Thứ sáu, 29/03/2024 03:42 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí tấn công nhiều đô thị châu Á

MTĐT -  Thứ sáu, 01/02/2019 17:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những tuần qua, ô nhiễm không khí bao trùm nhiều thành phố lớn của châu Á như Bangkok (Thái Lan), New Delhi (Ấn Độ)...

Theo Daily Mail, các chuyên gia nhận định tình trạng ô nhiễm gây nên bởi các phương tiện giao thông, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, đốt ruộng, vườn canh tác, các hoạt động thường ngày của con người. Họ ước đoán thiệt hại của tình trạng này có thể lên tới vài chục triệu USD.

Bụi mụn khiến cuộc sống người dân Bangkok bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nutthawut Sirichainarumit, một nhân viên văn phòng tại Thủ đô Bangkok mới đây đã đăng một bức ảnh bàn tay đầy máu ngày 15/1, nói rằng anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bụi trong không khí.

“Hai ngày trước, mũi tôi rất đau khi thở. Tôi hắt hơi cả đêm và thật sự tồi tệ khi sáng hôm sau ra cả máu. Tôi thật sự choáng váng vì chưa bao giờ như thế. Tôi tin không khí ô nhiễm là nguyên nhân”- Sirichainarumit viết.

Bụi mụn khiến cuộc sống người dân Bangkok bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Seine Premmanuspaisal, một người dân địa phương khác, bị sốc khi được chẩn đoán nhiễm trùng phổi sau khi ho và nôn ra máu trong suốt ba ngày dù anh này không có tiền sử bệnh hô hấp.

Hôm 29/1, một bệnh nhân hen suyễn ở Bangkok được đưa tới phòng chăm sóc đặc biệt sau khi có hiện tượng chảy máu mắt. “Tôi đã nghĩ là tôi sắp chết. Tất cả là do ô nhiễm không khí”- người này nói.

Tình hình ô nhiễm không khí ở Bangkok tồi tệ hơn, thậm chí các con vật cũng đổ bệnh do ô nhiễm không khí. Bệnh viện thú y Bangkok cho hay một con thỏ được đưa tới đây bị chảy máu mũi, còn một con chó bị mất giọng suốt nhiều ngày. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi, khí quản và phế nang của nó bị phủ bụi, gây khó thở.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cam kết sẽ tăng cường các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Bangkok.

Nếu tình trạng ô nhiễm không khí không được cải thiện, Thủ tướng Prayuth có thể ban hành lệnh cấm lái xe một mình, cấm sử dụng xe động cơ diesel, huy động quân đội giám sát hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Trong ngày 1/2, chính quyền thủ đô Bangkok sẽ mời các công ty xây dựng, gồm cả doanh nghiệp đang thi công những dự án Nhà nước, đến để thảo luận về biện pháp giảm thiểu mật độ khói bụi từ nhiều công trường xây dựng.

Tại Ấn Độ, ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như New Dehi đã vượt tầm kiểm soát của Chính phủ nước này. Ấn Độ vừa công bố chương trình 5 năm nhằm cắt giảm ô nhiễm không khí tới 30% so với mức 2017 tại 102 thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất.

Các mục tiêu chính bao gồm giảm đốt chất thải đồng ruộng, củi và than, làm sạch nhiệt điện và khí thải tự động. Kế hoạch này nhằm mục đích đẩy mạnh việc cắt giảm khí thải công nghiệp và khí thải từ phương tiện giao thông, đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt về nhiên liệu giao thông và đốt sinh khối và giảm ô nhiễm bụi.

Thủ đô Seoul cũng chìm trong khói mịn. 

Tại Hàn Quốc, nhiều gia đình ở Hàn Quốc phải từ bỏ thói quen đưa con nhỏ tới công viên chơi hoặc đi dạo do lo ngại bụi mịn sẽ thâm nhập hệ hô hấp non nớt của trẻ. Các hoạt động ngoài trời khác như thể thao cũng dần được chuyển vào tổ chức trong nhà. Nguy cơ đe dọa sức khỏe từ bụi ô nhiễm gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và tần suất. Chỉ trong bốn tháng cuối năm 2018, người dân ở Gyeonggi, ngoại ô Seoul, đã nhận được 42 lần cảnh báo hoặc khuyến cáo sức khỏe vì bụi. Sản phẩm khẩu trang cũng ngày càng trở nên thông dụng và phổ biến.

Theo Yonhap, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp đối phó tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện hoạt động tại những khu vực ô nhiễm phải giảm 20% công suất. Các cơ sở phát thải khí và chất gây ô nhiễm môi trường cũng phải cắt ngắn thời gian hoạt động và áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm theo hướng dẫn của chính quyền thành phố. Giới chức tại 10 tỉnh, thành phố lớn của Hàn Quốc đã phải đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giảm lượng bụi mịn trong không khí, như hạn chế số lượng phương tiện lưu thông trên đường và các phương tiện vận tải công cộng.

Chính phủ Hàn Quốc đang hướng tới việc triển khai dự án thiết lập hệ thống lọc khí tại các trường học và các địa điểm công cộng. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Chính phủ sẽ cấp khoảng 30 tỷ won (tương đương 26,6 tỷ USD) cho đến năm 2023 để nghiên cứu về tác hại của bụi mịn với học đường và thiết lập hệ thống xử lý bụi học đường.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí tấn công nhiều đô thị châu Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.