyến công du Hy Lạp của thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 10/01/2019. Đây là lần đầu tiên bà Merkel tới Hy Lạp kể từ khi ông Alexis Tsipras nhậm chức thủ tướng năm 2015.       

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ thúc giục Hy Lạp tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách kinh tế và duy trì kỷ luật tài khóa nghiêm ngặt khi bà thăm Athens hôm 10/1. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Đức đến Hy Lạp trong gần 5 năm trở lại đây.

--

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tiếp thủ tướng Đức, bà Angela Merkel tại Athens ngày 10/01/2019. Ảnh REUTERS/Alkis Konstantinidis.

Dự kiến trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ khuyến khích các chính trị gia Hy Lạp ủng hộ thỏa thuận với nước láng giềng Macedonia về việc đổi tên nước, điều mà cả Đức và Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Balkan.

Theo thỏa thuận ký gần đây giữa Athens và Skopje, nước láng giềng phía Bắc Hy Lạp này đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp vì nước này cũng có một tỉnh miền Bắc mang tên Macedonia.

Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía Bắc bỏ tên gọi Macedonia vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp.

Tranh cãi liên quan vấn đề tên gọi này cũng là rào cản chính khiến Macedonia không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đức coi thỏa thuận đổi tên nói trên là một chiến thắng ngoại giao, mở đường cho Macedonia gia nhập EU và NATO, qua đó giúp hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Nga ở khu vực Balkan.

Theo kế hoạch, vào ngày 11/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc gặp với ông Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo đảng bảo thủ Dân chủ Mới, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận và luôn phản đối thỏa thuận đổi tên với Macedonia.

Bên cạnh đó, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhiều khả năng cũng sẽ là một trong những chủ đề thảo luận trong chuyến thăm Hy Lạp lần này của Thủ tướng Đức Merkel. Trước đó, Berlin đã bác bỏ yêu cầu này của Athens, tuy nhiên Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã nêu ra vấn đề này trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Đức Frank- Walter Steinmeier tới Hy Lạp hồi tháng 10/2018.

Pháp: Nổ khí ga làm rung chuyển trung tâm Paris

Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại Đại lộ Trevise ở quận 9 của Paris, chỉ cách bảo tàng Louvre một quãng đi bộ ngắn. Cảnh sát địa phương đã ra tuyên bố xác nhận sự cố. Bốn người đã thiệt mạng, trong đó có 2 lính cứu hỏa, 37 người bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng,

Các nhân chứng và nhà báo có mặt tại hiện trường cho hay, vụ nổ đã gây hỏa hoạn và tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng quanh các con đường tiếp giáp với Đại lộ Trevise.

Nhiều hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Twitter đã cho thấy cảnh tượng đổ nát sau vụ nổ. Các mảnh vỡ nằm ngổn ngang khắp nơi, một số phương tiện nằm ven đường bị lửa thiêu rụi.

Một số báo cáo ban đầu từ hiện trường khẳng định có nhiều trường hợp bị thương. Song, hiện vẫn chưa có cập nhật chính thức của giới chức địa phương về nguyên nhân và tình hình thiệt hại.

Nhà chức trách yêu cầu mọi người tránh xa khu vực bị ảnh hưởng. Nguyên nhân gây nổ hiện vẫn chưa rõ, nhưng cảnh sát đang điều tra khả năng nó bắt nguồn từ vụ rò rỉ khí gas tại một tiệm bánh không có yếu tố khủng bố và cũng không liên quan đến những nguời biểu tình áo vàng trên các đường phố trong thứ bảy tuần thứ 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử Bộ trưởng Y tế Veronika Skvortsova tới thành phố Magnitogorsk để theo dõi sát sao sự vụ. Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin đã gửi một đội điều tra tới hiện trường. Những người này đang làm việc với các chuyên gia địa phương để xác định nguyên nhân vụ nổ.

Vụ nổ gần như làm hư hại hoàn toàn các phương tiện bên ngoài tiệm bánh. Nguồn AP.

Tổng thống Venezuela Maduro tái nhậm chức giữa khủng hoảng kinh tế

Tổng thống Venezuela Maduro đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 10/1 (giờ Venezuela). Tuy nhiên ông vấp phải sự cô lập của khoảng 20 nước, trong đó có 17 nước châu Mỹ Latin, Mỹ và Canada đã tố chính quyền của ông là bất hợp pháp.

Tổng thống Venezuela Maduro đã bác bỏ các cáo buộc trên và thề sẽ tiếp tục di sản của cố Tổng thống Hugo Chaves. Ông Maduro cũng tố Mỹ đang kích động bất ổn thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng.

Tổng thống Maduro cho rằng Venezuela là trung tâm của cuộc chiến toàn cầu do các nước Bắc Mỹ và đồng minh của họ phát động. Ông nói: “Họ đang cố gắng biến một lễ nhậm chức bình thường thành một cuộc chiến tranh thế giới”.

Trong số các nước Mỹ Latin, Paraguay đã quyết định tiến một bước nữa, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela. Trong khi đó, Peru đã triệu hồi về nước đại sứ của họ tại Caracas và cấm 100 nhân viên chính quyền Maduro nhập cảnh vào nước này.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Bolivia Evo Morales đã tới dự lễ nhậm chức của ông Maduro tại Venezuela.

Ông Maduro nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát, dự kiến sẽ lên tới 10 triệu phần trăm trong năm 2019 và trước đó, trong cuộc gặp.

Rất nhiều Phụ nữ Venezuela phải di cư sang Colombia để có thể bán tóc, bán sữa mẹ…để có tiền mua lương thực, nhu yếu phẩm nuôi sống gia đình. Ảnh: Fox News.

Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Venezuela Peter Grohmann, ông đã yêu cầu sự hỗ trợ đối với toàn bộ hệ thống lương thực, bởi đây là một trong những vấn đề mà Venezuela phải đối mặt trong suốt những năm 2016, 2017 và 2018.

Venezuela từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin và cũng là nước có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Khi ấy, dầu mỏ được xem là "giếng tiền" vô tận của quốc gia này. Tuy nhiên, giá dầu giảm và sai lầm trong quản lý kinh tế trong nhiều năm đã khiến họ chìm vào khủng hoảng từ năm 2014. Cuộc khủng hoảng khiến Venezuela không thể duy trì hệ thống trợ giá và kiểm soát giá cả như trước đây. Hệ quả là lạm phát ngày càng tăng tốc, nội tệ mất giá và tình trạng thiếu nhu yếu phẩm diễn ra tràn lan.

Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đưa tin từ Mỹ

(Biên tập theo các nguồn tin trong nước và nước ngoài)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 7-13/1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.